Chiếm hạm chủ lực trong Hải quân Mỹ
Với hơn 60 chiếc đang hoạt động, tàu khu trục lớp Arleigh Burke góp phần quan trọng để Hải quân Mỹ hình thành sức mạnh lớn trên biển.
Đầu tháng này, Hải quân Mỹ vừa tiếp nhận thêm một khu trục hạm thuộc lớp Arleigh Burke và đặt tên là USS Michael Murphy (mã hiệu DDG-112) nhằm vinh danh trung úy Michael Murphy thuộc lực lượng đặc nhiệm SEAL.
Tháng 6/2005, trung úy Murphy hy sinh khi đang tham gia một sứ mệnh đặc biệt tại Afghanistan. Đây cũng là người duy nhất nhận được Huân chương danh dự, phần thưởng cao quý nhất của quân đội Mỹ, vì chấp nhận hứng đạn để có thể liên lạc nhờ ứng cứu cho đồng đội. Sự anh dũng của trung úy này còn là lý do để Mỹ đặt tên Michael Murphy cho chiến hạm thứ 62 thuộc lớp Arleigh Burke.
Lễ tiếp nhận chiến hạm USS Michael Murphy. |
Cuối thập niên 1970, Washington đề ra kế hoạch phát triển lớp khu trục hạm Arleigh Burke thay thế các lớp Charles F. Adams và Farragut, theo tài liệu của Hải quân Mỹ.
Đầu những năm 1980, có đến bảy nhà thầu khác nhau muốn tham gia kế hoạch trên. Tuy nhiên, đến năm 1983, chỉ còn ba đối thủ tranh giành chương trình này.
Sau cùng, xưởng đóng tàu Bath Iron Works trúng thầu việc chế tạo chiếc tàu đầu tiên thuộc lớp Arleigh Burke và Công ty Gibbs & Cox được giao đảm trách khâu thiết kế.
Ngày 4/7/1991, Hải quân Mỹ tiếp nhận chiếc đầu tiên thuộc lớp này và đặt tên là USS Arleigh Burke. Theo tờ The New York Times, tổng chi phí cho chế tạo chiếc tàu này lên đến 1,1 tỉ USD và phải tốn thêm 778 triệu USD để trang bị các hệ thống vũ khí.
Từ đó đến nay, hải quân Mỹ tiếp nhận tổng cộng 62 khu trục hạm Arleigh Burke và được đặt số hiệu từ DDG-51 đến DDG-112.
Hiện tại, đây được xem là đội tàu khu trục chủ lực của Mỹ đang hiện diện trên khắp các vùng biển thế giới. Đặc biệt, khu trục hạm lớp Arleigh Burke còn đóng vai trò then chốt trong việc phát triển các lá chắn tên lửa mà Washington đang thiết lập cùng nhiều bên.
Tuy nhiên, suốt quá trình trên, Washington liên tục nâng cấp nên có sự khác biệt nhất định giữa các chiến hạm cùng thuộc lớp này. Arleigh Burke là lớp khu trục hạm đầu tiên được Mỹ trang bị hệ thống tác chiến phòng thủ tên lửa Aegis với các thiết bị dò tìm, định vị hiện đại. Kèm theo đó, lớp chiến hạm này còn được trang bị các hệ thống điều khiển điện tử, liên lạc và kết nối tối tân.
Về trang bị vũ khí, tàu lớp Arleigh Burke có hai hệ thống phóng đứng tên lửa. Hệ thống thứ nhất ở phần trước boong tàu với 32 hộp, hệ thống còn lại gồm 64 hộp nằm phía sau gần khu vực đỗ trực thăng.
Các hệ thống này có thể phóng đi nhiều loại tên lửa khác nhau như: tên lửa hành trình Tomahawk, tên lửa Harpoon chống tàu chiến, tên lửa RIM-66 chống máy bay, hỏa tiễn chống tên lửa, hỏa tiễn chống tàu ngầm… Trong đó, các hỏa tiễn chống tên lửa giúp tàu này sở hữu một lá chắn hữu hiệu khi kết hợp cùng những thiết bị định vị, cảnh báo sớm. Tất nhiên, tàu khu trục Arleigh Burke cũng mang theo ngư lôi. Ở phía trước, tàu này được trang bị một pháo cỡ nòng 127 mm.
Ngoài ra, chiến hạm lớp Arleigh Burke còn mang theo một hoặc hai hệ thống pháo cận chiến Phalanx CIWS và hai pháo vỡ nòng 20 mm. Loại chiến hạm này cũng có thể chở theo trực thăng chiến đấu đa nhiệm Sikorsky SH-60 Seahawk vốn được hải quân Mỹ ưa chuộng.
Với số khí tài hùng hậu trên, tàu khu trục lớp Arleigh Burke đủ sức tác chiến xa bờ để tấn công mọi mục tiêu trên biển, trên không lẫn trên mặt đất.
Tàu khu trục Arleigh Burke nhìn từ trên cao. |
Mũi tàu Arleigh Burke. |
Bãi đỗ trực thăng ở phía sau tàu Arleigh Burke. |
Pháo 127 mm ở boong tàu phía trước. |
Một binh sĩ đang kiểm tra hệ thống pháo cận chiến Phalanx CIWS trên tàu Arleigh Burke. |
Một sĩ quan đứng gần hệ thống 32 hộp đứng phóng tên lửa ở boong trước tàu Arleigh Burke. |
Theo Thanh Niên