'Gián điệp búp bê' bán rẻ chiến hạm Mỹ (kỳ cuối)
Việc bắt giữ Velvalee Dickinson trở thành tin trang nhất của hàng loạt các tờ báo ở New York thời điểm đó. Mọi hành động, lời khai của người phụ nữ tưởng chừng bình dị ấy đều là tâm điểm dư luận trong một thời gian dài.
Mặc dù tất cả bằng chứng thu thập được đều chống lại Dickinson, chính phủ Liên bang cho rằng vẫn chưa đủ căn cứ để kết tội danh “gián điệp” cho bà. Vấn đề nằm ở chỗ không có bộ giải mã nào có thể xác định chắc chắn tuyệt đối ý nghĩa của những mật mã trong các bức thư thất lạc.
Người phụ nữ làm gián điệp cho Phát xít nhật dưới thân phận chủ cửa hàng búp bê cổ. |
Thay vì bị kết án tử hình dưới tội danh “gián điệp”, ngày 11/2/1944 Velvalee Dickinson bị tòa tuyên phạt 10 năm tù và 10.000 USD vì hành vi vi phạm các quy chế kiểm duyệt nhà nước vì làm rò rỉ các thông tin quốc gia ra ngoài. Tuy nhiên, bà Dickinson cương quyết không nhận tội. Các nhân viên điều tra một mặt tìm hiểu, thu thập thêm chứng cứ vụ án, một mặt tạm giam, gây áp lực tâm lý để Velvalee Dickinson tự thú.
Nhưng thật không dễ dàng để có một hồ sơ vụ án mạch lạc từ người phụ nữ này. Không như mong đợi của FBI, kể từ khi bị bắt giữ, Velvalee Dickinson rơi vào tình trạng khủng hoảng, đau khổ, dằn vặt và thường xuyên lẩn tránh những câu hỏi của FBI.
Khi được hỏi về số tiền khổng lồ ký gửi ngân hàng, bà Dickinson khẳng định đó là tiền nhận được từ các công ty bảo hiểm và do bà dành dụm được từ việc kinh doanh cửa hàng búp bê. Nhân viên điều tra không mất quá nhiều thời gian để khẳng định bà đang nói dối. Chẳng có công ty bảo hiểm nào đền bù gia đình bà, và cũng không thể có những khoản tiền dành dụm lớn đến thế khi trước đó bà còn vay nợ chồng chất.
Đến khi nhân viên FBI đưa ra đủ các chứng cứ khẳng định những khoản tiền trong hòm ký gửi ngân hàng của bà có nguồn gốc từ người Nhật thì bà đổ vấy mọi tội lỗi lên đầu người chồng mới qua đời không lâu trước đó. Bà khai nhận tìm thấy số tiền lạ này trên giường của chồng ngay tại thời điểm ông vừa qua đời. Ông Lee chưa bao giờ tiết lộ cho bà về nguồn gốc những khoản tiền trên. Nhưng bà biết trong thời gian qua dù đau ốm chồng bà vẫn duy trì hoạt động gián điệp cho chính phủ Nhật. Số tiền 25.000 USD là khoản tiền bất chính mà Lãnh sự Nhật Bản tại New York trả công cho ông.
Trong khi đó, từ các chứng cứ khai thác thêm, ngày 5/5/1944, Dickinson bị truy tố thêm những tội danh mới là “hoạt động gián điệp” và “vi phạm các quy định về kiểm duyệt”. Một lần nữa người phụ nữ ngoại tuần phủ nhận mọi cáo buộc và tự đóng 25.000 USD tiền bảo lãnh.
Tuy nhiên, đến 28/7/1944, một thỏa thuận mới được đưa ra dường như có lợi cho cả đôi bên. Tòa án đồng ý xóa bỏ tội danh “gián điệp” với điều kiện bà nhận tội vi phạm luật kiểm duyệt và cam kết khai ra những gì bà biết trong hoạt động tình báo Nhật. Bà Dickinson đồng ý với thỏa thuận này.
Của hàng búp bê của bà Dickinson. |
Dickinson thừa nhận chính bà là người soạn thảo và gửi đi 5 lá thư gửi cho một cá nhân ở Argentina. Những thông tin về hải quân Mỹ bà đề cập ngầm trong thư đều do bà thu thập từ những người dân sống quanh nhà máy đóng tàu Bremerton của hải quân ở Seattle và nhà máy đóng tàu Mare Island ở San Francisco. Thậm chí bà Dickinson còn trực tiếp đến và quan sát động thái của hải quân Mỹ để bán thông tin cho Nhật. Tất cả 5 lá thư đều ám chỉ các tàu sân bay và tàu chiến bị hư hỏng sau trận Trân Châu Cảng, và tên của các con búp bê đề cập đến trong 5 lá thư ngụ ý nói đến những loại tàu này.
Theo bà Dickinson, những mật mã trong thư là do sĩ quan hải quân Nhật Bản Ichiro Yokoyama quy ước và hướng dẫn. Cũng chính người này trực tiếp mang khoản tiền 25.000 USD giao cho chồng bà tại cửa hàng kinh doanh búp bê trên đại lộ Madison để trả công cho việc cung cấp thông tin. Đến phút cuối bà vẫn khẳng định tìm thấy số tiền đó được cất dấu dưới giường của chồng vào ngày ông mất. Tuy nhiên, thông tin này không thuyết phục được nhân viên điều tra vì thời gian đó tình hình sức khỏe của ông Lee rất yếu, khó có thể tham gia bất cứ hoạt động gián điệp nào cho Nhật.
Trên thực tế, việc Dickinson gia nhập và tham gia hoạt động gián điệp của người Nhật như thế nào vẫn là một bí mật. Cũng chưa có lời giải thích thỏa đáng lý do tình báo Nhật trao một số tiền lớn cho một gián điệp "non tay" như vậy. Được biết, trước chiến tranh thế giới thứ II nổ ra, mọi hoạt động thu thập thông tin của tình báo đều dựa vào các đại sứ quán và lãnh sự quán tại các nước. Khi chiến tranh nổ ra, nguồn tin từ đại sứ quán tại Mỹ không còn, chúng quay sang tận dụng một nữ doanh nhân người Mỹ yêu văn hóa Nhật để mua những thông tin về hải quân Mỹ.
Việc Dickinson bán rẻ thông tin quốc gia cho Nhật có lẽ là vì những khoản lợi trước mắt giúp bà giải quyết nợ nần và có thể tiếp tục phát triển kinh doanh. Bên cạnh đó, chính tình yêu văn hóa Nhật Bản và con người Xứ sở Hoa anh đào góp phần đưa Dickinson dấn sâu vào con đường tội lỗi.
Ngày 14/8/1944, tòa tuyên án Velvalee Dickinson, 53 tuổi tội danh vi phạm các quy định kiểm duyệt trong thời gian chiến tranh và chịu hình phạt tối đa 10 năm tù giam và 10.000 USD tiền phạt hành chính. Bà được đưa tới cải tạo ở trại phục hồi nhân phẩm liên bang dành cho nữ phạm nhân ở thị trấn Alderson, bang Virginia. 7 năm sau, bà được tạm tha nhưng vẫn phải chịu sự giám sát của tòa án liên bang . Sau 7 năm tù giam và 3 năm quản chế, người phụ nữ mang danh “gián điệp búp bê” lặng lẽ ẩn mình, biến mất khỏi tầm nhìn của dư luận.
Hết!
Hồng Minh
Theo Infonet