Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chiến tranh chống lại Iran: Nhiệm vụ bất khả thi

Đàm phán hạt nhân bế tắc, thái độ hiếu chiến muốn tấn công Iran của chính quyền Netanyahu và các tuyên bố đáp trả cứng rắn từ Tehran..., tất cả đang vẽ nên viễn cảnh về một cuộc chiến tranh mới tại Trung Đông.

Chiến tranh chống lại Iran: Nhiệm vụ bất khả thi

Đàm phán hạt nhân bế tắc, thái độ hiếu chiến muốn tấn công Iran của chính quyền Netanyahu và các tuyên bố đáp trả cứng rắn từ Tehran..., tất cả đang vẽ nên viễn cảnh về một cuộc chiến tranh mới tại Trung Đông.

Nếu chiến tranh nổ ra, Iran và Israel sẽ hủy diệt lẫn nhau.

Tới New York để tham dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm qua, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad làm nóng bầu không khí cuộc họp với tuyên bố, Israel không có gốc rễ hay nền tảng ở Trung Đông mà chỉ là một hiện tượng tạm thời và do đó sẽ sớm bị loại bỏ. Phát biểu trước báo giới tại New York, ông Ahmadinejad cũng nhấn mạnh chẳng hề bận tâm đến lời đe dọa từ Israel, theo đó phát động một cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Cũng trong ngày hôm qua, Phó Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC), Chuẩn tướng Hossein Salami tuyên bố, các binh đoàn bộ binh của Cộng hòa Hồi giáo hoàn toàn có khả năng tiêu diệt Israel chỉ trong vòng 24 giờ.

Trong khi đó, Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu vẫn kiên định lập trường tấn công nước Cộng hòa Hồi giáo đồng thời lên tiếng chỉ trích chính sách Iran của chính quyền Obama. Ông Netanyahu nhấn mạnh, các biện pháp trừng phạt và ngoại giao không thể buộc Iran từ bỏ giấc mơ hạt nhân.

Từ quan điểm và lập trường của các bên, nhiều người không loại trừ khả năng, cuộc chiến tranh mới sắp nổ ra ở một trong những khu vực bất ổn nhất của thế giới. Tuy nhiên, nếu chiến tranh nổ ra trong khu vực, Iran sẽ buộc phải liều mình chống cự và hậu quả chiến tranh sẽ khó dự đoán hơn cả những gì từng xảy ra ở Iraq trong suốt Chiến dịch "Bão táp Sa mạc" hay "Sốc và Kinh hoàng". 

Theo các dữ liệu của nhiều tổ chức quốc tế uy tín như tạp chí Aviation Week & Space Technology hay báo cáo Cân bằng quân sự của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) thì các lực lượng vũ trang Iran thậm chí có khả năng tác chiến đáng kể chứ không chỉ có sức kháng cự mạnh mẽ. Hậu quả là, các lực lượng phương Tây sẽ không thể tránh khỏi những tổn thất nặng nề.

Hiện nay, theo ước tính, lực lượng bộ binh của Iran bao gồm khoảng 350.000 đến 465.000 người, trong đó ít nhất 230.000 là lính hợp đồng, còn lại là lính nghĩa vụ. Ngoài ra, Iran cũng có khoảng 350.000 quân nhân dự bị.

Do đó, giả sử tình huống bộ binh Iran không thể chống đỡ trước liên minh phương Tây tinh nhuệ, thiện chiến, thì một chiến dịch đổ bộ vào khu vực nội địa của Cộng hòa Hồi giáo vẫn có rất ít khả năng thành công. Lý do là Iran có địa hình núi non phức tạp, tạo ra nhiều lợi thế phòng thủ. Hơn nữa, Cộng hòa Hồi giáo còn có 70 triệu dân luôn thể hiện tinh thần sẵn sàng hi sinh thân mình để bảo vệ đất nước khỏi một cuộc xâm lăng từ Israel và phương Tây.

Iran có quân đội hùng hậu.

Ngoài ra, Iran còn sở hữu hệ thống phòng thủ bờ biển mạnh mẽ và hiệu quả. Do đó, các chiến dịch đổ bộ hòng chiếm cứ Iran sẽ phải chuốc lấy nhiều thất bại cay đắng. Nói cách khác, thất bại đồng nghĩa với những mất mát to lớn và nặng nề. Và đó là tình huống khó chấp nhận, thậm chí không được phép xảy trước thềm bầu cử ở Mỹ, PhápĐức.

"Kịch bản còn lại là phát động chiến dịch không kích chống lại Iran. Kịch bản này sẽ chỉ có thể được tiến hành bởi quân đội Mỹ. Tuy nhiên, các chiến dịch như vậy có hai điểm cần cân nhắc. Thứ nhất, đó sẽ là chiến dịch kéo dài có thể tới vài tháng. Đồng thời, các chiến dịch như vậy sẽ rất tốn kém, mệt mỏi nhưng lại không đảm bảo khả năng thành công 100%. Thứ 2, khả năng Iran tấn công trả đũa tương tự là chắn chắn”, ông Aleksander Kostin, một chuyên gia quân sự Nga nhận định.

Iran có nhiều lựa chọn để trả đũa. "Tính đến nay, Quân đội và Hải quân Iran đã sở hữu tên lửa chiến thuật có khả năng tấn công hiệu quả các mục tiêu trên biển và trên đất liền của Mỹ trong khu vực. Hầu hết các căn cứ của quân đội Mỹ trong khu vực đều nằm trong phạm vi của các tên lửa tầm ngắn tối tân Shahab-3, có tầm bắn hơn 2.000km”, ông Kostin nhấn mạnh.

Tên lửa vào loại tối tân bậc nhất của Iran, Shahab-3.

Hơn nữa, Iran cũng có thể nhắm mục tiêu tới các cơ sở hạ tầng quan trọng có mục đích sử dụng kép, chẳng hạn, các cảng, nhà máy khử muối cũng như các cơ sở khác được sử dụng bởi quân đội Mỹ.

Ngoài ra, theo ông Kostin, Iran cũng có thể lôi kéo các nhóm quân sự-chính trị là đồng minh ruột của họ để chống lại kẻ thù. Các nhóm này bao gồm, trước tiên phải kể đến Hezbollah ở Lebanon, lực lượng vũ trang Mahdi Army ở Iraq cũng như các tổ chức ít được biết đến khác ở Afghanistan, Yemen và Bahrain.

“Với khả năng kiểm soát Eo biển Hormuz, Iran có thể chi phối và gây ảnh hưởng đến các hoạt động thương mại toàn cầu. Trong trường hợp chiến tranh nổ ra và Eo biển Hormuz bị Iran kiểm soát, các khoản bảo hiểm rủi ro cho các tàu thương mại qua lại khu vực này sẽ tăng cao chóng mặt. Hậu quả là, một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu bùng nổ”, ông Kostin cho biết thêm.

Chưa hết, chiến tranh dẫn đến hậu quả các cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran sẽ bị phá hoại, rõ ràng là thảm họa không chỉ cho nền kinh tế toàn cầu mà còn cho môi trường.

Cựu Đại sứ Pháp tại Iran, François Nicoullaud từng nhấn mạnh: “Các cuộc oanh tạc vào các cơ sở hạt nhân của Iran, chẳng hạn các nhà máy năng lượng hạt nhân ở Bushehr có nhiều khả năng tạo ra các loại thảm họa tương tự như Fukushima, cho dù với mức độ nhẹ hơn. Các nhà máy được xây dựng dọc theo bờ biển nội địa và được bao quanh bởi nhiều quốc gia ven biển – các quốc gia vùng Vịnh”.

Cuối cùng, ông Nicoullaud nhấn mạnh, các cuộc oanh tạc có thể khiến nhà máy hạt nhân ở Fordow của Iran, hoạt động dưới lòng đất cách mặt đất tới 2.000 km bị hư hỏng, nhưng để loại bỏ nó thì phải cần đến một cuộc tấn công hạt nhân.

Vì tất cả những lẽ đó, sẽ là dại dột và ngu ngốc nếu Israel và phương Tây quyết tấn công Iran. Cách tốt nhất và khôn ngoan nhất để giải quyết khủng hoảng hạt nhân của Cộng hòa Hồi giáo là tiếp tục đối thoại và đàm phán với nước này.

Phương Đăng

Theo Infonet

Phương Đăng

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm