Ngay từ khi Anh trai vượt ngàn chông gai bắt đầu phát sóng, chương trình đã định hướng sẽ làm mới những ca khúc cũ, tôn vinh những giá trị xưa. Vòng công diễn đầu tiên đã có 2 ca khúc đi theo hướng tiếp cận này là Trống cơm của nhà Sao sáng (Tự Long, Cường Seven, Soobin) và Áo mùa đông, Trở về của nhà Xương rồng (Thiên Minh, Bùi Công Nam, Thanh Duy, Duy Khánh).
Định hướng này cho thấy sự thành công khi Trống Cơm tới thời điểm hiện tại vẫn đang là ca khúc thành công nhất, có độ phổ biến cao nhất của chương trình.
Thừa thắng xông lên, trong đêm công diễn thứ 4, chương trình đã chơi lớn khi để cả 4 đội khi trình diễn 4 ca khúc sử dụng yếu tố truyền thống. Các tiết mục này tạo được sự chú ý trở lại cho chương trình, bứt phá hơn hẳn các tiết mục trong công diễn 3 nhờ sự thể hiện tới nơi tới chốn và có đầu tư, tìm hiểu dàn dựng của các anh tài.
4 tiết mục đại diện cho 4 văn hóa
Một điều thú vị là 4 bài hát được lựa chọn trình diễn nhóm đại diện cho 4 văn hóa khác nhau. Chiếc khăn Piêu là văn hóa của dân tộc vùng Tây Bắc, Đào liễu là chất liệu chèo của Đồng bằng Bắc Bộ, Mưa trên phố Huế mang phong vị văn hóa miền Trung, còn Dạ cổ hoài lang là ca khúc mang tính đại diện cho âm nhạc truyền thống Nam Bộ. Các thí sinh phần lớn đều không phải người thuộc nền văn hóa đó hoặc chưa hiểu quá nhiều, tuy nhiên họ đều có sự nỗ lực đáng kể để thực hiện thật chỉn chu, ra chất nhất có thể.
Rõ ràng nhất là cả 4 tiết mục đều có sự tham gia của những chuyên gia trong loại hình nghệ thuật đó biểu diễn cùng. Ở Chiếc khăn Piêu là tiếng sáo mèo của nghệ sĩ Đinh Nhật Minh, nhà Trẻ mời NSND Thu Huyền cho một tiết mục đậm chất chèo, Mưa trên phố Huế thì có NSƯT Anh Tấn, Hồ Nga, nhóm Mặt Trời Đỏ dàn dựng cả một phân đoạn nhã nhạc cung đình, còn ở tiết mục Dạ cổ hoài lang thì có sự tham gia trình diễn của NSND Hữu Quốc.
Sự xuất hiện của các chuyên gia này vừa khiến các phần thi đều đảm bảo tính chuyên môn cao, vừa nâng đỡ cho các anh tài vốn không có thể mạnh trong mảng văn hóa dân gian.
Các tiết mục kết hợp yếu tố dân gian tại Anh trai vượt ngàn chông gai rất đầu tư và có sự tham gia của các chuyên gia. |
Chiếc khăn Piêu có thể xem là tiết mục khó dàn dựng khi đây là ca khúc đại diện cho một nền văn hóa không thuộc về người Kinh, trong khi trong các anh tài không có ai thực sự thuộc khu vực này. Nhưng đội ngũ dàn dựng sân khấu khá tinh tế khi để các anh mặc đồ bộ đội, xây dựng câu chuyện về các chiến sĩ người Kinh ở vùng Tây Bắc.
Điều đó giúp tiết mục khéo léo thoát khỏi những cáo buộc về “chiếm đoạt văn hóa” không đáng có, tạo nên một phần trình diễn có sự giao thoa thú vị giữa người Kinh và người bản địa.
Ba tiết mục còn lại đều thuộc về văn hóa người Kinh nên việc hóa thân của các anh tài không lo về việc vướng tranh cãi. Tuy nhiên, không vì thế mà các tiết mục kém sự đầu tư, từ trang phục chuẩn chỉ đến sân khấu có nhiều gợi nhắc như áo dài tím, nón lá, múa chén trong Mưa trên xứ Huế, nón quai thao, múa lân trong Đào liễu, đờn ca tài tử, vọng cổ trong tiết mục Dạ cổ hoài lang.
Và đặc biệt, do phải hóa thân thực sự vào các nền văn hóa này, nên các anh tài cũng phải hát “chuẩn” theo đúng các làn điệu dân ca của từng vùng miền, thay vì có thể đưa bài hát về cách hát pop của Chiếc khăn Piêu.
Dẫu chưa thể hiện thực sự hoàn thiện, chỉn chu hoàn toàn, nhưng trong một khoảng thời gian ngắn mà những nghệ sĩ như Binz, Tăng Phúc, Bằng Kiều,... thay đổi hoàn toàn cách hát trước đây của mình để hát ra được nét văn hóa cần thiết, cũng là một điều cần phải khen ngợi.
Yếu tố dân gian luôn có vị thế
Kể từ Để Mị nói cho mà nghe trở thành bản hit lớn của Vpop, yếu tố dân gian đã không còn là một thứ gì đó quá xa lạ với người nghe nhạc đại chúng nữa, thậm chí trở thành một trong những chất liệu được ưa chuộng trong các sản phẩm mới hiện đại. Các producer thiên về pop/điện tử, mà đi đầu là DTAP, thường xuyên có những sản phẩm kết hợp nhiều chất liệu truyền thống khác nhau để mang đến những làn gió mới lạ, độc đáo trên thị trường.
Gần đây, Phương Mỹ Chi thực hiện cả một album mang tên Vũ trụ cò bay sử dụng nhiều sound và cách hát theo lối truyền thống. nhưng thay vì tiếp cận tới đối tượng từ 18 - 35 như cách đàn chị Hoàng Thùy Linh đã làm, Phương Mỹ Chi và DTAP lại mượn nhiều yếu tố văn học trong các sáng tác để hướng tới đối tượng học sinh sinh viên nhiều hơn.
Hướng đi riêng biệt này giúp các chất liệu dân gian tiếp cận đến nhóm khán giả mới, được trình diễn rất nhiều trong các buổi văn nghệ trường. Thừa thắng xông lên, năm nay Phương Mỹ Chi phát hành phiên bản mở rộng của album, thêm 4 bài hát cùng sử dụng chất liệu dân gian, tiếp tục đưa các yếu tố này lan tỏa mạnh mẽ hơn.
Sản phẩm âm nhạc có chất liệu dân gian nếu làm tốt, chuẩn mực sẽ luôn có vị trí vững chắc trên thị trường. |
Nếu làm chỉn chu, chất liêu dân gian sẽ không phải là thứ gì đó lạ lẫm, khó nghe khó tiếp cận. Hướng đi của Hoàng Thùy Linh, Phương Mỹ Chi và các anh tài trong Anh trai vượt ngàn chông gai khi chủ yếu mượn những chất liệu dễ nghe để kết hợp chung với phong cách pop, điện tử hiện đại là cách tiếp cận phù hợp để một mặt bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, một mặt vẫn đảm bảo được yếu tố thị trường cần thiết cho một sản phẩm âm nhạc đại chúng.
Minh chứng rõ nét là các sản phẩm này đều đang đạt những thứ hạng cao trên top trending, được khán giả đón nhận rất nhiệt tình, từ đó tăng thêm động lực để khán giả tìm hiểu sâu thêm về kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam. Cái khó của việc này là cần phải làm đúng, làm chuẩn và tránh những tranh cãi không đáng có, thì những nghệ sĩ này cũng đang đảm bảo được.
Sự thành công của tập 10 Anh trai vượt ngàn chông gai cho thấy chỗ đứng của chất liệu văn hóa âm nhạc dân gian vẫn còn đó, điều quan trọng là cần một người khai thác đó một cách phù hợp. 4 tiết mục của các anh tài cũng như các sản phẩm thành công khác là động lực lớn cho các nghệ sĩ, nhà sản xuất trẻ, hiện đại có thêm động lực khai phá, tìm tòi đến những âm thanh của đất nước, dân tộc mình mà không sợ mất đi tính thị trường.