Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chính phủ ngập ngừng với mục tiêu tăng trưởng

Chính phủ nhận định rằng, rất khó để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,7% nhưng sau đó vẫn nuôi hy vọng về đích an toàn bằng những yếu tố ngoại quan.

Nông nghiệp gặp khó khăn do hạn hạn kéo dài đầu năm đã kéo giảm tăng trưởng 6 tháng đầu năm. Ảnh: Ngọc Trinh

Tính chung 6 tháng, GDP tăng 5,52%, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2015 là 6,47%. 

Nguyên nhân được đưa ra chủ yếu đến từ sự giảm sút tốc độ tăng trưởng của hai ngành chủ lực là nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng (giảm 2,2%). Trong khi đó, mức tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh, nhưng kết quả đạt được chỉ ghi nhận ở mức độ tương đương của năm trước. 

Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho cả năm là rất khó để đạt được.

Tăng trưởng kinh tế suy giảm sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu khác. Bội chi ngân sách nhà nước trên GDP sẽ cao hơn mức Quốc hội đề ra; nợ công và nợ Chính phủ dự báo đến cuối năm 2016 cũng có thể vượt trần cho phép.

Tuy nhiên,  Chính phủ vẫn đang kỳ vọng vào những yếu tố ngoại quan để hoàn thành mục tiêu. Trong đó là những cải thiện trong tổng cầu và sức mua của thị trường trong nước, tổng đầu tư toàn xã hội, sự phục hồi của công nghiệp chế biến và tăng trưởng cao của khu vực dịch vụ... là những yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm cao hơn nửa đầu năm.

Ngoài ra, việc ký kết và thực hiện các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới được kỳ vọng sẽ mang lại những đột phá về đầu tư kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu. Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đang được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt.

Với việc đặt kỳ vọng lớn vào khả năng phục hồi của thị trường và các ngành sản xuất, rõ ràng Chính phủ vẫn bảo vệ quan điểm “hoàn thành mục tiêu tăng trưởng bằng mọi giá”.

Dẫu vậy, nhìn vào thực tế thì có đủ lý do để ngập ngừng với mục tiêu có phần quá lớn này. Bởi nếu cứ thúc tăng trưởng thì sẽ lặp lại các phưong án khai thác triệt để, tăng thêm đầu tư công, tăng trưởng tín dụng thông qua các chính sách tài khóa bất chấp hiệu quả kinh tế mà hệ lụy đánh đổi là bất ổn vĩ mô. Đẩy mức độ lạm phát lên cao.

Điều quan trọng nhất là phép tính về các thông số tăng trưởng 6 tháng cuối năm bắt buộc phải đạt được ngày càng xa thực tế. Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% cho cả năm 2016 thì 6 tháng cuối năm cần tăng trưởng 7,6%, đây là mức rất cao và hơi viễn vông.

Theo Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng GDP 2016 của Việt Nam chỉ từ mức 6% nên cái đích 6,7% đang ngày một xa hơn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, câu chuyện tăng tưởng kinh tế đi xuống thì chúng ta nên chấp nhận điều chỉnh lại mục tiêu (khoảng 6,2%), thay vì tăng cường tác động bằng chính sách để đạt bằng được kế hoạch 6,7%.

Hai kịch bản cho tăng trưởng cuối năm chính là chấp nhận thực tế để điều chỉnh giảm mục tiêu hay là điều chỉnh chính sách tài khóa để theo đuổi bằng được kế hoạch. Nhưng cái giá phải trả cho việc theo đuổi đến cùng mục tiêu là rất lớn và kéo dài sang những năm sau

 


Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm