Lùi thời điểm cải cách tiền lương là một trong những nội dung được các đại biểu thảo luận tại tổ ngày 21/10. Đây cũng là nội dung Quốc hội biểu quyết trong kỳ họp này.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách) ủng hộ quyết định tạm dừng thực hiện cải cách tiền lương của Bộ Chính trị nhằm tăng nguồn lực hỗ trợ phòng chống dịch bệnh.
Nhắc đến bối cảnh 2 năm lỡ nhịp thực hiện Nghị quyết của Trung ương, bà Mai cho rằng Chính phủ cần cân đối nguồn lực để những năm tiếp theo có sẵn nguồn tăng lương, không để lại lỡ nhịp.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách). Ảnh: Hồng Phong. |
“Nói một cách công bằng, rất nhiều người hưởng lương nhưng đời sống khó khăn. Chúng ta phải chủ động trong cân đối nguồn lực”, bà Mai nêu thực tế.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhận định việc lùi cải cách tiền lương lúc này là chia sẻ của người hưởng lương với khó khó khăn chung, để dành tiền cho phòng chống dịch, cho phát triển và cho an sinh xã hội.
Theo ông, nếu năm tới kinh tế phục hồi, thu ngân sách tốt thì việc cải cách sẽ được quyết định. Song, ông đồng tình chủ trương tăng cho người về hưu trước 1995 để giải quyết khó khăn cho nhóm này.
Chia sẻ cùng các đại biểu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói: "Tôi là một trong những người đầu tiên đề nghị Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ chưa nâng lương đợt này để phù hợp với lòng dân".
Ông cho rằng trong bối cảnh người dân đang khó khăn, nhất là nông dân, công nhân, tỷ lệ người thiếu việc làm rất lớn, nếu nâng lương cho công chức, viên chức thì không hợp lý.
Song, nếu đợt này chưa nâng lương được cho toàn bộ cán bộ công chức, vẫn nên có chính sách hỗ trợ hoặc nâng lương một bước cho nhóm nghỉ hưu trước năm 1995. Đây là những người có mức lương thấp, đời sống khó khăn.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ ông là một trong những người đầu tiên đề nghị Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ chưa nâng lương đợt này. Ảnh: Quang Phúc. |
Theo Chủ tịch nước, cần tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh, dành dụm nguồn lực tốt hơn để tính toán năm sau báo cáo Trung ương, Quốc hội việc cải cách tiền lương cho cán bộ công chức.
“Yêu cầu này phải đặt ra trên cơ sở có nguồn thu, không thể đi vay mà tăng lương được”, Chủ tịch nước nói. Ông gợi ý cải cách tiền lương phải đồng bộ với tinh giản biên chế, nhất là tại các đơn vị sự nghiệp.
Lãnh đạo Nhà nước cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục suy nghĩ, lập phương án để sớm trình phương án tăng lương, cải cách tiền lương trong thời gian tới.
Trước đó, chiều 20/10, báo cáo Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng lùi đề xuất cải cách tiền lương là cần thiết. Tuy nhiên, Quốc hội đề nghị Chính phủ tính toán phương án cân đối, sớm có báo cáo tổng thể về nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương và lộ trình triển khai thực hiện.