Thủ tướng Anh Borris Johnson ca ngợi chiến dịch sơ tán 15.000 người khỏi Afghanistan của nước này là "vô tiền khoáng hậu", theo AFP.
Tuy nhiên, các cựu quan chức và giới chức đương nhiệm Anh chỉ trích sự thất bại của chính phủ. Họ cho rằng nhiều người Afghanistan đáng lý ra đã được sơ tán thay vì bị bỏ lại.
Theo Observer, hàng nghìn email từ các nghị sĩ và tổ chức từ thiện gửi đến Bộ Ngoại giao Anh đã chỉ rõ những người Afghanistan bị bỏ lại, và có thể rơi vào tình thế nguy hiểm khi Taliban tiếp quản đất nước.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cũng bị chỉ trích mạnh mẽ vì ông đang đi nghỉ khi Taliban tiến quân vào Kabul.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab hứng chịu nhiều chỉ trích xoay quanh chiến dịch di tản khỏi Afghanistan. Ảnh: AFP. |
Tờ Sunday Times dẫn lời một quan chức giấu tên nói: "Tôi cho rằng đáng lẽ chúng ta có thể đã sơ tán thêm được 800-1.000 người".
Richard Dannatt, cựu lãnh đạo quân đội Anh, nói với Times Radio ngày 29/8 rằng ông đang kêu gọi mở một cuộc điều tra về nguyên nhân khiến cuộc di tản "diễn ra theo kiểu lộn xộn và hỗn loạn như vậy".
Ông Raab từng nhận xét trên tờ Sunday Telegraph rằng tình hình Afghanistan là một "viên thuốc đắng".
Cũng trong ngày 29/8, chuyến bay cuối cùng chở binh sĩ Anh rời khỏi Kabul đã hạ cánh tại căn cứ không quân Brize Norton, khép lại chiến dịch quân sự kéo dài 20 năm của Anh ở Afghanistan.
"Chiến dịch Pitting của Anh kết thúc hôm nay. Vì Mỹ vẫn tiến hành quá trình sơ tán của họ, tôi sẽ không nói chúng ta đã rút quân thành công khỏi Afghanistan cho đến khi tất cả đồng minh và đối tác của chúng ta rời đi", Phó đô đốc Ben Key, người đứng đầu chiến dịch Pitting, phát biểu tại căn cứ không quân RAF Brize Norton ở cách London 75 km.
Ngày 27/8, lãnh đạo đảng Tự do Dân chủ Anh Ed Davey kêu gọi chính phủ nước này mở cuộc điều tra về chiến dịch di tản khỏi Afghanistan.
"Khi chuyến bay cuối cùng của Anh rời Kabul, rõ ràng là việc chúng ta rút quân khỏi Afghanistan sẽ đi vào lịch sử như một trong những thảm họa về chính sách đối ngoại của Anh", ông Davey nói.