Dù vấn đề Ukraine phủ bóng hội nghị thượng đỉnh G7 vào hôm 26/6, chủ đề Trung Quốc vẫn được lãnh đạo các nền kinh tế giàu có nhất thế giới chú trọng.
Để cạnh tranh với sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, các lãnh đạo G7 tại cuộc gặp đã vén màn sáng kiến “Đối tác vì Đầu tư và Cơ sở hạ tầng Toàn cầu” (PGII) với mục tiêu huy động khoảng 600 tỷ USD cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở những nước nghèo.
“Chúng ta sẽ tối ưu hóa sức mạnh tổng thể vì chúng ta có trách nhiệm đưa đến động lực đầu tư mạnh mẽ và tích cực cho thế giới”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nói. “Để cho các đối tác của chúng ta trong khu vực đang phát triển thấy được họ có quyền lựa chọn”.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen phát biểu hôm 26/6, ngày đầu hội nghị thượng đỉnh G7 tại Đức. Ảnh: Reuters. |
Mục tiêu 600 tỷ USD đầu tư trong 5 năm
Trong khuôn khổ PGII, Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ đặt mục tiêu đóng góp 200 tỷ USD trong từ nay tới năm 2027, thông qua “trợ cấp, cấp vốn liên bang, và thúc đẩy đầu tư khu vực tư nhân”. 400 tỷ USD còn lại tới từ các thành viên khác của nhóm G7 - gồm Canada, Đức, Anh, Italy, Nhật Bản và EU.
Số tiền trên sẽ giúp các nước đang phát triển đầu tư vào một loạt những dự án cơ sở hạ tầng như dự án năng lượng ít phát thải, chăm sóc trẻ em, công nghệ viễn thông hiện đại, nâng cấp đường cống, triển khai vaccine…
Tại sự kiện hôm 26/6, các nhà lãnh đạo G7 chỉ ra một số dự án hàng đầu trong khuôn khổ PGII, bao gồm dự án phát triển năng lượng mặt trời trị giá 2 tỷ USD tại Angola, nhà máy sản xuất vaccine mRNA 3,3 triệu USD tại Senegal, và tuyến cáp bảo mật dưới biển nối liền châu Âu và Đông Nam Á…
“Tôi muốn nói rõ. Đây không phải là viện trợ hay làm từ thiện. Đây là khoản đầu tư sẽ đem lại lợi ích cho tất cả”, ông Biden nói.
Một quan chức Nhà Trắng cho biết PGII sẽ ưu tiên đầu tư những dự án có thể được hoàn thiện nhanh chóng và hiệu quả, đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt về lao động và môi trường.
Theo giới chức, điều này là sự khác biệt lớn của PGII so với các khoản vay mà họ cho là “bẫy nợ” trong khuôn khổ BRI của Trung Quốc.
“Những gì chúng tôi đang làm có sự khác biệt cơ bản vì chúng được căn cứ trên các giá trị chung của mọi bên đại diện cho các quốc gia và tổ chức đang đứng sau tôi đây”, ông Biden nói. “Chúng được xây dựng bằng các tiêu chuẩn cao nhất toàn cầu: Minh bạch, đối tác, bảo vệ lao động và môi trường”.
Một bữa ăn trưa kết hợp họp của các nhà lãnh đạo G7. Ảnh: Reuters. |
Tuần trước, ông Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, cũng cho biết PGII là “lựa chọn thay thế cho những gì Trung Quốc đang cung cấp”.
Phần lớn số tiền G7 hứa hẹn hôm 26/6 không xuất phát trực tiếp từ ngân sách nhà nước như trong BRI mà là sự kết hợp giữa đầu tư công và tư. Vì thế, số tiền ấy chưa chắc sẽ xuất hiện.
Hiệu quả thực tế cần chờ đợi
Gần 10 năm trước khi PGII được vén màn, Trung Quốc đã khởi xướng BRI. Từ năm 2013 tới nay, Trung Quốc đã đầu tư hàng nghìn tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng tại hơn 100 quốc gia.
Một quan chức chính quyền Mỹ thừa nhận phương Tây đi sau Trung Quốc về lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển.
“Không có nghi ngờ là sáng kiến BRI đã diễn ra được vài năm và đã giải ngân các khoản tiền và đầu tư lớn”, vị quan chức nói, theo AFP. “Nhưng tôi sẽ lập luận rằng điều này chắc chắn là không quá muộn. Và tôi thậm chí còn không chắc là chúng tôi đã muộn”.
Hiệu quả của PGII còn cần phải chờ diễn biến trong tương lai.
Trước đó, G7 hồi năm 2021 cũng từng phát động chương trình tương tự PGII có tên Tái thiết Thế giới Tốt đẹp hơn (BBBW) với cùng mục tiêu là cung cấp lựa chọn thay thế BRI của Trung Quốc. Tuy nhiên, sau một năm, chương trình vẫn chưa có nhiều động tĩnh.
Đoạn đường sắt hợp tác giữa Trung Quốc và Kazakhstan đi qua thành phố Khorgos. Ảnh: Reuters. |
Trên thực tế, sự kiện vén màn PGII hôm 26/6 chỉ là sự tái phát động sáng kiến BBBW dưới cái tên mới, theo Guardian.
Hồi tháng một, EU đã khởi xướng quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng riêng của khối này dành cho các nước đang phát triển với tên gọi Cánh cổng Toàn cầu (GG).
Anh cũng có dự án cơ sở hạ tầng riêng được gọi là Sáng kiến Xanh Sạch. Nhật Bản dự định huy động 65 tỷ USD trong năm 2021-2027 để tăng cường kết nối khu vực.
Phát biểu hôm 26/6, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã ngầm thừa nhận rằng những sáng kiến cơ sở hạ tầng khác nhau nói trên gây ra sự bối rối. Ông cho rằng việc các nước G7 cùng cung cấp dòng tiền “dưới cùng một mái nhà” sẽ mang lại lợi thế.
Nhưng theo Guardian, những tuyên bố tại G7 không có vẻ gì là cho thấy các nước sẽ hợp nhất hoàn toàn dòng đầu tư. Thay vào đó, họ sẽ điều phối sát sao hơn với nhau.