Các ứng viên đảng Dân chủ đang đua nhau xây dựng đội quân kỹ thuật số để tiếp sức cho chiến dịch tranh cử của họ.
Theo Politico, ủng hộ trực tuyến đóng vai trò quan trọng trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ. Các nhà tài trợ nhỏ từng dùng nền tảng gây quỹ trực tuyến ActBlue để giúp đảng Dân chủ giành được Hạ viện. Chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của Thượng nghị sĩ Bernie Sanders cũng được tiếp sức qua hình thức này.
Cơ sở đánh giá ứng viên
Các ứng viên tiềm năng đã dành nhiều tháng để tạo dựng mạng lưới người ủng hộ qua mạng nhằm gây quỹ cho chiến dịch tranh cử của họ trong năm 2019 và xây dựng quan hệ với các cử tri trước khi bước vào phép thử năm 2020.
Thượng nghị sĩ Kirsten Gillibrand không cho lên sóng một mẩu quảng cáo truyền hình nào trong chiến dịch tái tranh cử của mình ở New York năm ngoái. Thay vào đó, bà đã chi hơn một nửa ngân sách chiến dịch của mình cho một công ty chuyên về gây quỹ qua mạng.
Thượng nghị sĩ Kamala Harris, bang California, cũng chi hơn 1,2 triệu USD cho quảng cáo Facebook nhắm đến những người ủng hộ phổ thông trên toàn quốc từ tháng 5/2018.
Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, bang Massachusetts, cho biết đã nhận được sự đóng góp từ người dân ở tất cả 50 tiểu bang trong vòng vài giờ sau khi công bố ủy ban thăm dò bầu cử của bà vào ngày 31/12/2018.
Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren của bang Massachusetts phát biểu trước đám đông trong ngày bầu cử vào tháng 11 năm 2018. Ảnh: AFP/Getty. |
Số tiền gây quỹ từ các nhà tài trợ nhỏ mà các ứng viên thu được năm nay có thể là động lực giúp họ tự tin hơn trước vòng bầu cử sơ bộ. Tháng trước, Ủy ban Toàn quốc đảng Dân chủ cho biết các khoản đóng góp nhỏ, chủ yếu qua mạng, có thể là chỉ dấu để lựa chọn ứng viên bước vào vòng tranh luận chính.
Taryn Rosenkranz, nhà tư vấn về nền tảng trực tuyến của đảng Dân chủ, cho biết, tổng số tiền gây quỹ bằng các khoản đóng góp nhỏ sẽ là "cuộc thăm dò không chính thức mới" trong năm 2019.
"Có rất nhiều ứng viên tham gia chạy đua, tất cả đều có nền tảng chính sách tương tự nhau. Điều đó có nghĩa là các khoản đóng góp nhỏ sẽ là một trong những biện pháp tốt nhất để đo lường tiềm năng của một ứng viên khi chúng ta không có nhiều chỉ số cụ thể", Rosenkranz nói thêm.
Năng nhặt chặt bị
Đến nay, 5 ứng viên đảng Dân chủ đã vượt lên trong cuộc đua nhờ thành tích nổi trội trong việc gây quỹ qua mạng. Các ứng viên bao gồm Gillibrand, Harris, Sanders, Warren và cựu dân biểu bang Texas Beto O'Rourke, người nổi bật hơn cả với kỷ lục gây quỹ 80 triệu USD trong cuộc đua vào Thượng viện năm 2018.
Theo phân tích của Politico về hồ sơ của Ủy ban bầu cử liên bang trên ActBlue, nền tảng gây quỹ trực tuyến của đảng Dân chủ, 5 ứng viên này đã nhận được đóng góp từ ít nhất 200.000 nhà tài trợ trực tuyến trong năm 2017 và 2018. Chiến dịch tại Thượng viện của O'Rourke đã thu hút hơn 700.000 nhà tài trợ riêng lẻ thông qua ActBlue.
Cựu dân biểu Beto O'Rourke của bang Texas đã phá kỷ lục gây quỹ khi quyên góp được 80 triệu USD cho cuộc đua vào Thượng viện năm 2018. Ảnh: Getty. |
Gillibrand và Warren, mỗi người đã nhận được hơn 10 triệu USD tiền quyên góp trực tuyến khi chạy đua vào Thượng viện. Trong khi đó, O'Rourke, Warren và Sanders đã vươn lên dẫn đầu với sự hỗ trợ phi thường từ các nhà tài trợ nhỏ.
Harris và Gillibrand đã dành hai năm qua để chuyển đổi các hoạt động chính trị sang nền tảng trực tuyến, nơi những người ủng hộ đã tài trợ phần lớn cho ủy ban tranh cử của họ trong giai đoạn này.
Erin Hill, giám đốc điều hành ActBlue, cho biết nền tảng này có thể sẽ tăng gấp đôi nhân viên lên 100 người trong hai năm tới do lượng tiền trực tuyến "lớn chưa từng thấy" đổ về đảng Dân chủ cho cuộc bầu cử năm 2020.
"Một số ứng viên đã thông báo kế hoạch tranh cử năm 2020 của họ trực tiếp cho những người ủng hộ trực tuyến", Hill cho biết.
Warren đã quyết định thông báo về ủy ban thăm dò bầu cử của mình qua email tới những người ủng hộ. Bà khẳng định sẽ gây quỹ từ cơ sở để tạo dựng nền tảng cho vòng bầu cử sơ bộ.
Trả lời trên MSNBC, bà Warren tuyên bố các cử tri đảng Dân chủ nên "nói không với các tỷ phú, cho dù họ tự gây quỹ hay thông qua ủy ban bầu cử".
"Liệu vòng bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ sẽ thực sự là một phong trào cơ sở được gây quỹ từ cơ sở hay đây sẽ lại là một thứ đồ chơi mà các tỷ phú có thể mua được?", Warren nói.
Quan điểm này trực tiếp nhắm vào cựu thị trưởng New York Michael Bloomberg và nhà từ thiện Tom Steyer, hai ứng viên tiềm năng cực kỳ giàu có.
Cựu thị trưởng New York Mike Bloomberg gặp gỡ các chủ doanh nghiệp và các nhà hoạt động địa phương ở Iowa, tháng 12/2018. Ảnh: Getty. |
Thượng nghị sĩ Cory Booker cũng gây chú ý khi để ngỏ khả năng tranh cử mặc dù chưa xây dựng mạng lưới các nhà tài trợ trực tuyến như các đối thủ tiềm năng của mình.
Steve Phillips, nhà tài trợ tiêu biểu của đảng Dân chủ, đã cam kết quyên góp 10 triệu USD cho một siêu ủy ban bầu cử để hỗ trợ Booker. Các ứng viên đảng Dân chủ khác cũng có thể hưởng lợi từ siêu ủy ban này.
Trong khi đó, Warren đã từ chối sự hỗ trợ từ bên ngoài như bà từng làm trong chiến dịch tranh cử đầu tiên của mình vào năm 2012. O'Rourke cũng từ chối nhận tài trợ bên ngoài trong cuộc đua vào Thượng viện của bang Texas và có thể sẽ tiếp tục cách làm này nếu tham gia tranh cử tổng thống.
Rủi ro của các nhà tài trợ nhỏ
Việc chỉ dựa vào các nhà tài trợ nhỏ cũng có rủi ro riêng. "Nếu bạn thụt lùi hoặc người ta cảm thấy bạn đang thụt lùi thì số tiền đó sẽ bốc hơi nhanh chóng", Prith Elliott, nhà tư vấn đảng Dân chủ, cho biết.
James Woods, giám đốc chính trị của End Citizens United, một nhóm cải tổ hệ thống tài chính cho các chiến dịch, nhận định các ứng viên "chắc chắn sẽ bỏ qua nguồn lực của các nhà tài trợ triệu phú" nếu đi theo mô hình của Warren và O'Rourke.
"Các nhà tài trợ có thể viết những tấm séc 2.700 USD và 'dốc túi' cho các ứng viên vẫn đóng vai trò quan trọng và là một phần trong kế hoạch gây quỹ nhưng họ có thể không được coi trọng nhiều", ông nói.
Tỷ phú Tom Steyer điều phối cuộc thảo luận tại tòa thị chính ở South Carolina. Steyer, người nổi tiếng đối lập với Tổng thống Trump, đang cân nhắc tham gia tranh cử tổng thống năm 2020. Ảnh: Getty. |
Một số nhà tư vấn nền tảng trực tuyến cho biết các ứng viên cần thực hiện tất cả cách tiếp cận cần thiết để gây quỹ cho chiến dịch tốn kém và mệt mỏi của mình.
"Họ cần làm tất cả: gây quỹ cơ sở và gây quỹ truyền thống. Nhưng các khoản tài trợ nhỏ, nhiều hơn bất kỳ loại đóng góp nào khác, sẽ thể hiện động lực thực sự", Greg Berlin, nhà tư vấn nền tảng trực tuyến của đảng Dân chủ, cho biết.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là các nhà tài trợ cơ sở sẽ phản ứng thế nào trước hàng loạt ứng viên tham gia chạy đua cho năm 2020, bao gồm một số ứng viên mà họ từng quyên góp?
Một nhà gây quỹ giấu tên cho biết cuộc cạnh tranh đối với các khoản tài trợ nhỏ sẽ khốc liệt hơn nhiều so với cách gây quỹ truyền thống. Các nhà tài trợ cơ sở thường chỉ có thể tài trợ trong thời gian ngắn từ 1 đến 2 tháng. Ngoài ra, nguồn tài trợ của họ cũng không phải là độc quyền.
Tuy nhiên, Hill, giám đốc điều hành ActBlue, lưu ý rằng nhóm các nhà tài trợ nhỏ cho đảng Dân chủ đã bùng nổ về quy mô trong năm 2018 và vẫn có thể phát triển.
"60% các nhà tài trợ ActBlue trong kỳ bầu cử năm 2018 là những người quyên góp lần đầu tiên. Sự tài trợ này không có giới hạn", Hill nói.