Từ khi nhà chức trách Singapore nới lỏng giới hạn chống dịch vào tháng 8, số ca mắc mới Covid-19 mỗi ngày trong cộng đồng đã tăng gần 4 lần trong các ngày 31/8-13/9, từ 156 ca tới 607 ca, theo dữ liệu từ Bộ Y tế Singapore. Số ca cần thở máy cũng tăng gần 3 lần, từ 19 tới 57.
Nhưng cũng trong hai tuần ấy, Singapore - nơi tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đã vượt 80% - chỉ có 3 ca tử vong. Số ca cần được chăm sóc tích cực (ICU) vẫn được duy trì trong khoảng 5-8 trường hợp.
Trong 28 ngày qua, tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 chưa tiêm chủng chuyển nặng hoặc tử vong là 5,4%, trong khi con số này với người đã tiêm chủng đầy đủ là 1%.
“Có chứng cứ mạnh mẽ cho thấy tiêm chủng đã làm suy yếu mối liên hệ giữa số ca mắc và số ca bệnh nặng cùng tử vong”, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ke Yung, Chủ tịch Lực lượng Liên bộ Ứng phó Covid-19 (MTF), nói trong buổi họp báo ngày 10/9.
Nhưng để đề phòng nguy cơ số ca mắc mỗi ngày vẫn tăng và có thể vượt mức 3.000, Singapore sẽ tạm dừng giai đoạn chuyển đổi trước khi mở cửa rộng hơn.
Tuy vậy, đảo quốc cũng sẽ không siết giới hạn vì tâm lý mệt mỏi của người dân là rất lớn, theo Lawrence Wong, Bộ trưởng Tài chính Singapore kiêm đồng Chủ tịch MTF.
“Chúng ta cần thận trọng và dành ra nhiều thời gian để chắc chắn rằng sự gia tăng trong số lượng ca mắc mỗi ngày sẽ không đẩy số ca nghiêm trọng và tử vong lên cao”, Bộ trưởng Công Thương Singapore Gan Kim Yong, đồng Chủ tịch MTF, nhận định cùng ngày 10/9.
“Hai đến bốn tuần tiếp theo là rất quan trọng, vì chúng ta sẽ phát hiện liệu bệnh nhân có trở nặng và gặp tai biến hay không”, ông Gan nói.
Số ca mắc mới Covid-19 mỗi ngày trong cộng đồng của Singapore, từ ngày 1/8 tới ngày 13/9. Đồ họa: Our World in Data. |
Mở rộng chương trình tự chăm sóc ở nhà
Trước số ca mắc gia tăng, Singapore tung ra một loạt biện pháp mới để đảm bảo hệ thống y tế của đảo quốc có thể chịu được số ca nhiễm đang gia tăng trong những tuần gần đây.
Sau giai đoạn thí điểm thành công với 21 bệnh nhân từ ngày 30/8, Singapore sẽ mở rộng chương trình tự chăm sóc Covid-19 ở nhà dành cho người đã tiêm chủng đầy đủ. Thay đổi này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/9.
Theo đó, đối tượng tham gia chương trình này ban đầu sẽ là người trẻ tuổi và không có bệnh nền. Sau đó, phạm vi chương trình sẽ dần được mở rộng ra những người từ 50 tuổi trở xuống, theo Straits Times.
“Những người này sẽ chiếm khoảng 50% số ca mắc Covid-19”, Bộ trưởng Ong nói ngày 10/9.
Trẻ em từ 5 tuổi trở lên và không có bệnh nền cũng có thể tự hồi phục ở nhà nếu mắc Covid-19. Nhưng trước đó các em phải được bệnh viện đánh giá mức độ phù hợp với chương trình này.
Nhân viên y tế phục vụ một người phụ nữ ở cơ sở tiêm chủng tại Singapore vào ngày 7/9. Ảnh: AFP. |
Những bệnh nhân tự hồi phục ở nhà cùng thành viên trong gia đình phải thỏa mãn một số điều kiện như mọi người trong nhà đều phải được tiêm chủng đầy đủ và không nằm trong nhóm dễ tổn thương (như phụ nữ có thai, người cao tuổi, hoặc người có hệ miễn dịch suy yếu).
“Điều này sẽ giúp để dành công suất của bệnh viện cho những người thật sự cần được chăm sóc y tế, để chúng ta có thể tiếp tục cung cấp mức độ chăm sóc phù hợp cho mọi người, kể cả khi số ca nhiễm tăng cao hơn”, Bộ Y tế Singapore thông báo ngày 14/9.
Ngoài ra, bệnh nhân Covid-19 đã tiêm chủng đầy đủ cũng có thể được ra viện sớm nhất là sau 7 ngày điều trị nếu tải lượng virus của họ ở mức thấp hoặc không thể đo được. Nguyên nhân là tải lượng virus thấp cho thấy họ không còn khả năng lây bệnh, theo Straits Times.
Theo Bloomberg, Singapore không công bố công suất giường bệnh trong bản tin Covid-19 hàng ngày, nhưng một số tuyên bố trước đó cho thấy số ca mắc hiện tại vẫn còn cách khá xa so với giới hạn của hệ thống y tế trên đảo quốc sư tử.
Tháng 7, Bộ trưởng Y tế Ong từng nói Singapore có thể cung cấp tới 1.000 giường ICU cho bệnh nhân Covid-19 nếu cần thiết. Trong khi đó, chỉ 8 bệnh nhân phải nằm trong phòng chăm sóc tích cực vào ngày 13/9.
Một bộ kit tự xét nghiệm được bán tại một số hiệu thuốc ở Singapore. Ảnh: Reuters. |
Chuyển hướng truy vết, giảm thời gian cách ly
“Với số ca mắc như vậy, những người làm công tác truy vết của chúng ta không còn có thể phỏng vấn toàn bộ người mắc Covid-19 để lập đường di chuyển, tìm tiếp xúc gần, và xác định ổ dịch”, Bộ trưởng Ong nói ngày 10/9.
“Vì thế, chúng ta sẽ chỉ tập trung xử lý những hoàn cảnh rủi ro cao và các cụm dịch lớn. Chúng ta cũng sẽ dựa vào các biện pháp đơn giản hơn và có thể nhân rộng quy mô, như yêu cầu người thân (của người mắc) tự cách ly tại nhà”, ông Ong nói.
Bộ Y tế Singapore cũng thông báo sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin về các cụm dịch mới nổi trong bản tin cập nhật hàng ngày để người dân có thể tránh né hoặc tự điều chỉnh hành động.
Từ ngày 13/9, thời gian cách ly đối với người nghi mắc Covid-19 tại Singapore sẽ được giảm từ 14 ngày xuống còn 10 ngày vì biến chủng Delta có thời gian ủ bệnh ngắn hơn, trung bình dưới 4 ngày. Thời gian ủ bệnh của chủng ban đầu là 6-8 ngày.
Điều kiện để được rời cách ly sớm là người nghi nhiễm cho kết quả xét nghiệm âm tính vào cuối ngày thứ 10. Họ đồng thời cần xét nghiệm kháng nguyên nhanh mỗi ngày cho tới hết ngày thứ 14 để giảm thiểu rủi ro.
Một thiết bị truy vết được đặt tại trung tâm mua sắm tại Singapore. Ảnh: Straits Times. |
Tiếp tục tiêm chủng, đẩy mạnh xét nghiệm
“Tuy chúng ta đã có độ phủ tiêm chủng rất cao, chúng ta vẫn sẽ tiếp tục công tác chủng ngừa”, Bộ trưởng Ong nói ngày 10/9.
Từ ngày 14/9, Singapore triển khai chương trình tiêm mũi tăng cường cho người từ 60 tuổi trở lên, người sống trong viện dưỡng lão, và người có hệ miễn dịch yếu. Những người trong nhóm này sẽ nhận được tin nhắn mời đăng ký tiêm mũi tăng cường bằng vaccine mRNA.
Người cao tuổi sẽ đủ điều kiện tiêm mũi ba sau khi đã tiêm đủ hai mũi đầu được ít nhất 6 tháng. Người có hệ miễn dịch yếu có thể tiêm tăng cường hai tháng sau khi tiêm đầy đủ nhưng nên được khuyến cáo tư vấn trước với bác sĩ.
Khu vực ngồi công cộng được đánh dấu bằng băng dính vàng để khuyến khích giãn cách xã hội tại một trung tâm mua sắm ở Singapore vào gnày 17/4/2020. Ảnh: Straits Times. |
Bên cạnh tiêm chủng, Singapore tiếp tục đẩy mạnh xét nghiệm Covid-19 để làm giảm tốc độ lây nhiễm, Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong nói ngày 6/9.
Trước đó, chỉ nhân viên ở môi trường rủi ro cao như cửa hàng thực phẩm và đồ uống, dịch vụ chăm sóc cá nhân, phòng tập thể thao mới cần xét nghiệm bắt buộc.
Nhưng phạm vi xét nghiệm bắt buộc sẽ được mở rộng đối với người lao động trong các lĩnh vực khác như nhân viên trung tâm bán lẻ, siêu thị, shipper, tài xế taxi, nhân viên phương tiện giao thông công cộng,… Từ ngày 13/9, tần suất xét nghiệm sẽ được tăng từ 2 tuần một lần lên 1 tuần một lần.
Các công ty không thuộc diện phải xét nghiệm bắt buộc cũng sẽ được cấp 8 bộ kit xét nghiệm nhanh cho mỗi nhân viên làm việc tại cơ quan. Số lượng này đủ để họ xét nghiệm cho nhân viên mỗi tuần trong vòng 2 tháng.
Đồng thời, từ ngày 8/9, chính phủ cũng sẽ không cho phép tụ tập ở nơi làm việc, đồng thời kêu gọi người dân hạn chế tần suất ra đường xuống còn một lần/ngày, theo thông báo ngày 6/9 của Bộ Y tế Singapore.