Máy bay Nga được cho đã cản đường một cách "không an toàn và không chuyên nghiệp" đối với một máy bay do thám Mỹ đang hoạt động trên vùng trời ở Biển Đen. Theo các quan chức Mỹ, có lúc máy bay Nga tiếp cận máy bay Mỹ chỉ với khoảng cách 3 m.
Mỹ tố máy bay Nga "không an toàn và không chuyên nghiệp", còn phía Nga cho rằng Su-27 chỉ hoạt động theo luật pháp quốc tế. Ảnh: Reuters |
Cuộc chạm trán trên kéo dài 19 phút, giữa chiến đấu cơ Sukhoi Su-27 của Nga và máy bay giám sát P-8 của Hải quân Mỹ. Chiếc P-8 đang trong hành trình tuần tra định kỳ trên không phận quốc tế.
"Những hành động thế này có nguy cơ làm leo thang căng thẳng không cần thiết, và có thể dẫn đến tính toán sai lầm hoặc tai nạn", BBC dẫn lời phát ngôn viên Lầu Năm Góc Mỹ Jeff Davis nói.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga thông báo rằng Nga đã cho Su-27 cất cánh để chặn các máy bay Mỹ đang hướng về phía biên giới Nga. Phía Nga còn giải thích rằng các máy bay Mỹ đã tắt tín hiệu định vị và máy bay Nga đã tuân thủ luật lệ quốc tế.
"Sau khi máy bay Nga tiếp cận máy bay Mỹ để phi công nhìn rõ hơn và xem số hiệu trên cánh máy bay, máy bay Mỹ đã bẻ hướng và bay đi", theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga.
Mỹ cho rằng máy bay của mình chỉ đang tuần tra định kỳ trong vùng trời quốc tế. Ảnh: Hải quân Mỹ |
Đây không phải lần đầu tiên đụng độ xảy ra giữa Mỹ và Nga trên vùng biển quốc tế. Hồi tháng 4, Mỹ cũng tố hai máy bay Nga đã "diễn tập tấn công" ngay cạnh một tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Mỹ trên biển Baltic.
Những sự cố thế này là tàn tích của thời Chiến tranh Lạnh. Khi đó, những cuộc chạm trán liên miên của đôi bên đã kéo theo một hiệp ước để tránh va chạm nguy hiểm trên biển được ký năm 1972.
Tháng 7 năm nay, NATO quyết định lần đầu điều binh đến 3 nước vùng Baltic (Estonia, Latvia và Lithuania) cùng Ba Lan, tăng cường tuần tra trên biển và trên không ở khu vực này. Đây được xem là động thái của NATO nhằm trấn an các nước thành viên ở khu vực sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine. Các nước Baltic và Ba Lan vốn trước đây là thành viên Liên bang Xô viết.