Tháng trước, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui trong một phát biểu có ngụ ý rằng lãnh đạo tại Bình Nhưỡng sẽ sớm công bố "quyết định quan trọng" về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Các quan chức của cả Mỹ và Hàn Quốc xem kỳ họp sắp tới của cơ quan lập pháp hàng đầu Triều Tiên - Hội đồng Nhân dân Tối cao - là dịp để Bình Nhưỡng công bố chiến lược tiếp theo của họ về vũ khí hạt nhân, theo Korea Times.
Mọi con mắt đang dồn về Triều Tiên để xem liệu nhà lãnh đạo Kim Jong Un có đưa ra tuyên bố tại kỳ họp khai mạc ngày 11/4 hay không.
Ông Trump thị sát huyện Samjiyon ở miền bắc Triều Tiên trước kỳ họp quốc hội. Ảnh: KCNA. |
"Một ngày trọng đại"
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 5/4 rằng Washington sẽ theo dõi sát sao phát biểu của ông Kim Jong Un tại kỳ họp đầu tiên của quốc hội khóa 14 Triều Tiên.
"Đó là một ngày trọng đại", ông Pompeo nói. "Đó là sự kiện thường niên nơi nhà lãnh đạo Triều Tiên phát biểu trước người dân. Chúng tôi sẽ theo dõi sát sao những gì ông ấy nói".
Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng đang bị đình trệ sau hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Kim hồi tháng 2.
Với việc đối thoại rơi vào bế tắc, Triều Tiên có thể tuyên bố rằng họ sẽ ngừng đàm phán hòa bình với Mỹ và đe dọa sẽ tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân.
Washington và Bình Nhưỡng đã không thể thu hẹp sự khác biệt giữa họ trong các cuộc đàm phán hạt nhân sau hội nghị thượng đỉnh Hà Nội. Mỹ muốn Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn trước bằng cách ký vào thỏa thuận "giải quyết xong trong một lần", nhưng Triều Tiên muốn thực hiện quá trình này theo từng giai đoạn.
Ngay cả khi ông Trump đã nhiều lần nhấn mạnh mối quan hệ giữa ông với nhà lãnh đạo Kim Jong Un vẫn đang tốt đẹp, Triều Tiên cho thấy rất ít dấu hiệu rằng họ sẽ nối lại các cuộc đàm phán với Mỹ.
Bất chấp cử chỉ hòa giải của ông Trump, Washington nói họ sẽ tiếp tục các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Triều Tiên trừ khi Bình Nhưỡng đồng ý phi hạt nhân hóa toàn bộ và có thể kiểm chứng.
Với việc không bên nào có dấu hiệu thỏa hiệp, có thể trong kỳ họp sắp tới Triều Tiên sẽ tuyên bố rằng họ sẽ chọn một "con đường mới và độc lập" bằng cách ngừng đàm phán với Mỹ.
Đầu năm nay, ông Kim từng đe dọa sẽ đi theo "con đường mới" trừ khi Mỹ ngừng áp đặt những gì mà Bình Nhưỡng gọi là các biện pháp trừng phạt và gây áp lực "đơn phương" đối với Triều Tiên.
Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội được kỳ vọng sẽ giúp Washington và Bình Nhưỡng phá vỡ bế tắc kéo dài hàng tháng trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa. Song khi hội nghị kết thúc mà hai bên không đạt được thỏa thuận, không có dấu hiệu cho thấy tiến triển trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo.
Cuộc gặp Moon - Trump
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In dự kiến gặp ông Trump vào ngày 11/4 tại Nhà Trắng (theo giờ Washington, D.C.) sau khi kỳ họp quốc hội Triều Tiên kết thúc.
Ông Moon có thể sẽ cố gắng thuyết phục ông Trump ký "thỏa thuận đủ tốt" với Triều Tiên, thay vì khăng khăng giữ cách tiếp cận "được ăn cả ngã về không" trong nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo.
"Thỏa thuận đủ tốt" có nghĩa là Washington và Bình Nhưỡng cần tiếp tục ký các thỏa thuận nếu họ cho rằng thỏa thuận trước đó là thỏa đáng.
Hai nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về các biện pháp đối phó với tuyên bố mà Triều Tiên có thể đưa ra tại kỳ họp sắp tới.
Ông Moon và ông Trump gặp nhau tại New York hồi tháng 9/2018. Ảnh: Yonhap. |
Thế bế tắc trong đàm phán Mỹ - Triều đã kìm hãm nỗ lực của ông Moon trong việc khôi phục các dự án kinh tế với Triều Tiên và thiết lập "hòa bình vĩnh viễn" trên bán đảo bị chia cắt, theo Yonhap.
Trong khi đó, những lựa chọn của ông Trump lại bị ảnh hưởng bởi tuyên bố của chính quyền Mỹ về việc duy trì sức ép với Bình Nhưỡng cho tới khi quá trình phi hạt nhân hóa hoàn tất.
"Tổng thống Moon phải đảm bảo Mỹ và Triều Tiên sẽ tiếp tục đối thoại và cam kết hướng tới bình thường hóa quan hệ về lâu dài", Harry Kazianis, giám đốc chương trình nghiên cứu Triều Tiên tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia, nói với Yonhap.
"Nếu ông Moon có thể đảm bảo ông Trump cam kết về một quá trình như vậy, và không bị 'ngáng đường' bởi những quan chức 'diều hâu' như Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, thì ông Moon có thể dàn xếp và định hình trạng thái của việc bình thường hóa (quan hệ) này".
Nếu ông Moon có thể thuyết phục ông Trump chấp nhận một vài nhượng bộ với Triều Tiên, tổng thống Hàn sẽ có thêm thời gian để đàm phán với nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Ông Kim và ông Moon đã gặp nhau 3 lần trong năm 2018 và thống nhất rằng ông Kim sẽ thăm Seoul trong năm. Tuy nhiên, chuyến thăm này đã không thành hiện thực vì đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên "giậm chân tại chỗ".
Cũng có những ý kiến dự đoán rằng có thể nhà lãnh đạo Triều Tiên vẫn sẽ tiếp tục dồn trọng tâm cho phát triển kinh tế, thay vì tăng cường sức mạnh quân sự. Nhận định này xuất phát từ thực tế rằng ông Kim đã đi thăm hàng loạt địa điểm trọng yếu trong kế hoạch kinh tế của đất nước trước thềm kỳ họp quốc hội.
Nhà lãnh đạo đã ghé thăm các công trình xây dựng và nhà máy ở huyện Samjiyon, vốn được tuyên bố là nơi sinh của cha ông, cố lãnh đạo Kim Jong Il. Ông Kim Jong Un từng nhiều lần đến đây trước khi công bố những quyết định quan trọng trong quá khứ.