"Nhiều người mạo hiểm đã lần theo bước McCandless trong nhiều năm trời. Những người hành hương không bao giờ ngừng tìm tới chiếc xe buýt, ngay cả khi một trong số họ đã chết trên đường đi", Washington Post miêu tả.
Vào năm 1992, trong những giây phút bi thảm cuối cùng trước khi qua đời vì đói khát sau khi bị mắc kẹt bởi dòng nước buốt giá của sông Teklanika ở Alaska, Chris McCandless đã trú ẩn trong một chiếc xe buýt bị bỏ hoang trong suốt 114 ngày. Hài cốt anh ta sau đó được tìm thấy ở đó.
Jon Krakauer đã viết lại hành trình cuối cùng của McCandless trong Into the Wild (tạm dịch: Đi vào hoang dã).
Kể từ khi cuốn sách Into the Wild được xuất bản bốn năm sau đó, rồi đến một bộ phim chuyển thể dựa trên câu chuyện này, vô số người trên khắp thế giới đã mạo hiểm đến Công viên quốc gia Denali để chứng kiến “Xe Ma thuật”. Tuy nhiên, nhiều người đã phải cần đến sự giải cứu, và ít nhất hai người đã thiệt mạng vì địa hình này.
Có lẽ, chương cuối cùng của Into the Wild đã được đặt dấu chấm hết vào tuần này, khi các thành viên của Vệ binh Quốc gia Alaska dùng trực thăng di dời chiếc xe buýt đến một địa điểm không được tiết lộ.
Nhiều người Alaska chê bai McCandless, cho rằng anh ngây thơ và muốn tự sát, Krakauer nói với Washington Post, và một số người thậm chí đã phá hoại chiếc xe buýt. Những người hành hương đã ăn cắp những mảnh vỡ của xe và để lại rác rưởi.
Nhưng trong chuyến thăm đầu tiên đến xe buýt vào tháng 7/1993, Krakauer đã thấy một “ngôi mộ” gần như nguyên vẹn. Đôi bốt của McCandless vẫn còn ở bên trong. Sách và bàn chải đánh răng của anh ấy vẫn còn đó, cùng với quần jeans được hong trên bếp. Krakauer có cảm giác kì lạ rằng dường như McCandless vẫn còn sống và chỉ đang ra ngoài hái dâu.
Chiếc xe buýt vào tháng 7/1993. Ảnh: Jon Krakauer. |
“Tôi ước chiếc xe buýt vẫn có thể như cũ, nhưng chính cuốn sách của tôi đã phá hoại nó", tác giả cuốn sách Into the Wild nói.
Tiểu bang này cũng đã tiến hành 15 cuộc giải cứu liên quan đến xe buýt từ năm 2009 - 2017. Cảnh sát Alaska cho biết rằng con số này chưa bao gồm hàng trăm người bị lạc hoặc bị thương trên đường đến địa điểm này, hoặc những người được dân địa phương giúp đỡ. Hơn mười người đã được giải cứu bởi riêng đội cứu hoả ở Healy gần đó vào mùa hè năm 2013, tờ Atavist đưa tin.
Trong những năm qua, rất nhiều khách hành hương đã cố đến thăm chiếc xe buýt và bị thương hay mắc kẹt. Thậm chí, có hai người phụ nữ đã thiệt mạng khi cố vượt sông Teklanika.
“Chúng tôi khuyến khích mọi người tận hưởng thiên nhiên hoang dã Alaska một cách an toàn và chúng tôi cũng hiểu chiếc xe buýt cũng là một phần trong trí tưởng tượng của mọi người về miền đất này”, Ủy viên Sở Tài nguyên Thiên nhiên Alaska Corri Feige phát biểu.
Hình ảnh chiếc xe buýt bị cẩu đi bằng trực thăng. Ảnh: Reuters. |
“Tuy nhiên, nó là một phương tiện đã bị bỏ phế và hư hỏng nặng nề. Nếu có tai nạn xảy ra, công tác cứu hộ sẽ vô cùng nguy hiểm và tốn kém”, ông nói.
Vẫn chưa rõ rằng địa điểm cuối cùng đặt chiếc xe buýt là ở đâu.
“Không còn chỗ trống nào trên bản đồ - không phải ở Alaska, không phải bất cứ nơi nào” Krakauer đã viết. “Tuy nhiên, Chris, với logic riêng của mình, đã đưa ra một giải pháp tao nhã cho vấn đề nan giải này. Anh ta chỉ đơn giản là thoát khỏi bản đồ. Trong suy nghĩ của anh ấy, nếu không ở nơi nào khác, địa hình nơi đây vẫn là một bí ẩn".
Krakauer bị thu hút bởi câu chuyện này vì ông ta thấy mình trong McCandless. Bất chấp, bướng bỉnh, và bị thu hút bởi sự lộng lẫy mà nguy hiểm của những đường ranh giới, chính Krakauer đã liều mạng theo đuổi những cuộc phiêu lưu vĩ đại ở Alaska khi còn trẻ.
Có thể đây là lý do mà rất nhiều người bị cuốn vào Đường mòn Stampede sau nhiều năm như vậy, theo Krakauer, và có thể đó vẫn là thứ lôi kéo họ đến đây, ngay cả khi xe buýt số hiệu 142 không còn nữa.
“Chiếc xe đó là một biểu tượng mạnh mẽ”, ông nói. “Đó như một tuyên ngôn kì lạ rằng nó sẽ không biến mất ngay lúc này".