Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

China Evergrande từng phải trả nợ bằng nhà ở, văn phòng, slot đỗ xe

Tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc từng giải quyết khoản nợ đối với các nhà đầu tư, nhà thầu và nhà cung cấp bằng lựa chọn chuyển sang nhà ở, văn phòng và slot đỗ xe.

Theo Bloomberg, cách đây hơn một năm, China Evergrande - tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc - đã phải chạy đua với thời gian để thanh toán nợ cho các nhà đầu tư. Chỉ riêng quý cuối của năm 2021, công ty của tỷ phú Hứa Gia Ấn phải trả 1,8 tỷ USD sản phẩm đầu tư lãi suất cao cho nhà đầu tư.

Thời điểm đó, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã ban hành một loạt hướng dẫn cho China Evergrande, yêu cầu tập đoàn thực hiện tất cả biện pháp có thể để tránh vỡ nợ trái phiếu, tập trung vào việc hoàn thành các dự án nhà ở và trả nợ cho nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Một mặt, tập đoàn địa ốc nợ nần nhất thế giới phải dồn tiền trả nợ cho các trái chủ nước ngoài, nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhà thầu và lực lượng lao động. Mặt khác, giới chức Trung Quốc muốn China Evergrande ưu tiên sử dụng tiền mặt để hoàn thành những dự án nhà ở dở dang và bàn giao cho người mua nhà.

China Evergrande sau đó đã cho phép các nhà đầu tư, thậm chí nhà thầu và nhà cung cấp, chuyển khoản nợ thành sản phẩm bất động sản.

Trả nợ bằng bất động sản

Tập đoàn của tỷ phú Hứa Gia Ấn đã đưa ra 3 phương án để trả tiền cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Theo đó, nhà đầu tư có thể nhận trả góp bằng tiền mặt, mua bất động sản của China Evergrande ở bất cứ thành phố nào với giá chiết khấu, hoặc miễn khoản phải trả với những sản phẩm bất động sản mà họ đã mua.

Reuters đưa tin theo Hengda Real Estate Group - công ty con của China Evergrande - nhà đầu tư nắm giữ sản phẩm quản lý tài sản (WMP) có thể lựa chọn chuyển đổi khoản nợ sang các căn hộ, văn phòng, mặt bằng thương mại hoặc chỗ đậu xe.

Theo đó, các nhà đầu tư có thể liên hệ với chuyên gia tư vấn đầu tư hoặc văn phòng địa phương của tập đoàn để chuyển đổi WMP thành tài sản hữu hình.

Đầu tháng 9/2021, China Evergrande đã thanh toán khoản nợ quá hạn trị giá 219,5 triệu nhân dân tệ (gần 31,7 triệu USD) cho Skshu Paint - bên cung cấp sơn của tập đoàn - dưới dạng các căn hộ trong 3 dự án bất động sản chưa bàn giao.

Thời điểm đó, tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc đang lún sâu trong hố nợ 300 tỷ USD với các trái chủ nước ngoài, nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhà cung cấp và nhà thầu. Caixin ước tính China Evergrande có khoảng 40 tỷ nhân dân tệ (gần 6 tỷ USD) nợ WMP chưa trả.

dia oc anh 1

China Evergrande đã thanh toán khoản nợ quá hạn trị giá 219,5 triệu nhân dân tệ cho bên cung cấp sơn của tập đoàn dưới dạng các căn hộ chưa bàn giao. Ảnh: Bloomberg.

Hàng chục người đã tập trung tại trụ sở ở Thâm Quyến của China Evergrande để đòi lại các WMP quá hạn hoàn trả. Một số nhân viên mua WMP của công ty cũng tham gia cuộc biểu tình.

Trước đó, tập đoàn đã đẩy mạnh bán các sản phẩm đầu tư lãi suất cao cho nhân viên và khách hàng. China Evergrande thậm chí yêu cầu nhân viên tìm người mua những công cụ đầu tư lãi suất cao. Nhiều nhân viên đã làm theo. Không chỉ mua sản phẩm đầu tư cho mình, họ còn giới thiệu bạn bè, người thân tham gia.

China Evergrande đã bán sản phẩm đầu tư cho khoảng 70.000 nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Tập đoàn hứa hẹn lãi suất 5-10%/năm cho các khoản đầu tư tối thiểu là 100.000 nhân dân tệ (trên 14.400 USD). Nhưng đến tháng 9 cùng năm, China Evergrande không thể thanh toán cho nhà đầu tư.

Việc China Evergrande trả nợ dưới dạng tài sản hữu hình có thể xoa dịu các nhà đầu tư nhỏ lẻ phần nào. Nhưng một số người vẫn phản đối vì các dự án bất động sản của tập đoàn còn chưa được hoàn thành.

Chủ tịch bỏ tiền túi xử lý khủng hoảng

Trước khủng hoảng của China Evergrande, theo truyền thông Hong Kong, Chủ tịch Hứa Gia Ấn đã dùng một biệt thự tại thành phố làm tài sản thế chấp cho khoản vay ở ngân hàng. Nguồn tin của Wall Street Journal cho biết China Evergrande đã có thêm 50 triệu USD tiền mặt nhờ bán 2 chuyên cơ.

Ông Hứa cũng bị buộc phải bán 277,8 triệu cổ phiếu tại China Evergrande để trả nợ trong khoảng thời gian ngày 6-9/12/2021. Theo hồ sơ được gửi lên sàn chứng khoán Hong Kong, tỷ lệ nắm giữ của ông Hứa tại China Evergrande đã giảm từ 61,88% xuống còn 59,78%.

Cuối năm ngoái, dinh thự đắt nhất London - từng được mua với giá hơn 200 triệu USD - cũng được rao bán. Theo nguồn tin của Financial Times, chủ nhân của dinh thự này chính là tỷ phú họ Hứa.

Các quan chức Bắc Kinh yêu cầu tỷ phú Hứa Gia Ấn bỏ tiền túi để trả một phần khoản nợ hơn 300 tỷ USD của China Evergrande. Theo chỉ số Bloomberg Billionaires Index, tài sản của tỷ phú Hứa đã bay hơi 17,2 tỷ USD trong năm 2021.

dia oc anh 2

Các quan chức Bắc Kinh yêu cầu tỷ phú Hứa Gia Ấn bỏ tiền túi để trả một phần khoản nợ của tập đoàn. Ảnh: Bloomberg.

Đàm phán với các trái chủ USD

Gần một năm sau những rắc rối đầu tiên của China Evergrande, một trong những kế hoạch tái cơ cấu nợ lớn nhất từ trước tới nay tại Trung Quốc đang sắp được hoàn thành.

Trước đó, giới quan sát lo ngại các trái chủ nước ngoài sẽ là bên chịu thiệt hại nặng nề nhất trong khủng hoảng của China Evergrande. Bởi ưu tiên chính của chính quyền Bắc Kinh là duy trì sự ổn định xã hội. Do đó, tập đoàn địa ốc của tỷ phú Hứa Gia Ấn cần dồn tiền để trả nợ cho các khách hàng, nhân viên và nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Nhưng đến tháng 12 năm ngoái, công ty đã cam kết với các trái chủ USD về kế hoạch xử lý nợ vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 năm nay. Theo đó, China Evergrande có thể bán một số tài sản bên ngoài Trung Quốc để trả nợ.

Những tài sản này bao gồm cổ phần trong các doanh nghiệp dịch vụ quản lý tài sản và xe điện.

Một số trái chủ đã yêu cầu Chủ tịch Hứa bỏ ít nhất 2 tỷ USD tiền túi vào công ty. Đó là điều kiện để phía chủ nợ chấp nhận các đề xuất xử lý nợ từ China Evergrande.

Các dự án nhà ở của China Evergrande cũng đã được khởi động lại. Công ty cho biết vào tháng 9, họ đã nối lại hoạt động xây dựng ở 668 trên tổng số 706 dự án và tiếp tục với 38 dự án còn lại trong cuối tháng đó.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Chủ tịch ngân hàng Trung Quốc mất tích: Nỗi sợ ác mộng trở lại

Sau đợt chấn chỉnh của Bắc Kinh, các gã khổng lồ công nghệ nước này chỉ là cái bóng của chính họ trước đây. Giới đầu tư cho rằng cuộc trấn áp sẽ thay đổi khu vực tư nhân mãi mãi.

Cổ phiếu địa ốc bùng nổ sau nghị định mới về trái phiếu

Cổ phiếu bất động sản được tranh mua khi nhà đầu tư kỳ vọng hưởng lợi từ chính sách mới, hàng loạt mã từ vốn hóa nhỏ đến lớn đã kết phiên trong sắc tím.

Thảo My

Bạn có thể quan tâm