Bức ảnh đoạt giải có tựa đề "Chiếc ôm đầu tiên", ghi lại cảnh tượng bà Rosa Luiza Lunardi, 85 tuổi, đang ôm một nữ y tá sau khi bà bị cách ly 5 tháng trong viện dưỡng lão ở Sao Paulo. Ngăn cách giữa hai người là tấm ngăn bằng vải nhựa nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm.
Được chụp vào tháng 8/2020, bức ảnh xuất hiện lần đầu tiên trên nhật báo Politiken của Đan Mạch - nơi nhiếp ảnh gia Nissen làm việc.
Bức ảnh "Chiếc ôm đầu tiên". Ảnh: Mads Nissen. |
"Hình ảnh mang tính biểu tượng về Covid-19 này đánh dấu khoảnh khắc phi thường nhất trong cuộc đời chúng ta, ở mọi nơi", thành viên ban giám khảo Giải Ảnh Báo chí Thế giới (World Press Photo Award) Kevin WY Lee nói.
Cũng theo lời ông, bức ảnh cho thấy sự tổn thương, mất mát và chia cắt, nhưng nếu "nhìn vào bức ảnh đủ lâu, bạn sẽ thấy đôi cánh, biểu tượng của bay bổng và hy vọng".
Ngoài đoạt giả hạng mục chính của cuộc thi, "Chiếc ôm đầu tiên" còn thắng giải ở hạng mục Ảnh đơn Tin tổng hợp.
“Với tôi, đó là câu chuyện về tình yêu và hy vọng ở những thời khắc khó khăn nhất”, tác giả Nissen nói.
Đây là giải Ảnh Báo chí Thế giới thứ hai của nhiếp ảnh gia này. Ông từng giành giải thưởng năm 2015 với bức ảnh chụp cặp đồng tính nam ở Nga đang tình tứ.
Ở hạng mục, Câu chuyện Ảnh Báo chí Thế giới của năm, nhiếp ảnh gia Italy chuyên về lĩnh vực ảnh tài liệu Antonio Faccilongo đoạt giải cho bộ ảnh về những câu chuyện tình yêu lấy bối cảnh cuộc xung đột kéo dài giữa Israel và Palestine. Hạng mục này bắt đầu được đưa ra vào năm 2019.
Những bức ảnh của tác giả Faccilongo cho thấy “một mặt khác của cuộc chiến dai dẳng”, thành viên ban giám khảo Ahmed Najm nói.
Trong khi đó, trong tuyên bố của mình, nhiếp ảnh gia Faccilongo khẳng định ông có mong muốn tác phẩm của mình sẽ là cầu nối văn hóa để đưa mọi người xích lại gần nhau.