Nga, Mỹ cãi nhau vì Syria
Mỹ cáo buộc Nga cung cấp trực thăng chiến đấu cho quân đội của Tổng thống Syria Assad; trong khi Moscow khẳng định, Washington cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy. Đây là nguyên nhân thổi bùng lên cuộc cãi nhau giữa 2 cường quốc.
>>Mỹ cáo buộc Nga kích động bạo lực ở Syria
>>Trẻ em Syria biến thành ‘lá chắn sống’
>> Mỹ công bố ảnh vệ tinh mồ chôn tập thể ở Syria
>> Liên Hiệp Quốc lên án vụ thảm sát ở Syria
Phản ứng trước cáo buộc của người đồng cấp Clinton về việc Moscow cung cấp trực thăng chiến đấu cho quân đội Assad, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, việc cung cấp cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad “hệ thống phòng không” không hề vi phạm luật phát quốc tế.
“Điều đó trái ngược với những gì mà Mỹ đang làm với phe đối lập, cung cấp vũ khí cho những kẻ nổi dậy chống lại chính phủ Syria”, ông Lavrov đáp trả.
Không lâu sau đó, Bộ Ngoại giao Nga đính chính rằng tuyên bố của ông Lavrov bị dịch sai. Bộ trưởng Ngoại giao Nga chỉ cáo buộc Mỹ cung cấp vũ khí “trong khu vực” chứ không nói đích danh bên nhận là lực lượng nổi dậy Syria.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và người đồng cấp phía Mỹ Hillary Clinton. |
Sau tuyên bố của Moscow, bà Clinton liền đặt câu hỏi về mong muốn của Nga đối với hòa bình và ổn định trong cộng đồng các nước Ả Rập. “Chúng tôi nhiều lần kêu gọi chính phủ Nga dừng hoàn toàn các mối quan hệ quân sự cũng như đình chỉ các hoạt động hỗ trợ và chuyển giao hàng hóa (cho chính phủ Syria)”.
Trên thực tế, dù Mỹ và Nga liên tiếp tranh cãi về việc cung cấp vũ khí cho các bên ở Syria nhưng chưa có một lệnh cấm chính thức nào của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về những động thái trên được thông qua; bởi Nga và Trung Quốc sử dụng quyền phủ quyết trong các cuộc bỏ phiếu. Hiện chỉ có lệnh cấm vận vũ khí duy nhất do liên minh châu Âu (EU) áp dụng.
Đồng thời, Mỹ cũng lên tiếng bác bỏ việc cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy ở Syria. Jay Carney, phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết: “Chúng tôi không và không được phép cung cấp vũ khí cho phe đối lập Syria”.
Trong một diễn biến khác, Telegraph trích dẫn một báo cáo đáng tin cậy cho biết, Saudi Arabia và Qatar bắt đầu cung cấp hàng viện trợ cho lực lượng tự xưng “Quân đội tự do Syria” thông qua Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Anh, Mỹ và các quốc gia khác vẫn duy trì việc chuyển giao các thiết bị thông tin liên lạc hỗ trợ các hoạt động của lực lượng nổi dậy.
Hiện tại, thị trấn Tartous của Syria là căn cứ quân sự ở nước ngoài duy nhất mà Nga duy trì kể từ sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ. Nga có nhiều quyền lợi ở Syria hơn so với Libya nên việc “mất trắng” là sai lầm mà Nga sẽ không bao giờ lặp lại kể từ sau cuộc chiến ở Libya.
Hồng Duy
Theo Infonet.vn