Mỹ đang chào bán máy bay chiến đấu siêu hiện đại F-35 cho nhiều quốc gia châu Á để phục vụ chiến lược tái cân bằng. Ảnh: Lockheed Martin |
Đầu năm nay, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã ban hành các nguyên tắc chỉ đạo mới đối với hoạt động bán và chuyển giao vũ khí cho các nước đồng minh. Đây là lần đầu tiên Nhà Trắng sửa đổi các quy định về việc bán vũ khí cho nước ngoài một cách rõ ràng kể từ giữa thập niên 1990.
"Đây là vấn đề thu hút sự chú ý của tất cả quan chức cấp cao. Việc thúc đẩy mua bán thay cho các công ty của chúng ta và làm mọi cách để các giao dịch này diễn ra thuận lợi cho thấy chúng tôi rất, rất nghiêm túc", quyền trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề quân sự - chính trị Tom Kelly, nói thẳng.
Bộ nguyên tắc mới cũng nhấn mạnh chủ trương "kiềm chế", cân nhắc kỹ lưỡng những đối tượng được nhận vũ khí của Mỹ.
Nhưng câu hỏi được đặt ra là Mỹ sẽ áp dụng những nguyên tắc kiềm chế như thế nào, liệu Washington sẽ cân nhắc lại các hợp đồng trị giá hàng tỷ USD với các nước Arab, khu vực vịnh Ba Tư, theo William D. Hartung, giám đốc dự án vũ khí và an ninh thuộc Trung tâm Chính sách quốc tế (Mỹ).
Câu trả lời nằm trong tay các công ty sản xuất vũ khí, hay còn gọi là nhà thầu quốc phòng Mỹ đang không chỉ chi phối các nỗ lực kiểm soát quốc phòng trong nước mà còn nỗ lực thao túng việc xuất khẩu.
Các tập đoàn quân sự lớn của Mỹ như Lockheed Martin, Textron & Honeywell đã chi gần 200 triệu USD trong ba năm để vận động các vấn đề về vũ khí, bao gồm sửa đổi quy định kiểm soát xuất khẩu.
Chính quyền ông Obama cho rằng việc sửa đổi giúp tập trung bảo vệ các hạng mục xuất khẩu nhạy cảm, trong khi Bộ Thương mại cam kết sẽ siết chặt kiểm soát các giao dịch bất hợp pháp.
Thậm chí quân đội cũng cho rằng nó sẽ giúp Washington trang bị vũ khí cho đồng minh dễ dàng hơn.
Cũng trong cuối năm 2013, dưới sự tác động của các nhóm vận động hành lang, Quốc hội Mỹ đã thông qua sửa đổi luật nhằm ngăn Washington tham gia hiệp ước buôn bán vũ khí của Liên Hiệp Quốc, dự kiến có hiệu lực từ tháng 12/2014.
Theo Hiệp hội Súng trường Mỹ - tổ chức vận động quyền lực bậc nhất trong lĩnh vực vũ khí, động thái này nhằm bảo vệ các quyền đối với vũ khí của người Mỹ. Đến đầu tháng trước, Mỹ chỉ mới ký kết tham gia hiệp ước nhưng chưa phê chuẩn.
Quan hệ giữa các nhà thầu Mỹ và Lầu Năm Góc là "quan hệ đối lập trong hòa bình", theo cách giải thích của nhà kinh tế Mỹ John Kenneth Galbraith.
Các công ty quốc phòng là nơi tiếp nhận các quan chức quân đội sau khi "về vườn", và ngược lại các lãnh đạo trong ngành công nghiệp này được tuyển vào những vị trí cấp cao trong cơ quan quốc phòng.