Chiến hạm mạnh nhất của Nga tập đánh chặn tên lửa Mỹ
Tuần dương hạm hạt nhân hạng nặng Pyotr Velikiy (Peter Đại đế) của Hải quân Nga đang thực hiện chuyến hành trình tới vùng biển ở Bắc Cực để thực hiện các bài tập mô phỏng một hệ thống phòng thủ tên lửa.
Izvestia trích nguồn tin trong Bộ Quốc Phòng Nga cho biết, kỳ hạm của Hạm đội Biển Bắc đã thực sự trở thành một bộ phận của hệ thống phòng thủ tên lửa (PRO) hải quân của quân đội Nga. Trong chuyến đi tới Bắc Cực, tuần dương hạm hạt nhân Peter Đại đế đã thử nghiệm kiểm tra hệ thống phòng thủ tên lửa, thuộc phân đoạn phòng thủ tên lửa hải quân trong tổng thể hệ thống phòng thủ tên lửa hợp nhất PRO của Lực lượng Phòng thủ Không gian Vũ trụ Nga.
Nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh rằng, chuyến đi Bắc Cực của kỳ hạm Hạm đội Biển Bắc nằm trong khuôn khổ kế hoạch nối lại sự hiện diện thường xuyên của các tàu hải quân Nga tại các khu vực quan trọng chiến lược và tất cả các đại dương trên thế giới.
Peter Đại đế là tàu tuần dương hạm nguyên tử hạng nặng có khả năng công/thủ mạnh nhất trong các tàu chiến của Hải quân Nga hiện nay và trên thế giới. |
Nói về bài tập phòng thủ tên lửa ở Bắc Cực của tàu Peter Đại đế, Bộ Quốc phòng Nga cho biết đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, bởi khu vực này nằm trên quĩ đạo bay của các tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ mặt đất của Mỹ. Cơ sở của hệ thống đánh chặn tên lửa và phòng thủ đường không (PRO-PVO) của tuần dương hạm hạt nhân Peter Đại đế là các hệ thống tên lửa phòng không (SAM) S-300F Fort (48 tên lửa) và S-300FM Fort-M (46 tên lửa) có phạm vi tiêu diệt mục tiêu từ xa 200 km.
Để tiêu diệt các mục tiêu trên không ở cự ly gần, tàu sử dụng 16 bệ phóng tên lửa phòng không 3K95 Kinzhal (SA-N-9 Gauntlet) với cơ số 128 tên lửa và 6 hệ thống tên lửa/pháo phòng thủ CADS-N-1 Kashtan.
Theo chuyên gia kỹ thuật hải quân, đồng thời là biên tập viên ấn phẩm Xuất khẩu Vũ khí Nga Andrey Frolov, tàu tuần dương hạm Peter Đại đế có thể đóng vai trò một bộ phận của hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển của Nga trong khi các tàu chiến hải quân khác không thể làm được một nhiệm vụ như thế.
"Trong số tất cả các tàu chiến ở các hạm đội của Hải quân Nga, tàu Peter Đại đế là thích hợp nhất để đánh chặn được các tên lửa đạn đạo và thực hiện các nhiệm vụ phòng không phức tạp", ông Frolov nói.
Ngoài ra, ông Frolov cũng lưu ý rằng, việc quyết định tạo ra một hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển của hải quân sẽ đặt ra yêu cầu sửa chữa và nâng cấp hai tàu tuần dương cùng lớp khác là Đô đốc Nakhimov và Đô đốc Lazarev.
Với sự trở lại của các tàu tuần dương nguyên tử đa năng trong hệ thống đánh chặn tên lửa và phòng thủ đường không, khả năng chiến đấu của Hải quân Nga sẽ được tăng cường đáng kể. Tuy nhiên, nếu như các quan chức Chính phủ và Bộ Quốc phòng Nga muốn xây dựng một bộ phận hải quân hiện đại để tạo ra một hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân trên biển, họ nên đóng các tàu chiến mới, và ứng cử viên phù hợp nhất cho nhiệm vụ này là một lớp tàu khu trục mà hiện tại đang được phát triển.
Tuần dương hạm hạt nhân Peter Đại đế được đóng trong dự án 1144 Orlan do Văn phòng thiết kế phương Bắc phát triển. Tàu gia nhập Hải quân Nga vào năm 1998. Với tải trọng 25.860 tấn, Peter Đại đế được so sánh với kích cỡ của một tàu sân bay. Thủy thủ đoàn trên tàu tới 635 người, tốc độ di chuyển 32 hải lý (60 km/h).
Vũ khí của tàu bao gồm 20 tên lửa chống hạm siêu âm P-700 Granit có tầm bắn xa 625 km, các ụ pháo tự động 130 mm AK-130, tên lửa chống ngầm RPK-6M Vodopad, hai trực thăng săn ngầm Ka-27. Radar Fregat-MAE có thể phát hiện mục tiêu của đối phương ở cự ly cao đến 30 km và phạm vi xa hơn 300 km.
Theo Kiến Thức