Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Man Utd ngậm ngùi nhìn Brighton bay cao

Sau những khó khăn và kém may mắn trong loạt 4 trận liền không thắng, Brighton trở lại quỹ đạo rất kịp thời khi thắng Tottenham 3-2 hôm 6/10.

Ai có thể ngờ rằng một đội bóng bị dẫn trước 2 bàn lại có thể lật ngược thế cờ một cách ngoạn mục đến vậy? Brighton chứng minh rằng trong bóng đá, mọi điều đều có thể xảy ra. Nhìn sang Man Utd, đó là hình ảnh trái ngược.

Brighton hơn Man Utd vì ông chủ có đầu óc

Chỉ trong một tuần, khoảng cách giữa Man Utd và Brighton ngày càng xa. Trong khi "Chim mòng biển" bay cao ở vị trí thứ 6, "Quỷ đỏ" chật vật ở vị trí thứ 14. Điều này cho thấy sự chênh lệch lớn về phong độ và tinh thần thi đấu giữa hai đội bóng.

Tại sao Man Utd không thể chơi tốt như Brighton trong mùa này. Cần nhớ "Quỷ đỏ" bước sang mùa giải thứ 3 dưới thời Ten Hag, còn Brighton mới trong mùa đầu tiên dưới thời HLV 31 tuổi, Fabian Hürzeler - nhà cầm quân trẻ tuổi nhất trong lịch sử Premier League.

Có rất nhiều thứ để tạo ra khác biệt giữa Man Utd và Brighton. Nhưng gốc rễ lớn nhất của vấn đề là tầm nhìn của giới chủ CLB. Trong khi ngày càng nhiều tỷ phú từ Mỹ và các quốc gia Trung Đông đầu tư vào các CLB Premier League, Brighton vẫn là một trong số rất ít đội bóng Anh hàng đầu được hậu thuẫn bởi fan ruột.

Brighton anh 1

Tony Bloom là fan ruột của Brighton và rất thông minh

Người hâm mộ đó là Tony Bloom - nhân vật đầu tư nửa tỷ bảng vào "Chim mòng biển" kể từ khi trở thành Chủ tịch vào năm 2009. Ông Bloom đưa Brighton từ đội bóng thường xuyên phải lo trụ hạng ở League One trở thành CLB thường xuyên ở nửa trên BXH giải Ngoại hạng Anh.

Chủ tịch Bloom thúc đẩy CLB không chỉ bằng tình yêu mà còn bằng 4 yếu tố: Toán học - Phân tích - Dự đoán - Dự báo. Đây là bốn lĩnh vực ông xuất sắc trong môn poker. Còn tại Brighton, bốn yếu tố của Chủ tịch Bloom giúp CLB trở thành ông vua của các quy tắc Lợi nhuận và Bền vững ở Premier League (PSR).

Mùa hè vừa qua, Brighton phá kỷ lục chuyển nhượng của CLB, chi tới 193 triệu bảng để nâng cấp đội hình. Dù vậy, "Chim mòng biển" vẫn đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về tài chính của UEFA

3 năm bỏ ống heo, một hè phá két

Brighton trước kia nổi tiếng trong việc kiếm ăn “cò con”, họ chỉ tìm kiếm những cầu thủ trẻ có tiềm năng giá rẻ rồi phát triển và sau đó bán thu lời kiểu lấy công làm lãi. Mùa hè này, chính sách đó có sự thay đổi. Thay vì mua những cầu thủ Nam Mỹ chưa nổi tiếng với giá 5 triệu bảng, Brighton chịu chơi, chiêu mộ các tài năng sáng giá nhất từ Bundesliga và Eredivisie với mức giá lên tới 40 triệu bảng.

Những cầu thủ này sẽ không cần hai mùa giải để trở thành ngôi sao tỏa sáng ở Premier League, như Alexis Mac Allister và Moises Caicedo trước đây. Họ sẵn sàng để tạo ra ảnh hưởng ngay lập tức, ngay trong mùa giải này. Thực tế đã chứng minh như thế.

Tony Bloom, với kinh nghiệm của một tay chơi poker lão luyện, không bao giờ đặt cược mù quáng. Việc chi tiêu mạnh tay trong kỳ chuyển nhượng hè vừa qua là một nước đi được tính toán kỹ lưỡng, như một ván bài lớn mà ông chủ Brighton tin rằng mình sẽ thắng

Brighton anh 2

Brighton đang có đội hình mạnh nhất lịch sử CLB

Quá trình tích lũy của Brigton bắt đầu từ mùa giải 2021/22 khi bán Ben White cho Arsenal với giá 50 triệu bảng, bán Marc Cucurella cho Chelsea với giá 62 triệu bảng. Yves Bissouma và Leandro Trossard lần lượt gia nhập Tottenham và Arsenal cùng với giá 25 triệu bảng. Hè năm ngoái, họ bán Caicedo với giá 115 triệu bảng, bán Mac Allister với giá 35 triệu bảng và bán Robert Sanchez với giá 25 triệu bảng… Tổng cộng, Brighton thu về khoảng 340 triệu bảng từ việc bán cầu thủ 3 năm qua. Ngoài ra, "Chim mòng biển" còn "bán" luôn cả ban huấn luyện với Graham Potter, Paul Winstanley, Sam Jewell cho Chelsea với giá 25 triệu bảng.

Brighton chuẩn bị cho mùa giải này một cách kỹ lưỡng. Sau nhiều mùa tích lũy tài chính, "Chim mòng biển" tận dụng tối đa cơ hội trong kỳ chuyển nhượng hè 2024, thời điểm mà các đối thủ khác đều đã cạn kiệt ngân sách. Với đội hình mạnh nhất từ trước đến nay, Brighton thể hiện một sức mạnh đáng gờm và mục tiêu top 4 hoàn toàn nằm trong tầm tay.

Trong khi Brighton đang dệt nên một tấm thảm tinh xảo, từng sợi chỉ được kết nối chặt chẽ, tạo nên một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo, thì Man Utd lại giống như đang xây một lâu đài bằng cát, dễ dàng sụp đổ trước gió bão. Sự khác biệt trong chiến lược chuyển nhượng dẫn đến một kết quả rõ ràng: Brighton đang bay cao, trong khi Man Utd lại chìm sâu trong khủng hoảng.

Tại sao lại như vậy? Bởi vì Brighton đã xây dựng một đội hình dựa trên một nền tảng vững chắc, trong khi Man Utd lại chỉ tập trung vào những ngôi sao sáng chói nhất mà thiếu đi sự gắn kết.

Cuốn tự truyện “The Second Half” của Roy Keane kể về những mùa giải cuối chơi bóng cho MU của huyền thoại người Ireland và cả các năm tháng làm HLV cũng như BLV truyền hình.

Anh Tú

Bạn có thể quan tâm