Lần tăng giá điện ngày 16/3 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã gây ra những ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng, EVN thiếu minh bạch trong giá điện, còn Bộ Công Thương chưa quan tâm lợi ích của người tiêu dùng.
Ngày 1/4, Người phát ngôn Chính phủ cho hay, điều chỉnh giá điện 7,5% là phương án tăng thấp và ít tác động đến kinh tế - xã hội. Theo tính toán, điều này làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 2015 tăng 0,18% - 0,23%.
Ngoài ra, ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội sẽ tăng thêm mỗi năm khoảng 150 tỷ đồng. Đối với một số ngành sản xuất có mức tiêu thụ điện cao, ước tính tỷ lệ tăng giá thành khoảng 0,07% - 0,66%.
Lần tăng giá điện hôm 16/3 vừa qua bảo đảm phù hợp với các quyết định của Chính phủ. |
Cũng theo Người phát ngôn Chính phủ, việc điều chỉnh giá bán điện ngày 16/3 là cần thiết, dựa trên các căn cứ về chi phí, giá thành sản xuất, kinh doanh điện.
Cụ thể, các chi phí đầu vào như giá than, giá khí, tỷ giá, thuế tài nguyên nước, giá mua điện từ các nhà máy thủy điện nhỏ đều tăng. Giá dầu là chi phí đầu vào duy nhất giảm. Các yếu tố này có tác động lớn tới cơ cấu của giá điện.
Bên cạnh đó, lần tăng giá điện vừa qua được cho là phù hợp các quyết định trước đó của Chính phủ. Các bộ, ngành đã căn cứ vào cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân cũng như khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013-2015.
Những năm qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo tích cực thực hiện việc công khai, minh bạch đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh điện. Phương án điều chỉnh giá cũng được các bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước thống nhất.