Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chiêu thanh lý đồ dưới cái tên “hàng một giá”

Nhiều cửa hàng treo biểm đồng giá nhưng thực chất chỉ là chiêu dụ khách mua hàng thanh lý hoặc sản phẩm xuất xứ Trung Quốc.

Chiêu thanh lý đồ dưới cái tên “hàng một giá”

Nhiều cửa hàng treo biểm đồng giá nhưng thực chất chỉ là chiêu dụ khách mua hàng thanh lý hoặc sản phẩm xuất xứ Trung Quốc.

"Treo đầu dê, bán thịt chó"

Trên nhiều con phố ở Hà Nội như Bà Triệu, Nam Cao, Quán Thánh, Tôn Đức Thắng, người đi đường có thể thấy hàng loạt những cửa hàng quần áo treo tấm biển, “Duy nhất một giá 130.000 đồng”, “Một giá 79.000 đồng” hay có những chuỗi cửa hàng một giá siêu rẻ chuyên bán hàng Trung Quốc với giá chỉ 8.000 - 12.000 đồng.

Được mở ra dựa trên ý tưởng cửa hàng 1 USD của Wal-mart, tại Hà Nội cũng xuất hiện nhiều chuỗi cửa hàng một giá như C4, Tracy, Xiao- haha,… Tuy nhiên, “hàng một giá” hiện đang dần trở thành cách để các cửa hàng bán đồ thanh lý.

"Đang là mùa thanh lý đồ, nếu chỉ treo biển thanh lý hay “siêu giảm giá” thì rất khó thu hút khách hàng bởi cứ đến mùa thì cửa hàng quần áo nào cũng treo biển này. Nhưng treo biển “một giá” với các mức tiền cụ thể như 100.000 đồng, 150.000 đồng hay dùng những con sổ lẻ như 79.000 đồng, 49.000 đồng, 99.000 đồng thì thu hút khách hơn hẳn”, chủ cửa hàng một giá trên đường Bà Triệu cho biết.

"Đồng giá" chỉ là chiêu dụ khách mua hàng thanh lý.

Tại một cửa hàng thời trang một giá 100.000 đồng trên đường Cầu Giấy với đầy đủ quần bò, quần kaki, áo khoác..., khách hàng chọn xong đồ và đem ra tính tiền thì người bán hàng lại cho biết: “Cửa hàng không áp dụng một giá duy nhất với tất cả các mặt hàng”.

Nhân viên bán hàng khẳng định giá 100.000 đồng chỉ dành cho loại hàng thanh lý. Hóa ra, bên ngoài thì treo biển hàng một giá nhưng bên trong cửa hàng quần áo lại có rất nhiều giá khác nhau và không rẻ hơn so với các cửa hàng bình thường là mấy. Chỉ có một góc giành riêng cho hàng thanh lý đã sờn, cũ mới có giá này được chất vào một góc của cửa hàng.

Với những khách hàng thích mua hàng giá rẻ và ngại mặc cả thì sẽ chú ý ngay tới tấm biển một giá. Chiêu “treo đầu dê bán thịt chó” và “lập lờ” giá cả như vậy đang được người kinh doanh tận dụng triệt để để “lừa” khách.

Toàn hàng tồn, hàng Trung Quốc

Tất nhiên bên cạnh những cửa “treo đầu dê bán thịt chó”, cũng có những cửa hàng một giá thật. Tuy nhiên, những cửa hàng này đa phần bán hàng tồn cần thanh lý hay hàng Trung Quốc.

“Quần áo có chất vải xấu, bèo nhèo, đường chỉ sai nhiều, mua về chỉ mặc được vài ba lần là vứt đi. Được cái giá rẻ, nếu chị em không quá khó tính và mua về để mặc một mùa thì vẫn có thể chấp nhận được”, chị Hải, khách hàng tại cửa hàng một giá Tracy trên chợ Hàng Da cho biết.

Theo bật mí của một chủ cửa hàng một giá, quần áo chủ yếu được nhập thùng từ Trung Quốc về, những chiếc nào đẹp, mới sẽ được lựa ra để bán với giá cao hơn, còn chất lượng xấu thì được cho chung vào hàng sida với hàng một giá.

Tại chuỗi cửa hàng một giá Xiao – haha, mức “một giá” được treo là 8.000 và 12.000 đồng. Chuỗi cửa hàng này thường nằm gần các trường đại học, THPT ở Khương Thượng, Chùa Láng, Tôn Thất Tùng để thu hút học sinh, sinh viên. Các cửa hàng này 100% là hàng Trung Quốc với nhiều loại mỹ phẩm đánh mặt, sơn móng tay, sơn móng chân với mức giá siêu rẻ - chỉ 8000 đồng.

“Những chuỗi cửa hàng này thu hút rất đông học sinh, sinh viên. Thấy giá rẻ như vậy nên ai cũng ghé vào xem thử”, Quỳnh Anh, sinh viên trọ ở Chùa Láng cho biết.

Những cửa hàng một giá siêu rẻ chuyên bán hàng Trung Quốc.

Theo ông Vương Ngọc Tuấn - Phó Tổng thư ký Phụ trách Văn phòng tư vấn khiếu nại, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, người tiêu dùng cần hết sức cảnh giác, tìm hiểu thông tin về sản phẩm trước khi quyết định rút tiền ra mua hàng tại những cửa hàng một giá.

Ông Tuấn nhận định, việc các cơ sở kinh doanh sử dụng những khẩu hiệu hàng một giá nhưng bên trong lại bán nhiều giá là “chiêu thức” bán hàng đánh lừa người tiêu dùng, đó là hành vi lừa đảo trắng trợn, gây tổn hại đến khách hàng. Các mặt hàng được bày bán cũng có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng, gây tổn hại đến người sử dụng.

“Đối với các loại mỹ phẩm Trung Quốc có giá chỉ vài nghìn đồng, khách hàng phải thật cẩn thận bởi những loại mỹ phẩm này không thể đảm bảo chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Người tiêu dùng không nên vì ham rẻ mà chuốc vạ vào thân”, ông Tuấn cảnh báo.

Theo Cafef/TTVN

Theo Cafef/TTVN

Bạn có thể quan tâm