Hình ảnh vụ trạm chán giữa chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc và máy bay trinh sát RC-135 của Mỹ vào hôm 21/12. Ảnh: U.S. Indo-Pacific Command. |
Theo quân đội Mỹ, sau khi bị một chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc tiếp cận ở khoảng cách chỉ 3 m trên bầu trời khu vực Biển Đông vào hôm 21/12, máy bay trinh sát RC-135 của không quân Mỹ đã phải thực hiện các thao tác khẩn cấp để tránh một vụ va chạm trên không.
"Chúng tôi hy vọng mọi quốc gia tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sử dụng không phận quốc tế một cách có trách nhiệm và tuân thủ luật pháp quốc tế", thông báo của quân đội Mỹ cho biết.
Theo người phát ngôn của quân đội Mỹ, chiến đấu cơ Trung Quốc đã tiếp cận ở khoảng cách 3 m so với đầu cánh của máy bay trinh sát nước này, nhưng cách 6 m nếu tính từ mũi của máy bay.
Theo một quan chức khác, Mỹ đã phản ánh về vụ việc này đối với đại diện của chính quyền Trung Quốc. Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã từ chối đưa ra bình luận về vụ chạm trán giữa máy bay quân sự của 2 nước.
Trong quá khứ, Trung Quốc từng lên tiếng chỉ trích việc Mỹ điều tàu chiến và máy bay quân sự tới khu vực Biển Đông sẽ gây mất ổn định an ninh trong khu vực.
Trong cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc vào tháng 11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đề nghị 2 nước phải cải thiện khả năng liên lạc trong các tình huống khủng hoảng. Bộ trưởng Austin cũng bày tỏ sự không hài lòng về các "hành động nguy hiểm" của máy bay quân sự của Trung Quốc trong thời gian qua.
Bộ Quốc phòng Australia cho biết vào tháng 5, một máy bay quân sự Trung Quốc đã có hành vi nguy hiểm với máy bay trinh sát của nước này tại khu vực Biển Đông.
Giới chức Australia cáo buộc chiến đấu cơ Trung Quốc đã tiếp cận máy bay trinh sát của nước này ở khoảng cách gần và rải nhiều lá thiếc vào đường bay của phương tiện này. Những lá thiếc này đã bị vướng vào động cơ của chiếc máy bay trinh sát trong biên chế không quân Australia.
Sự bùng nổ của Trung Quốc
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả cuốn sách “Sự bùng nổ của Trung Quốc” do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản tháng 4/2021. Cuốn sách phác thảo bối cảnh diễn ra sự bùng nổ tư bản (vốn) của Trung Quốc và cơ cấu tổ chức xã hội - chính trị những năm 1980 dẫn tới sự bùng nổ này; đồng thời, khám phá những tác động, phạm vi mang tính toàn cầu của sự bùng nổ kinh tế thị trường ở Trung Quốc, từ đó xây dựng một lăng kính giúp chúng ta có thể đánh giá triển vọng phát triển của Trung Quốc một cách toàn diện và đầy đủ hơn.