Chuyến bay nói trên đồng thời kết thúc chiến dịch sơ tán công dân Anh và các đồng minh Afghanistan khỏi Kabul trong 2 tuần qua, còn được gọi là chiến dịch Pitting, theo Guardian.
"Chiến dịch Pitting của Anh kết thúc hôm nay. Vì Mỹ vẫn tiến hành quá trình sơ tán của họ, tôi sẽ không nói chúng ta đã rút quân thành công khỏi Afghanistan cho đến khi tất cả đồng minh và đối tác của chúng ta rời đi", Phó đô đốc Ben Key, người đứng đầu chiến dịch Pitting, phát biểu tại căn cứ không quân RAF Brize Norton ở cách London 75 km.
"Mỹ đang đảm bảo an ninh ở Kabul", ông Key nói. "Do đó, các hoạt động sơ tán vẫn tiếp tục ngay cả khi Anh ngừng tham gia vào nỗ lực này kể từ hôm nay".
Phó đô đốc Ben Key, người đứng đầu chiến dịch Pitting. Ảnh: Telegraph. |
Ngày 27/8, lãnh đạo đảng Tự do Dân chủ Anh Ed Davey kêu gọi chính phủ nước này mở cuộc điều tra về chiến dịch di tản khỏi Afghanistan.
"Khi chuyến bay cuối cùng của Anh rời Kabul, rõ ràng là việc chúng ta rút quân khỏi Afghanistan sẽ đi vào lịch sử như một trong những thảm họa về chính sách đối ngoại của Anh", ông Davey nói.
"Tại sao chúng ta đợi quá lâu trước khi bắt đầu sơ tán các thông dịch viên? Tại sao ngoại trưởng lại đi nghỉ khi cuộc tiến công của Taliban bắt đầu? Và làm thế nào mà tình báo Anh lại nhận thông tin sai lệch nghiêm trọng như vậy?", ông Davey chất vấn.
Trước đó, ngày 26/8 (giờ địa phương), ít nhất 13 lính Mỹ và 90 công dân Afghanistan thiệt mạng trong vụ đánh bom ngoài sân bay Kabul. Hơn 150 người khác bị thương.
Sau vụ đánh bom, nhiều nước phương Tây gấp rút hoàn thành chiến dịch sơ tán của họ, bao gồm Australia, New Zealand, Đức, Tây Ban Nha và Hà Lan.