Sát thủ 11 tuổi và những án mạng thương tâm (kỳ cuối)
Trong suốt phiên xử, Mary chẳng hề run sợ hay hối hận nhưng đến phút cuối khi tòa tuyên án chung thân, cô bé bật khóc: “Cháu nghĩ giết Brian thì sẽ không ai biết vì Brian không có mẹ. Cháu cũng không có mẹ”
Phiên tòa định mệnh
Ngày 5/12/1968, Mary Bell và Norma Bell lần đầu tiên bị giải tới phiên tòa xét xử tại Moot-hall, Newcastle. Phiên tòa kéo dài 9 ngày thu hút được sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông và toàn bộ người dân nước Anh. Có lẽ trong cuộc đời cầm cân nảy mực của mình, quan tòa không thể nào quên phiên tòa đặc biệt với cả hai bị cáo buộc tội giết người đều là những bé gái xinh xắn chưa tới tuổi vị thành niên.
Công tố viên Rudolph Lyons mở màn phiên tòa bằng những chứng cứ khẳng định thủ phạm giết Martin Brown 4 tuổi và Brian Howe 3 tuổi là một. Mặc dù có những chứng cứ cáo buộc Norma có liên quan tới cái chết của cả hai nạn nhân, nhưng cán cân tội ác dường như nghiêng hẳn về phía Mary Bell 11 tuổi.
Sự xuất hiện của mẹ Mary, bà Betty Bell chỉ làm phiên tòa thêm rối loạn. |
Sự hiện diện của gia đình Mary tại phiên tòa không giúp được gì cho tình thế của cô. Mẹ của Mary, bà Betty Bell, liên tục làm gián đoạn phiên tòa với những lời than thóc, thổn thức. Chốc chốc, bà lại nức nở chạy ra ngoài, mái tóc giả màu vàng trượt lên trượt xuống khỏi đầu. Trong khi đó, cha cô bé, Billy Bell chỉ ngồi lặng im nghe xét xử mà không mấy quan tâm tới những hành động bốc đồng của vợ.
Trái với Mary, Norma Bell được cả gia đình bên cạnh, cảm thông và chia sẻ. Họ luôn an ủi, động viên cô con gái nhỏ. Trong suốt phiên tòa, Norma luôn hướng mắt về phía gia đình như để tiếp thêm sức mạnh. Cô bé phản ứng với những chứng cứ và lời khai có cả những giọt nước mắt và nỗi sợ hãi của một đứa trẻ.
Trong khi đó, Mary thì không hề khóc hay có bất cứ một dấu hiệu sợ hãi nào. Theo những người tham gia phiên tòa, cô bé 11 tuổi xuất hiện với thái độ hoàn toàn bĩnh tĩnh và có những câu trả lời sắc sảo như người lớn. Chuyên gia tâm lý Gita Sereny, người theo dõi phiên tòa trong suốt 9 ngày miêu tả Mary là một cô bé xinh xắn và tinh ranh. Cô bé có mái tóc đen và đôi mắt xanh sâu thẳm. Trong đôi mắt ấy dường như chất chứa bao hờn căm, giận dữ dưới vỏ bọc trống rỗng, vô hồn.
Điều được tranh cãi nhiều hơn cả là Mary Bell có vướng phải những vấn đề gì về tâm lý không? Cô bé là một đứa trẻ hư, một hạt giống xấu của nước Anh hay chỉ là nạn nhân của một gia đình không tình yêu và tuổi thơ sóng gió?
Được xem là một con nhóc “quỷ quyệt” và “ma lanh” nhưng thực chất Mary Bell không hề biết cách tranh thủ tìm kiếm sự cảm thông từ người khác. Nếu như cô bé mở lòng mình ra khỏi lớp vỏ bọc sắt đá để chia sẻ về gia đình và tuổi thơ bất hạnh có lẽ sẽ tìm được sự đồng cảm nhiều hơn. Mary từng khờ khạo kể với một viên cảnh sát: “Có 1 phụ nữ trên kia mỉm cười với cháu nhưng cháu không cười lại. Đây không phải chỗ để cười. Quan tòa sẽ không thích cháu cười đúng không cô?”
Đêm trước khi đối chứng trước tòa, Mary hỏi nữ cai ngục về ý nghĩa của từ “chưa trưởng thành”. Cô bé nói: “Luật sư nói Norma chưa trưởng thành. Điều đó có nghĩa rằng nếu cháu thông minh hơn, cháu phải chịu hết tội đúng không?”
Trong phiên tòa đối chứng, Mary và Norma liên tục đưa ra những lời cáo buộc lẫn nhau. Nhưng dường như vẫn một sự kết nối bí mật nào đó giữa chúng. Hai đứa trẻ liên tục quay sang nhìn nhau, ánh mắt đầy biểu cảm và có phần dò xét. Có vẻ như chúng vừa đối đầu, lại vừa tìm cách bảo vệ lẫn nhau. Nhưng, có những lúc, chúng tỏ ra thất vọng và tức giận khi bị người kia cáo buộc thái quá. Trong khi Mary cố thể hiện sự sắt đá thì Norma lại chiếm được lòng tin và sự cảm thông của mọi người bằng thái độ chân thật, non nớt. Cô bé bật khóc và liên tục lắc đầu nói: “Không, không” khi bị Mary đổ tội giết Brian. Norma trở thành một nhân chứng quan trọng chống lại những hành vi phạm tội nghiêm trọng của Mary Bell.
Cái kết có hậu
Cuối cùng thì 9 ngày xét xử cũng khép lại, bản án đã được tuyên. Norma Bell, 13 tuổi được tuyên bố vô tội nhưng sẽ bị gia đình quản chế trong vòng 3 năm. Để giảm nhẹ tội cho Mary Bell, tòa tuyên án cô bé “ngộ sát” hai đứa Martin và Brian.
Hình ảnh Mary Bell sau khi được tại ngoại. |
“Điều gì tồi tệ nhất có thể xảy ra với cháu. Họ sẽ treo cổ cháu lên à?”, Mary từng hỏi nữ quản ngục với thái độ rất nghiêm trọng. Trong suốt phiên tòa, Mary chưa hề run sợ hay hối hận nhưng đến phút cuối khi tòa tuyên án chung thân, cô bé bật khóc. Đây mới thực là giọt nước mắt của một đứa trẻ 11 với lời thú tội ngô nghê: “Cháu nghĩ giết Brian thì sẽ không ai biết vì Brian không có mẹ. Cháu cũng không có mẹ”. Phiên tòa lặng đi, mọi người quái nhìn phản ứng của mẹ Mary nhưng bà ta đã ra ngoài từ lúc nào.
Nơi giam giữ Mary Bell là một trường “cải tạo nhân cách” dành cho trẻ vị thành niên Red Bank. Trong thời gian này, bà Betty vẫn thường xuyên thăm nuôi cô bé. Mary rất háo hức chờ có người tới thăm, nhưng sau mỗi lần gặp mẹ, cô bé lại bị hoảng loạn và có những dấu hiệu tâm lý bất thường.
Thực chất mẹ Mary đến thăm cô bé để lấy những câu chuyện về tội ác của đứa con gái bé bỏng bán cho các tờ báo lá cải kiếm lợi. Mỗi lần đến là một lần bà Betty làm loạn cả buồng thăm nuôi với những lời than vãn, kể tội Mary.
Ngày 14/5/1980, lệnh ân xá tới tay Mary Bell. “Sát thủ nhí” ngày nào được tự do ở tuổi 23. Bốn năm sau, Mary Bell lần đầu làm mẹ, cô mới thực sự thấm thía nỗi đau mà mình từng gây ra cho người thân của nạn nhân.
Để đảm bảo cho Mary có một cuộc sống yên ổn, tránh được những búa rìu dư luận về tội ác trong quá khứ, năm 2003, Tòa án tối cao cấp quyết định cấp cho mẹ con cô nhân thân mới. Danh tính, nơi ở của Mary được giữ bí mật tuyệt đối. Cô bé Mary Bell máu lạnh ngày nào đã "chết". Đây có lẽ là cái kết có hậu đúng như nguyện vọng của cô sau này: “Tất cả những gì tôi mong muốn là một cuộc sống bình thường”.
Hết!
Hồng Minh
Theo Infonet.vn