Lee Se-dol trong lần thua AlphaGo năm 2016. Ảnh: AlphaGo Movie. |
Kellin Pelrine, một tay chơi nghiệp dư, vừa đánh bại hệ thống AI KatGo trong trận đấu cờ vây lịch sử mà nó từng giành chiến thắng vào năm 2016.
Lợi dụng lỗ hổng của AI
Theo Financial Times, kỳ thủ người Mỹ đã tận dụng một lỗ hổng của hệ thống AI nhờ một phần mềm khác và giành chiến thắng áp đảo 14/15 trận trước trí tuệ nhân tạo mà không cần hỗ trợ bởi bất kỳ máy móc nào. Chiến thắng của Kellin Pelrine cũng cho thấy điểm yếu vẫn tồn tại ngay cả trong chương trình chơi cờ vây bằng AI huyền thoại này, Financial Times nhận định.
Ban đầu, ý tưởng để con người chơi cờ vây với AI được đề ra nhằm tìm kiếm lỗ hổng trong hệ thống này. Công ty nghiên cứu FAR AI là đơn vị đã phát triển chương trình hack game cờ vây AI. Họ đã nhờ một kỳ thủ nghiệp dư là Kellin Pelrine thi đấu với KatGo.
“Không ngờ việc khai thác lỗ hổng của nó lại dễ dàng đến vậy”, Adam Gleave, CEO của FAR AI chia sẻ. Phần mềm do công ty ông phát triển đã đấu với KataGo, hệ thống chơi cờ vây hàng đầu thế giới, tổng cộng một triệu lần chỉ để tìm ra điểm mù của nó, giúp các đấu thủ là người thật có thể lợi dụng để giành chiến thắng.
Vị CEO cho biết chiến lược giành chiến thắng không dễ nhưng cũng không phải quá khó để học theo, và ngay cả những đấu thủ tầm trung cũng có thể đánh bại hệ thống AI này. FAR AI còn sử dụng cùng một chiến lược để giành chiến thắng trước các hệ thống đánh cờ vây khác như Leela Zero.
Nhà vô địch cờ vây Hàn Quốc Lee Se-dol từng nói rằng sự ra mắt của AI trong trò chơi cờ vây khiến anh nhận ra rằng anh không thể chiến thắng ngay cả khi cố gắng điên cuồng. Ảnh: LNG0004. |
Trên lý thuyết, một trận cờ vây sẽ bao gồm hai phe trắng và đen trên bàn cờ có 19x19 ô vuông. Mục tiêu của mỗi người chơi là bao vây thành trì của đối thủ và chiếm nhiều lãnh thổ hơn họ. Người chơi càng xuất hiện ở nhiều khu vực khác nhau trên bàn cờ, hệ thống AI sẽ càng bị phân tác và khó xác định nước đi tiếp theo.
Chiến lược khó lường của kỳ thủ tay mơ
Trong đó, chiến lược mà Pelrine sử dụng chính là vừa âm thầm để quân cờ bao vây lãnh thổ của đối thủ vừa ra quân ở những khu vực khác để đánh lạc hướng AI. Cách chơi này đã chứng minh hiệu quả khi hệ thống máy tính chơi cờ vây KataGo không hề phát hiện ra nguy cơ ngay cả khi thành trì bao vây của Pelrine hoàn thành. “Nếu là người chơi bình thường, họ sẽ dễ dàng phát hiện ra điều này”, Pelrine chia sẻ.
Theo Financial Times, thành công của tay mơ Kellin Pelrine với sự trợ giúp của phần mềm khai thác lỗ hổng đã đánh dấu chiến thắng hiếm hoi của con người sau 7 năm kể từ khi AI xuất hiện và chiếm vị trí độc tôn trên bảng xếp hạng đấu thủ cờ vây hàng đầu thế giới.
Năm 2016, AlphaGo, trí tuệ nhân tạo của Google, đã 4 lần liên tiếp đánh bại kỳ thủ cờ vây 9 đẳng thế giới Lee Sedol để giành chức nhà vô địch. 3 năm sau, Lee Sedol tuyên bố giải nghệ vì bất lực trước AI và nói rằng nó là “ngôi vương không thể đánh bại”.
"Khi đối đầu với những phần mềm trí tuệ nhân tạo, tôi cảm thấy mình không còn xuất sắc nữa dù tôi có nỗ lực tập luyện cờ vây một cách điên cuồng", Lee Se-dol chia sẻ khi anh từ giã sự nghiệp.
Trận đấu giữa AlphaGo và kỳ thủ Lee Sedol năm 2016 đánh dấu lần đầu tiên một cỗ máy đánh bại con người trong trò chơi cờ vây. Ảnh: Reuters. |
Theo Stuart Russell, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học California, những lỗ hổng xuất hiện trên các phần mềm máy tính chơi cờ vây cho thấy các hệ thống học sâu hiện nay vẫn còn nhiều điểm yếu, ngay cả là với các AI thông minh nhất hiện nay.
Chúng chỉ có thể hiểu một vài trường hợp cụ thể đã được học trong quá khứ và không thể khái quát hóa các kiến thức một cách dễ dàng như con người. “Đây chính là bằng chứng cho thấy vẫn còn sớm để đánh giá trí thông minh của máy móc với trí tuệ của con người”, chuyên gia nhận định.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân khiến các hệ thống AI chơi cờ vây bị đánh bại mới chỉ là giả thuyết ban đầu, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Một số người cho rằng lỗ hổng bị Pelrine và FAR AI phát hiện trên thực tế rất hiếm gặp. Các mô hình AI thường không được rèn luyện nhiều trò chơi có cách chơi tương tự nên chúng không nhận ra điểm yếu của mình.
“Khai thác các lỗ hổng của AI chơi cờ vây để đánh bại chúng là chuyện bình thường. Nhưng ngày càng nhiều hệ thống AI lớn bị lợi dụng lỗ hổng mà không có bước xác thực, kiểm định đàng hoàng”, giáo sư Stuart Russell chia sẻ.
Nhân loại sẽ đối đầu với trí tuệ nhân tạo như thế nào
Trong cuốn sách "Framers - Nhân loại đối đầu nhân tạo", các tác giả nhận định con người vẫn có lợi thế trong thời đại công nghệ.