Chiến tranh Lạnh phiên bản 2 bắt đầu?
Một nhà phân tích kỳ cựu vừa cảnh báo, với những nhóm hoạch định chính sách cẩu thả cùng một hệ thống truyền thông bảo thủ và hiếu chiến, Washington đang trượt dốc vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Moscow.
Nga - Mỹ đang trượt dài vào cuộc Chiến tranh Lạnh mới? |
Quan hệ song phương Nga-Mỹ từ trước tới nay đã nhiều lần “chao đảo” bởi các bất đồng và tranh chấp dường như không có hồi kết liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa, các vấn đề Trung Đông cũng như động thái can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ của Moscow bởi Washington. Bắt nguồn từ những bất đồng và tranh chấp, cả hai nước do đó, thường xuyên đưa ra các chính sách “ăn miếng trả miếng” lẫn nhau, gợi nhớ đến một giai đoạn thời Chiến tranh Lạnh.
Một ví dụ điển hình và gần đây nhất là sự kiện xảy ra hồi tháng 12 năm ngoái khi Quốc hội Mỹ bị cho là thiếu cân nhắc thiệt hại khi thông qua Đạo luật Magnitsky trong đó bao gồm nội dung công nhận việc bình thường hóa quan hệ thương mại với Nga. Tuy nhiên, kèm theo nó là các biện pháp trừng phạt nhằm vào một số quan chức nước này mà Mỹ cho là "vi phạm nhân quyền" do liên quan tới cái chết cách đây 3 năm của luật sư nước này Sergei Magnitsky. Các biện pháp bao gồm cấm quan chức Nga liên quan tới Mỹ và phong tỏa mọi tài sản của họ tại Mỹ.
Dĩ nhiên, động thái của Mỹ khiến giới chính khách Nga phẫn nộ. Họ cho rằng, Washington đã quá kiêu căng, ngạo mạn và can thiệp quá sâu vào nền chính trị cũng như pháp lý của đất nước. Không có gì ngạc nhiên khi Quốc hội Nga lập tức đáp trả bằng quyết định thông qua đạo luật cấm công dân Mỹ nhận con nuôi Nga. Đây được đánh giá là một đạo luật nhạy cảm và sẽ bắt đầu có hiệu lực đầy đủ vào năm 2014.
Tuy nhiên, trong khi đạo luật cấm công dân Mỹ nhận con nuôi Nga mà Tổng thống Vladimir Putin đặt bút ký hứng nhiều tranh cãi ở ngay trong nước thì truyền thông phương Tây và đặc biệt là Mỹ lại tung hô Tổng thống Obama vì đã thông qua Đạo Luật Magnitsky.
Nhà phân tích chính trị kỳ cựu Stephen F. Cohen, một Giáo sư Đại học danh dự tại ĐH New York và Princeton trong một bài bình luận được xuất bản trên tạp chí The Nation nhấn mạnh, đây không phải là lần đầu tiên các tổ chức chính trị - truyền thông Mỹ và phương Tây cổ vũ cho một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa hai kẻ thù cũ.
Thế nhưng, các tổ chức truyền thông – chính trị Mỹ lại luôn có thói quen chỉ trích và đổ lỗi cho Tổng thống Putin hành động theo lối cư xử thời Chiến tranh Lạnh cho dù khi ông bước vào điện Kremlin, nước Nga thời hậu Xô viết đã phát triển được gần một thập kỷ, trong suốt những năm 1990, ở Mỹ, dưới thời chính quyền Clinton.
Trong giai đoạn này, chính quyền Clinton đã đề xướng 3 yếu tố cơ bản trong chính sách đối với Nga mà chính quyền Bush và Obama sau này vẫn theo đuổi đó là: mở rộng NATO (giờ đây bao gồm cả việc thúc đẩy thiết lập các hệ thống phòng thủ tên lửa) tới sát sườn Nga; “hợp tác chọn lọc” nghĩa là theo đuổi các nhượng bộ từ Nga nhưng quyết không nhượng bộ lại bất cứ điều gì và cuối cùng là, phương châm can thiệp vào nền chính trị nội địa Nga, nhưng được ngụy trang bằng lời rao giảng “thúc đẩy dân chủ”.
Trong suốt 20 năm qua, 3 yếu tố cơ bản mang màu sắc Chiến tranh Lạnh trong chính sách của Mỹ đối với Nga đã được nhiều nhóm chính khách ở Washington và truyền thông nước này ủng hộ, bảo vệ và thúc đẩy.
Nhìn vào bối cảnh chính trị gần đây, Mỹ dưới thời chính quyền Obama, năm 2009, Tổng thống da màu chủ trương “tái thiết” quan hệ với Nga, mở ra một giai đoạn được cho là “lắng dịu” và êm đềm nhất trong quan hệ song phương Nga - Mỹ kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Mục đích của ông chủ Nhà Trắng là muốn có được 3 nhượng bộ từ Kremlin đó là: Hỗ trợ việc tiếp tế cho các lực lượng NATO ở Afghanistan; ủng hộ các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Iran do Mỹ khởi xướng và cuối cùng là “gật đầu” để Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thiết lập vùng cấm bay ở Libya.
Nhà Trắng đã có được tất cả những gì họ muốn khi điện Kremlin đáp ứng những nhượng bộ trên. Đổi lại, Nga cũng kỳ vọng Mỹ “có đi có lại”. Mục đích của Moscow là muốn Mỹ chính thức chấm dứt sự mở rộng của NATO tới các quốc gia thuộc Liên Xô; thỏa hiệp về lá chắn tên lửa châu Âu và cuối cùng là kết thúc chính sách can thiệp vào các công việc nội bộ của Nga.
Tuy nhiên, Moscow lại không được Washington thỏa mãn những kỳ vọng trên. Điều này đồng nghĩa với việc đã không có sự “có đi có lại” giữa Nga và Mỹ. Các nhóm chính trị ở Washington và truyền thông Mỹ lại không ngại ủng hộ, thúc đẩy cho những sai lầm trong chính sách với Nga.
Quốc hội Mỹ vốn đã trở thành pháo đài lưỡng đảng của những chính khách có tư tưởng Chiến tranh Lạnh, ủng hộ các nghị quyết và pháp chế hướng tới sự thù địch với Nga. Không có nhiều chính khách ở Washington phản đối xu hướng trên ngoài một số nghị sĩ Dân chủ tiến bộ hoặc tự do.
Còn đối với các phương tiện truyền thông của Mỹ, khi xem xét vai trò quan trọng của họ trong các cuộc thảo luận về an ninh quốc gia, thì rõ ràng họ chứng tỏ sự đáng trách với những bài bình luận, xã luận mang màu sắc Chiến tranh Lạnh hoặc ủng hộ Chiến tranh Lạnh Nga – Mỹ, cáo buộc Washington quá “mềm mỏng” với Kremlin và cổ vũ cho các cuộc biểu tình chống lại chính quyền Putin.
Từ tất cả những điều đó, theo Giáo sư Stephen F. Cohen, Washington đang trượt dài vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Moscow, không chỉ có ảnh hưởng tới quan hệ song phương hai nước mà còn tác động xấu đến các vấn đề an ninh toàn cầu.
Phương Đăng
Theo Infonet