Chiêu móc túi người chơi của sàn vàng 'chui'
Đưa ra nhiều lời mời hấp dẫn để hút khách giao dịch nhưng chính các sàn vàng lại tìm trăm phương ngàn kế để ăn chặn của người chơi.
Ký quỹ hấp dẫn
Ngày 9/8, trong vai nhà đầu tư, chúng tôi được Phúc, nhân viên kinh doanh của Công ty Cổ phần đầu tư tài chính Thiên Việt, niềm nở tiếp đón. Sau khi giới thiệu cách chơi, Phúc tạo một tài khoản cho chúng tôi chơi thử. Tỉ lệ đòn bẩy tại sàn này là 1:100, khối lượng giao dịch tính bằng lot (1 lot tương đương 100 ounce), giao dịch mỗi lần tối thiểu 0,1 lot. Chỉ cần nộp một bản photo chứng minh nhân dân không cần công chứng, người chơi sẽ được mở tài khoản và có thể chơi ngay. “Máy chủ của công ty được đấu nối trực tiếp với sàn nước ngoài, khi có sự cố công ty sẽ đứng ra chịu trách nhiệm”, Phúc nói. Ngoài ra người chơi có thể làm đại lý cho công ty nếu khối lượng giao dịch khoảng 100 lot trở lên.
Bất chấp lệnh cấm, các sàn vàng "chui" vẫn hoạt động dưới mác kinh doanh vàng vật chất. |
Một trong số những sàn vàng chui đang hoạt động rầm rộ hiện nay là IGI của Công ty Cổ phần Đầu tư và kinh doanh vàng quốc tế. Núp bóng dưới hình thức kinh doanh vàng vật chất, nhưng nhà đầu tư tại sàn này chỉ cần nộp vào tài khoản 4 triệu đồng là có thể giao dịch, tỉ lệ ký quỹ là 1%. “Đây là một hình thức lách luật vì hợp đồng là giao dịch vàng vật chất nhưng thực chất là giao dịch vàng tài khoản”, anh H., một môi giới tại sàn IGI, thừa nhận.
Tuy nhiên, anh H. cũng trấn an rằng đừng lo vì cuối năm nay sàn giao dịch vàng quốc gia sẽ được thành lập và IGI sẽ là một thành viên của sàn. Giá giao dịch tại sàn là giá quy đổi trực tiếp từ giá vàng thế giới dựa trên tỉ giá cố định 21.000 đồng. Người chơi sẽ giao dịch trên phần mềm do công ty tự xây dựng. Chủ sàn cũng chính là nhà cái vì đứng ra “ôm” tất cả lệnh mua, bán chứ không chuyển lệnh ra nước ngoài như một số sàn khác. Anh H. cho biết nếu đồng ý thì sẽ được sàn mở một tài khoản để chơi thử trước khi mở tài khoản thật.
Chị Liên, nhân viên kinh doanh của Công ty TNHH MTV tư vấn - đầu tư Hồng Hối (Q.10, TP.HCM), cho biết khách hàng muốn tham gia giao dịch vàng tài khoản thông qua công ty chỉ cần nộp vào tài khoản 1.000 USD. Tỉ lệ đòn bẩy là 1:100. Chị cho biết công ty đã hoạt động năm năm và có trên 1.000 nhà đầu tư. Tuy nhiên khi chúng tôi đặt vấn đề trách nhiệm của công ty trong trường hợp hệ thống giao dịch gặp sự cố thì chị nói công ty không chịu trách nhiệm. “Công ty chỉ là trung gian để đẩy lệnh ra nước ngoài. Do vậy khi gặp sự cố về vấn đề tiền bạc, kỹ thuật thì nhà đầu tư phải liên hệ với công ty nước ngoài”, chị nói.
Chiêu bịp của sàn vàng
“Không dễ kiếm tiền trên sàn vàng ảo vì ở sân chơi này, người chơi không chỉ đấu với nhau mà còn đấu với chính chủ sàn”, anh N.T.M., một nhà đầu tư kỳ cựu, đúc kết. Anh cho biết chủ sàn vàng "chui" trong nước có nhiều cách để ăn chặn tiền của người chơi, từ đơn giản đến tinh vi. Thông thường năm phút trước hoặc sau khi giá vàng biến động mạnh, tự nhiên đường truyền đứt hoặc nhập lệnh không được. Đến khi mạng hoạt động trở lại thì giá vàng đã biến động theo chiều hướng khác, chủ sàn không đồng ý cho chốt giá tại thời điểm trước khi xảy ra sự cố nên tài khoản nhà đầu tư "cháy" hết. Nhà đầu tư phản ứng thì chủ sàn giải thích rằng hệ thống quá tải do có quá nhiều lệnh đổ về cùng lúc.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của anh N.T.M., các sàn trong nước đều ôm lệnh của nhà đầu tư chứ không chuyển ra nước ngoài. Khi giá vàng biến động mạnh mà nhà đầu tư đoán đúng xu hướng, để tránh bị thua họ lập tức rút dây mạng. Một số công ty điều chỉnh cho phần mềm chạy chậm lại từ vài giây đến vài phút so với thế giới để khi giá vàng biến động mạnh, “nhà cái” sẽ nhìn thấy trước và kịp bơm vào các lệnh để “hớt tay trên” của người chơi. “Tại mỗi sàn vàng luôn có sẵn đội tự doanh để thao túng giá. Ngoài chuyện hớt tay trên, họ cũng tạo ra cung cầu ảo để đánh lừa người chơi, đồng thời thao túng giá theo chiều hướng có lợi cho sàn vàng”, anh M. nói.
Ông L.T.L.A., một nhà đầu tư kỳ cựu khác, cho biết còn một chiêu “bẩn” hơn để triệt người chơi đó là “bơm” lệnh. Theo đó, trong trường hợp giá biến động theo xu hướng bất lợi cho chủ sàn thì chính chủ sàn tự động đặt lệnh mà không được sự cho phép của người chơi, làm cho nhà đầu tư thua tức tưởi. Tinh vi hơn nữa là chiêu “quét giá”. Ông L.A. giải thích: “Một số sàn đưa vào sử dụng lệnh chờ. Tuy nhiên ngay trước thời điểm giá biến động, chủ sàn đã dùng công cụ kéo giãn giá mua - bán trong tích tắc khiến nhà đầu tư cháy hết tài khoản”.
Nhiều năm lăn lộn trên sàn vàng, ông K.L. đúc kết chơi trên sàn vàng 99% nhà đầu tư thua lỗ. “Họ thường đánh theo các phân tích kỹ thuật nhưng thị trường thế giới họ mua tin trước nên luôn ra tay trước nhà đầu tư Việt Nam. Khi có thông tin bất thường được công bố, nhà đầu tư Việt Nam mới nhảy vào giao dịch thì giới đầu tư thế giới đã chốt lời. Số khác dùng các chỉ báo kỹ thuật nhưng những phương thức này luôn có sai số do những công thức này viết dành riêng cho một sàn nhất định, chưa kể còn tùy thuộc vào mùa và chênh lệch múi giờ nên rất khó thắng. Số 1% còn lại thắng chủ sàn nhưng rất gian truân”, ông K.L. nói.
Đủ chiêu “kéo” nhà đầu tư Nhiều nhà đầu tư cho biết các sàn vàng mọc lên như nấm sau mưa nên cuộc cạnh tranh lôi kéo khách hàng rất quyết liệt. Ngoài chiêu hạ tỉ lệ ký quỹ ban đầu, cho nhân viên tràn đi khắp các sàn chứng khoán để mời gọi, gần đây có sàn còn cho nhà đầu tư nợ tiền nếu bị thua lỗ. Số khác tuyển dụng nhân viên rầm rộ nhưng thực chất đó chỉ là chiêu để lôi kéo người chơi. “Nhân viên được tuyển dụng sẽ được công ty đào tạo, trả lương khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Trong quá trình đào tạo thể nào cũng có người ngứa tay chơi thử và thua lỗ. Công ty dùng chính tiền này để trả lương cho nhân viên”, anh Mẫn, một nhà đầu tư, cho biết. |
Theo Tuổi Trẻ