Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chiến hạm Mỹ từng được trục vớt bằng dây cáp

Costa Concordia không phải con tàu khổng lồ đầu tiên được trục vớt bằng hệ thống dây cáp. Hơn nửa thế kỷ trước, hải quân Mỹ đã sử dụng phương pháp này để vớt chiến hạm USS Oklahoma ở Trân Châu Cảng.

USS Oklahoma là một trong những chiến hạm của Mỹ chìm khi không quân phát xít Nhật tấn công Trân Châu cảng năm 1941. Do tàu lật úp nên hải quân Mỹ đã quyết định sử dụng hệ thống dây cáp để kéo USS Oklahoma lật ngửa trước khi đưa nó về nơi sửa chữa 2 năm sau đó. Ảnh: Telegraph.

Ở thời điểm bấy giờ, nỗ lực trục vớt USS Oklahoma là công việc vô cùng phức tạp và khó khăn. Do con tàu đắm nằm chắn lối ra vào Trân Châu Cảng nên Mỹ phải tìm mọi cách để trục vớt nó. Ảnh: Telegraph.

Hệ thống máy kéo khổng lồ được cố định vào mặt đất trong khi các dây cáp dài hàng trăm mét truyền lực giúp USS Oklahoma lật ngửa. Người ta phải sử dụng tới 21 hệ thống máy kéo khổng lồ để trục vớt chiến hạm này. Ảnh: Telegraph.

Trước khi quá trình trục vớt diễn ra, các thợ lặn hải quân Mỹ phải luồn sâu vào thân tàu, loại bỏ toàn bộ nhiên liệu và vũ khí mà nó mang theo. Các giá đỡ được hàn vào thân tàu và gia cố các điểm tựa để đảm bảo USS Oklahoma không trượt đi trong quá trình kéo. Các quan chức hải quân Mỹ thời bấy giờ giám sát chặt chẽ nỗ lực trục vớt USS Oklahoma. Ảnh: Telegraph.

Theo tài liệu của phía Mỹ, USS Oklahoma (phải) chìm bởi 9 quả ngư lôi do máy bay Nhật thả xuống nơi nó neo đậu. Con tàu gần như không có cơ hội chống lại đợt tấn công của quân Nhật. Trong ảnh, USS Oklahoma chìm bên cạnh chiến hạm USS Maryland (BB-46). Ảnh: Telegraph.

USS Oklahoma chìm chỉ 20 phút sau khi nó hứng chịu trái ngư lôi đầu tiên. Vụ tấn công khiến con tàu lật úp gần như hoàn toàn. Chỉ một phần mạn phải và chân vịt của nó nổi trên mặt nước. Ảnh: Telegraph.

Vụ tấn công khiến USS Oklahoma hư hại nghiêm trọng. Phần thân, các ụ súng mà toàn bộ máy móc của con tàu đã bị tháo. Ảnh: Telegraph.

Tổng số 429 thành viên thủy thủ đoàn đã chìm cùng USS Oklahoma khi không quân Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng vào năm 1941. Do tàu hư hỏng quá nặng, người ta không thể phục hồi nó. Hải quân Mỹ gỡ bỏ toàn bộ máy móc và vũ khí trước khi bán nó làm phế liệu cho một công ty tháo dỡ năm 1946. Ảnh: Telegraph.

Tuy nhiên, con tàu một lần nữa bị chìm vì gặp bão trên đường kéo tới Vịnh San Francisco năm 1947 và yên nghỉ dưới đáy biển. Ảnh: Telegraph.

USS Oklahoma là chiến hạm thuộc lớp Nevada của Mỹ, có tải trọng choán nước đạt 27.500 tấn. Con tàu có chiều dài 178 m, chiều rộng tối đa 29 m. Con tàu có khả năng di chuyển với vận tốc 20,5  hải lý, tương đương 38 km/h. Ảnh: Telegraph.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm