Khi quan hệ ngoại giao giữa các nước ở vào thời điểm căng thẳng, những sự cố tưởng chừng như rất nhỏ lại có thể bùng phát thành xung đột và đối đầu quân sự quy mô lớn. Bán đảo Triều Tiên, một trong những khu vực nhạy cảm nhất thế giới, từng nhiều lần xảy ra những sự cố rất hy hữu và suýt bùng phát thành chiến tranh.
Một trong những sự cố như thế xảy ra vào năm 1976, liên quan đến một cây bạch dương che khuất tầm nhìn ở Khu phi quân sự (DMZ). Sau trong số những người đã tham gia sự kiện cây bạch dương năm đó nói với BBC rằng đó là công việc làm vườn ấn tượng nhất lịch sử.
Giết người vì cành dương
Một trại trung lập nhỏ được gọi là Khu vực an ninh chung (JSA), nằm trên biên giới Hàn Quốc và Triều Tiên, trong khu DMZ. Khu vực này được tạo ra theo các điều khoản trong Hiệp định đình chiến ký kết năm 1953. Đây cũng là nơi diễn ra các cuộc đàm phán giữa các bên liên quan.
Nhưng năm 1976, lính canh và binh sĩ từ 2 phía có thể đi lang thang trên khắp khu vực JSA. Ông Bill Ferguson mới chỉ 18 tuổi ở thời điểm năm 1976, là thành viên của nhóm hỗ trợ quân đội Mỹ tại JSA, dưới sự chỉ huy của đại úy Arthur Bonifas.
Cây bạch dương ở DMZ đã khiến 2 quân nhân Mỹ thiệt mạng và bán đảo Triều Tiên suýt bùng phát chiến tranh. Ảnh: BBC. |
“Đại úy Bonifas muốn chúng tôi thực thi các điều khoản của Hiệp định đình chiến. Chúng tôi được khuyến khích dùng sự to lớn về thể hình để đe dọa lính Triều Tiên. Vào thời điểm đó, lính Mỹ phục vụ ở JSA phải cao trên 1,8 m, như là một phần của mối đe dọa này”, ông Ferguson nhớ lại.
Cựu binh Ferguson cho biết lính Mỹ không nói chuyện với lính Triều Tiên, nhưng thỉnh thoảng lính Triều Tiên cố gắng nói vài điều gì đó về đất nước họ để đổi lấy thuốc lá Marlboro.
Các quy tắc nghiêm ngặt ở JSA đã giới hạn số lượng lính canh và vũ khí mà các bên có thể mang theo. Tại JSA, hai bên vẫn coi nhau là kẻ thù nên thường xuyên xảy ra những vụ ẩu đả. Trung úy David Zilka khuyến khích các lính canh của Mỹ mang theo gậy khi tuần tra để đập vào tường, cửa sổ doanh trại Triều Tiên và dùng làm vũ khí khi cần thiết.
Mike Bilbo, người bạn cùng trung đội với ông Ferguson, nhớ lại: “Thỉnh thoảng, trung úy Zilka đưa chúng tôi ra ngoài trong các cuộc tuần tra bí mật. Một vài lần chúng tôi bắt được lính Triều Tiên ở khu vực mà họ không được phép và đánh họ một trận, nhưng không quá nặng”.
Ông Bilbo cho rằng những hành động hung hăng từ cả hai phía có thể đã thúc đẩy vụ việc ở cây bạch dương, nhưng không có lý do gì để họ hành động như thế.
Ở thời điểm đó, một nhánh cây bạch dương che khuất tầm nhìn giữa trạm kiểm soát và trạm quan sát. Một nhóm binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc được lệnh cắt tỉa nhánh cây để giải phóng tầm nhìn. Phía Triều Tiên phản đối việc tỉa cành cây và tuyên bố bất kỳ công việc cải tạo cảnh quan nào đều phải được sự đồng ý của hai bên.
Nỗ lực lần hai từ phía Mỹ để cắt tỉa cành cây bị cản trở bởi trời mưa lớn. Ngày 18/8/1976, đại úy Bonifas quyết định thực hiện nỗ lực thứ ba. Một nhóm binh sĩ Triều Tiên xuất hiện yêu cầu dừng công việc.
Đại úy Bonifas phớt lờ cảnh báo của họ, binh sĩ Triều Tiên đã tấn công bằng rìu và gậy khiến đại úy Bonifas và trung úy Mark Barrett tử vong. Còi báo động vang lên khắp DMZ, quân đội hai bên được đặt trong tình trạng báo động cao.
Máy bay B-52 hộ tống cắt cây
Tin tức về vụ tấn công nhanh chóng đến Washington. Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Henry Kissinger đã kêu gọi thực hiện cuộc tấn công vào doanh trại Triều Tiên để đáp trả: “Họ (Triều Tiên) đã giết 2 người Mỹ và nếu chúng ta không làm gì, họ sẽ thực hiện điều đó thêm lần nữa. Chúng ta cần làm gì đó”, Ngoại trưởng Kissinger nói trong một cuộc họp ngắn.
Phần còn lại của cây bạch dương sau khi bị phía Mỹ đốn hạ. Ảnh: BBC. |
Các chính trị gia Mỹ nhận thấy việc đáp trả bằng quân sự ở thời điểm đó có thể làm chiến tranh bùng phát trở lại. Kế hoạch tấn công quân sự mà Ngoại trưởng Kissinger đề xuất không được phê duyệt. Nhưng họ quyết định cắt bỏ cây bạch dương để tránh rắc rối, kèm theo đó là cuộc phô diễn sức mạnh quân sự.
Lầu Năm Góc ra lệnh thực hiện chiến dịch Paul Bunyan, hoạt động cắt cây bạch dương được hộ tống bởi lực lượng quân sự khổng lồ. 7h sáng ngày 23/8/1976, đoàn xe gồm 23 chiếc được chỉ huy bởi trung tá Victor S. Vierra, chở theo 8 kỹ sư quân sự cùng với cưa máy để cắt cây.
Họ tiến vào vị trí cây bạch dương gần cầu Không trở lại mà không thông báo cho phía Triều Tiên. Đi cùng đoàn xe là 2 trung đội an ninh gồm 30 người, được trang bị súng lục và rìu. Một trung đội được lệnh bảo vệ lối vào phía bắc JSA ở cầu Không trở lại, trong khi 2 trung đội khác bảo vệ rìa phía nam.
Một đại đội khác được lệnh đặt mìn trên cầu Tự do, cây cầu nối tuyến đường giữa Bàn Môn Điếm với thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Ngoài ra, pháo 165 mm lắp trên xe chiến đấu M728 cũng được lệnh nhắm vào nhịp giữa của cầu để đảm bảo nó bị đánh sập, nếu chiến tranh bùng phát.
Khoảng hơn 800 binh sĩ được huy động bảo vệ cho 8 kỹ sư cắt cây, lực lượng hỗ trợ vòng ngoài tới 12.000 binh sĩ, máy bay, xe tăng và pháo binh hạng nặng. Ảnh: BBC. |
Ngoài ra, một đội đặc nhiệm Hàn Quốc gồm 64 người trang bị súng trường M16, súng phóng lựu M79 ém quân ở lối vào cầu Không trở lại. 20 trực thăng và 7 trực thăng tấn công bay phía sau họ. Xa hơn, máy bay ném bom chiến lược B-52 cất cánh từ đảo Guam và được hộ tống bởi các tiêm kích F-4.
Máy bay chiến đấu F-5 và F-86 của Hàn Quốc cất cánh từ căn cứ không quân Kunsan bay vòng quanh DMZ. Trên biển, các tiêm kích trên hạm của tàu sân bay USS Midway được lệnh sẵn sàng cất cánh.
Khi nhóm kỹ sư Mỹ tiến đến cây bạch dương và bắt đầu cắt. 150 đến 200 binh sĩ Triều Tiên được trang bị súng trường và súng máy lập tức ập đến. Tình hình có dấu hiệu căng thẳng, trung tá Vierra nhấc liên lạc vô tuyến và thực hiện một cuộc gọi.
Vài phút sau, tiếng động cơ máy bay phản lực, trực thăng gầm rú xuất hiện từ đường chân trời. Lính Triều Tiên lập tức rút lui, đứng nhìn cây bạch dương bị cắt bỏ. Bình Nhưỡng đã không dám mạo hiểm để tránh một cuộc đối đầu quân sự mới.
Phía Hàn Quốc nhân cơ hội đó đã phá bỏ 2 rào chắn và 2 đồn bảo vệ do Triều Tiên lập ra. Vài ngày sau chiến dịch Paul Bunyan, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành đã bày tỏ sự hối tiếc về vụ việc.