Sáng 22/10, đại biểu Quốc hội thảo luận tổ nội dung tờ trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của 4 tỉnh, thành phố gồm Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên - Huế.
Dự thảo đề xuất một số nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác quy định của pháp luật hiện hành hoặc chưa được quy định. Theo đó, Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế được đề xuất 6 cơ chế, chính sách đặc thù; Thanh Hóa được đề xuất 8.
Hải Phòng được dùng nguồn cải cách tiền lương để tăng thu nhập cho cán bộ
Theo đề xuất của Chính phủ, các tỉnh được hưởng cơ chế về chính sách dư nợ vay, như tỉnh Thừa Thiên - Huế, Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; Hải Phòng, Thanh Hóa được vay không quá 60%.
Dự thảo nghị quyết cho phép thực hiện thí điểm chính sách phí, lệ phí và ngân sách được hưởng 100% số thu tăng thêm. Cụ thể, Hải Phòng và Thanh Hóa được quyết định áp dụng các loại phí, lệ phí chưa có trong danh mục đã ban hành.
Ngoài ra, nghị quyết cho phép địa phương được hưởng cơ chế đặc thù về quản lý đất đai, quản lý sử dụng rừng như chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ trên cơ sở lấy ý kiến người dân.
Chính phủ đề xuất phân cấp cho hai tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa được quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng với quy mô dưới 50 ha, rừng sản xuất dưới 1.000 ha.
Thanh Hóa và Thừa Thiên - Huế sẽ được hưởng 50% khoản thu mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000 ha. Trong khi đó, Hải Phòng được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức với mức không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản.
Đánh giá kỹ tác động về chuyển mục đích sử dụng đất
Đồng tình việc thí điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường đề nghị cân nhắc nâng mức trần tổng dư nợ vay. Hiện, 4 địa phương trên chưa vay được hết mức trần theo quy định.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường. Ảnh: Hồng Phong. |
Liên quan vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đối với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, ông Cường cho biết có ý kiến chưa tán thành bởi việc không bảo vệ được rừng đã gây hậu quả nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến phát triển bền vững. Quy định trên vì thế có thể tạo tiền lệ không tốt, đặc biệt trong bối cảnh báo động về môi trường như hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) hy vọng các cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo cú hích và động lực phát triển mạnh mẽ cho địa phương, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Ủng hộ cơ chế đặc thù về đất đai, song ông Long băn khoăn về tác động của chính sách trong thời gian dài chứ không chỉ 5 năm thí điểm. “Ví dụ việc chuyển đổi đất rừng tác động thế nào đến môi trường, trong 5 năm khó đánh giá được. Vì vậy, cơ chế về đất đai, đặc biệt đất rừng, cần đánh giá kỹ hơn”, đại biểu tỉnh Đồng Nai nói.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long (Đồng Nai). Ảnh: Hồng Phong. |
Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho biết nhiều người quan ngại vấn đề môi trường khi trao quyền cho địa phương chuyển đổi mục đích sử dụng các loại đất mà trước đây thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Tuy nhiên, ông Lâm cũng cho rằng cần sự mạnh dạn vì đây là bước đầu trong việc ủy quyền, phân cấp cho địa phương để đơn giản thủ tục hành chính. Thực tế thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở địa phương hiện rườm rà, phức tạp, làm chậm quá trình triển khai.
Ông đồng thời lưu ý việc thực hiện chuyển đổi chỉ thực hiện được trong khuôn khổ quy hoạch, kế hoạch đã xác định.
Ủng hộ theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, đại biểu Đồng Ngọc Ba mong muốn tập trung vào thí điểm cho cơ chế thực hiện thay vì vấn đề về sử dụng đất đai hay các nguồn thu.
“Quan trọng là làm sao từng địa phương có cơ chế tốt để đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh, giảm bớt thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh”, ông Ba nêu quan điểm. Đặc biệt, ông đề xuất quan tâm đến vấn đề bộ máy, có cơ chế tăng thu nhập để thu hút người tài vì đó mới là dư địa bền vững và có thể nhân rộng cho cả nước.