Khi du thuyền Diamond Princess chở 712 bệnh nhân Covid-19 cập cảng Yokohama vào tháng 2, bầu không khí lo lắng bao trùm khắp Nhật Bản.
Tuy nhiên, việc xử lý những ca dương tính với SARS-CoV-2 từ khi đại dịch mới manh nha bùng phát giúp giới chức Nhật Bản thu được nhiều kinh nghiệm trong công tác chống dịch, báo Economist nhận định.
Nhờ đó, Nhật là nước phát triển có thiệt hại vì Covid-19 thấp hơn đáng kể so với các nền kinh tế lớn trên thế giới. Với dân số hơn 126,5 triệu người, Nhật Bản ghi nhận hơn 203.000 ca nhiễm và gần 3.000 trường hợp tử vong tính đến ngày 24/12, theo dữ liệu của Đại học John Hopkins.
Tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tại Nhật hiện xấp xỉ 18 ca trên một triệu dân - mức thấp nhất trong khối G7.
Tàu Diamond Princess chở 712 người mắc Covid-19 cập cảng Yokohama của Nhật Bản vào ngày 13/2. Ảnh: AP. |
Xử lý dịch theo từng cụm
Đáng chú ý, Nhật Bản khống chế dịch thành công mà không cần triển khai phong tỏa toàn quốc hoặc xét nghiệm Covid-19 hàng loạt như nhiều quốc gia khác.
“Ngay từ đầu, chúng tôi không tiếp cận vấn đề theo hướng ngăn chặn sự gia tăng của số ca nhiễm mới”, cố vấn chính phủ Nhật Bản về bệnh truyền nhiễm Oshitani Hitoshi cho biết.
Bác sĩ Oshitani lập luận rằng cách triển khai chống dịch nói trên đòi hỏi chính phủ phải xác định toàn bộ số ca mắc Covid-19. Đây là điều không khả thi, bởi hầu hết bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 ở Nhật Bản đều không có dấu hiệu rõ rệt.
Bác sĩ Oshitani Hitoshi. Ảnh: Bloomberg. |
“Ngay cả khi chúng ta kiểm tra trên phạm vi toàn quốc định kỳ mỗi tuần một lần, nhiều trường hợp dương tính với Covid-19 vẫn sẽ bị bỏ sót”, ông Oshitani nói. Do vậy, Nhật chỉ xét nghiệm trung bình 270 người trên một triệu dân mỗi ngày, tiếp tục là mức thấp nhất trong khối G7.
Chiến lược "3 không"
Giới chức y tế Nhật Bản cố gắng rút ra bài học chống dịch từ kinh nghiệm xử lý vụ du thuyền Diamond Princess. Cụ thể, sau khi nhiều sĩ quan và y tá trên tàu phơi nhiễm SARS-CoV-2, bác sĩ Oshitani và các đồng sự kết luận rằng chủng virus này lây lan qua không khí.
Do đó, kể từ tháng 3, chính phủ Nhật Bản đẩy mạnh tuyên truyền về khẩu hiệu “san-mitsu” theo hướng 3 không: không đến những nơi đông người, không vào những nơi chật hẹp, không tiếp xúc quá gần với người khác.
Khu vực bồn rửa tay lưu động phục vụ người dân sau khi mua sắm ở thủ đô Tokyo. Ảnh: Reuters. |
Chỉ trong thời gian ngắn, khẩu hiệu “san-mitsu” được lan truyền rộng rãi trên khắp các phương tiện truyền thông Nhật Bản. Nhà xuất bản Jiyukokuminsha gần đây cho biết cụm từ nói trên trở thành “từ thông dụng nhất năm 2020”.
Bài học từ tàu Diamond Princess cũng giúp chính phủ Nhật Bản sớm định hình một lực lượng đặc biệt nhằm xử lý dịch theo cụm từ tháng 3, theo Economist.
Việc thu thập dữ liệu từ các cụm dịch ở nhiều địa phương khác nhau giúp giới chức y tế Nhật Bản có cơ sở để đánh giá rủi ro và đưa ra biện pháp ứng phó thích hợp, thay vì lao vào vòng xoáy phong tỏa - mở cửa như các quốc gia phương Tây.
Các nhà khoa học đồng thời ứng dụng công nghệ vào công tác phòng dịch. Siêu máy tính Fugaku nhanh nhất thế giới được triển khai để giả lập và phân tích những diễn biến hiện tại của đại dịch, từ đó đưa ra đánh giá về mức độ an toàn.
Dựa trên kết quả này, ông Nishimura Yasutoshi, người đứng đầu lực lượng phản ứng với Covid-19 của chính phủ Nhật Bản, kết luận rằng khả năng lây bệnh ở một số địa điểm công cộng, như trong tàu điện ngầm, sẽ giảm đi nếu người dân đeo khẩu trang và mở cửa sổ.
Tuy nhiên, ông Nishimura khuyến cáo nên hạn chế tổ chức tiệc trên 4 người, người dân nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần v.v...
Ông Nishimura Yasutoshi, người đứng đầu lực lượng phản ứng với Covid-19 của chính phủ Nhật Bản. Ảnh: Reuters. |
Yếu tố dân số
Sở dĩ Nhật Bản khống chế đại dịch hiệu quả là nhờ công tác tuyên truyền chỉ dẫn của chuyên gia đến với cộng đồng, đồng thời người dân tuân thủ tốt các quy định an toàn nói trên.
“Đôi khi nước Nhật bị chỉ trích vì xã hội của chúng tôi là 'đồng nhất', khi mọi người đều suy nghĩ và hành động như nhau. Nhưng tôi nghĩ yếu tố đó phát huy vai trò tích cực trong quá trình chống dịch Covid-19”, ông Nishimura nói.
Ngoài ra, Nhật Bản vốn là một nước chú ý đến vệ sinh cá nhân. Nên họ càng quyết liệt hơn về vấn đề này trong bối cảnh đại dịch.
Giữa lúc người Mỹ tranh cãi xem quy định đeo khẩu trang có xâm phạm quyền tự do cá nhân hay không, người Nhật đã xếp hàng để chờ mua dòng khẩu trang mới ra mắt.
Người Nhật xếp hàng mua khẩu trang. Ảnh: Reuters. |
Một yếu tố khác giúp Nhật Bản giảm được mức độ thiệt hại của Covid-19 là tình trạng sức khỏe ổn định của đại bộ phận người dân nước này, dù dân số Nhật những năm gần đây đang “già hóa”.
Tình trạng béo phì được cho là một trong những nhân tố khiến bệnh nhân Covid-19 có nguy cơ tử vong cao. Tại Nhật, chỉ 4,2% người trưởng thành bị béo phì. Đây là tỷ lệ thấp nhất so với 34 thành viên còn lại trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), và chỉ bằng 1/10 của Mỹ.
Nhật Bản đồng thời sở hữu hệ thống chăm sóc sức khỏe tiên tiến với trang thiết bị hiện đại và đội ngũ nhân viên y tế chuyên môn cao, đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy lùi dịch bệnh.
Dân số Nhật Bản "già hóa" song khỏe mạnh và đủ sức chống chịu trước làn sóng của đại dịch Covid-19. Ảnh: Getty. |
Tuy nhiên, những lợi thế kể trên vẫn không thể đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Nhật Bản. Vào ngày 21/12, chín hiệp hội, tổ chức y tế Nhật Bản đã tiến hành công bố tình trạng khẩn cấp đối với ngành y tế trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng tại nước này, theo Japan Times. Số ca mắc và tử vong đều tăng lên mỗi ngày. Chính phủ phải điều động nhân viên y tế từ Lực lượng Tự vệ đi hỗ trợ ở những vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Dẫu vậy, với kinh nghiệm và thành tựu chống dịch trong quá khứ, nước Nhật đã giảm thiểu khả năng “vỡ trận” trong cuộc chiến chống lại đại dịch làm đảo lộn cả thế giới trong năm 2020.