Tôi hay tin ở Nam Định có tới 200 đội kèn tây. Trong đó có hàng chục đội kèn nữ, mà họ chỉ là những nông dân chân lấm tay bùn, và thường xuyên đi biểu diễn. Hơn nữa hàng năm, thành phố Nam Định còn tổ chức cuộc thi cho các đội kèn ở các làng xã về dự, với nhiều bản nhạc truyền thống.
Thậm chí có chương trình biểu diễn tập thể hàng ngàn nghệ sĩ kèn với hàng chục loại kèn đồng khác nhau, tạo nên một khí thế hoành tráng, có một không hai trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Những hình ảnh đó thu hút tôi. Một hành trình được sắp đặt. Đến với làng kèn. Thế là tôi lên đường. Trong một ngày gió và mưa tầm tã…
Chiếc kèn khổng lồ kỷ lục thế giới
Nơi đầu tiên tôi đến là xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường. Đây là nơi có 5 đội kèn của giáo xứ gồm 500 tay kèn hùng mạnh và chơi được khoảng 30 bài phổ biến nhất và chuyên đi phục vụ lễ hội quanh vùng.
Nhưng có lẽ điều làm tôi ngạc nhiên nhất là xã Xuân Tiến có hai cha con nghệ nhân làm một chiếc đàn “khủng”, ròng rã suốt bốn tháng liền mới hoàn thành. Cho dù đã được nói chuyện từ trước, nhưng tôi khó có thể tưởng tượng nếu không được nghệ nhân Đinh Văn Mạnh dẫn đến cho xem tác phẩm để đời của mình.
Chiếc kèn kỷ lục của nghệ nhân Đinh Văn Mạnh. |
Đó là một cây kèn dài tới 5,5m, đường kính miệng loa đo được 1,25m, nặng đúng 300 kg. Một chuyên gia người Pháp khi sang du lịch và tham quan quê hương của vùng công giáo này đã khẳng định, đất Nam Định có hai kỷ lục thế giới; đó là nơi có những đội kèn đông nhất thế giới vì lên tới 1000 người, và có chiếc kèn đồng lớn đạt kỷ lục Guinness lớn nhất thế giới.
Tuy chiếc kèn khổng lồ của xã chỉ mới được xác định kỷ lục của Việt Nam, nhưng xem ra trên thế giới chưa nơi nào có chiếc kèn khổng lồ đến vậy. Điều đặc biệt hơn đó là chất lượng âm thanh, chuẩn và vang xa tới hàng cây số, tạo sóng như tiếng sấm vọng.
Nghệ nhân Đinh Văn Mạnh kể, khi được giám mục bên tòa giám mục Bùi Chu đặt làm, ông đã phải thức trắng nhiều đêm để tính toán với độ chính xác từng mi li met cho mỗi chi tiết. Bởi đây là chiếc kèn được phóng đại lên gấp 100 lần một chiếc kèn Trompet bình thường.
Người con rể của ông là Ngô Thanh Hòa cùng với chục người thợ khác phụ cho ông làm suốt bốn tháng liên tục, với nhiều công đoạn cam go và nặng nhọc nhất. Nhưng có lẽ khâu đúc và gò những ống hơi, tạo nên 7 nốt nhạc với các thăng giáng khác nhau vẫn là thử thách lớn nhất đối với lão nghệ nhân có gần nửa thế kỷ làm kèn này.
Ông đã làm hàng trăm kèn cho hàng chục giáo xứ quanh vùng, nhưng đây là một yêu cầu bất thường, không những lớn mà còn đòi hỏi chất lượng vang xa, âm thanh phải ấm ngọt và đúng nốt nhạc.
Lão nghệ nhân bồi hồi nhớ lại để thành công chiếc kèn đầu tiên có âm thanh chính xác, ông đã phải trải nghiệm qua nhiều thất bại. Phải mất tới ba năm trời mới hoàn thành chiếc kèn với chất lượng không thua kém kèn nhập ngoại từ các nước châu Âu.
Đó là câu chuyện vào năm 1965 và ông không ngờ, khi tiếng kèn vang lên như một niềm tự hào của tuổi trẻ, thì ngay lập tức chiếc kèn bị “giam giữ”. Đây là một sự kiện của thời kỳ đó, vì đồng là nguyên liệu bị cấm tư nhân thu mua, và đó là một hành động phi pháp.
Chính quyền cơ sở ngày đó đã “bỏ tù” chiếc kèn đồng đầu tiên của nước ta, do chính tay thợ kèn Đinh Văn Mạnh làm ra. Mãi ba năm sau, chiếc kèn mới được trả lại, vì làng cơ khí nơi đây đã được phát triển và hình thành một làng nghề vào loại sớm nhất nước ta. Từ đó chàng trai trẻ Đinh Văn Mạnh nổi lên như một sự kiện có một không hai của giáo xứ Xuân Trường.
Nhưng, với chiếc kèn khổng lồ này thì không thể chỉ là một thử nghiệm, và càng không thể thất bại, với một đầu tư lớn hàng trăm triệu. Nhưng điều quan trọng hơn đó là danh dự của làng nghề Xuân Tiến.
Đồng thời đây là một chiếc kèn, mà lão nghệ nhân có thể coi là đỉnh điểm của tay nghề sau bốn mươi năm tích lũy và là một phần thưởng xứng đáng có một không hai. Vậy đó chiếc kèn “khủng” đã được đóng mác “Mạnh-Trompet”, hiện đang được bày tại nhà thờ Bùi Chu.
Sau đó ông Mạnh còn dẫn tôi ra xưởng cơ khí Mạnh Hòa, nơi đã thi công chiếc kèn Trompet kỷ lục. Tiếp tôi chính là anh Hòa, con rể ông Mạnh và là người mới hoàn thành chiếc kèn cao 1,8m. Đó là chiếc kèn He lơ Công, mà anh sẽ thổi trong dàn kèn của giáo xứ.
Loay hoay một lúc anh đeo chiếc kèn lên vai rồi thổi lên những tiếng ấm mượt như nhung vậy. Một bản nhạc đột nhiên rất quen thuộc mà tôi ngỡ như đang được nghe âm thanh phát ra từ trái tim người trai làng Xuân Tiến trong bài “Lá xanh”. Lúc này ông Mạnh cũng cầm chiếc Trompet lên bấm những giai điệu nhạc hết sức sôi nổi.
Tôi nhẩm hát theo lời ca mà mình cùng đã từng một thuở say mê: “Lá còn xanh như bao anh còn trẻ. Lá trên cành như anh trong đoàn quân. Lá trên cây cành lá rung đầy mầu xanh…”.
Đội kèn tóc dài
Xã Hải Bắc huyện Hải Hậu nổi tiếng có đội kèn nữ độc đáo với 46 cô gái xinh đẹp. Họ là những nông dân thực thụ, hoặc là những cô gái còn trẻ rất say mê tập luyện và thường xuyên đi phục vụ. Dàn kèn tóc dài này có khả năng biểu diễn với nhiều nhạc cụ khác nhau với nhiều chương trình cho mọi yêu cầu.
Đặc biệt có cô còn chơi được cả những kèn lớn mà chỉ để dành cho những chàng trai. Nào là Trombon, Saxophon, Oboe, hay kể cả He lơ Công…
Các chương trình của đội kèn nữ Hải Bắc đã gây chấn động nhiều nơi, vì tính chuyên nghiệp mỗi khi phục vụ. Nhiều bài hát quen thuộc mà họ phải tập luyện hàng tháng trời để thể hiện được cái hồn cốt của tác phẩm.
Đó là những bài ca cách mạng đặc sắc nhất như: “Chào bình minh thế kỷ”, “Lên đàng”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, “Mười chín tháng Tám”…; kể cả những bài hát trữ tình như “Thiên Thai”, “Xuân chiến khu”, “Làng tôi”, “Sơn nữ ca”…Thậm chí đây là đội kèn tóc dài còn có khả năng sáng tác và biểu diễn ngẫu hứng với những bản nhạc nước ngoài mỗi khi người nghe yêu cầu.
Họ là những nghệ sĩ chân đất với đúng nghĩa của nó. Vì sáng hay chiều còn đang cấy hái, nhổ cỏ, bón phân; thì tối đến là những buổi tập say sưa với những bản nhạc mới với giai điệu làm mê hoặc lòng người. Mỗi tháng họ thường tập 10 buổi nên tiếng kèn của từng người đều trở nên điêu luyện.
Huấn luyện viên Nguyễn Ngọc Cẩn, người đã có công gây dựng đội kèn giáo họ Giáp Nội này trong hai năm phấn đấu cho biết, đội kèn tóc dài ở đây có thể đọ sức với bất kể đội kèn nào ở trong tỉnh, bởi đã trở thành những nhạc công tài hoa với tiếng kèn du dương có sức thu hút kỳ lạ.
Xưởng kèn ở làng Phạm Pháo. |
Những bài ca đã thấm vào trái tim những người nông dân đầu tắt mặt tối lúc nào không hay nữa. Họ thổi kèn vì tình yêu làng quê, vì tình cảm thiêng liêng với niềm tin trong cõi tâm linh sâu thẳm, nên âm thanh được hòa quện và gây xúc động lòng người.
Rời tay liềm tay hái, rời quang gánh bờ ruộng, họ hóa thành những nghệ sĩ làng quê và đi đến tận cùng sự ngọt ngào của âm thanh của tình yêu gia đình và quê hương. Đó là sự đam mê của những cây kèn nổi bật như các cô Oanh, chị Hương, chị Thành, bên cạnh đó là những gương mặt tài năng với những cái tên Hoàng, Tân…
Riêng đội trưởng Nguyễn Thị Lợi lại có niềm tự hào vì đội kèn của mình đã trở thành người con tinh thần không thể thiếu của các giáo họ quanh vùng, chứ không chỉ riêng xã Hải Bắc. Họ thường có mặt ở các hội nghị tổng kết, liên hoan hội diễn, hay kể cả các buổi cổ động thể thao.
Không những phục vụ đám cưới mà đội kèn tóc dài còn phục vụ tang lễ miễn phí. Họ chơi điêu luyện với tất cả chương trình phụ thuộc vào đối tượng khán giả. Đặc biệt, trong nhiều hội diễn đội kèn tóc dài Bắc Hải thường được chọn đi dự thi, và bao giờ cũng đoạt giải cao.
Có lần đã từng đoạt giải nhì trong cuộc thi kèn toàn tỉnh, nhân kỷ niệm 750 năm Thiên Trường-Nam Định; và đã vượt qua hàng trăm đội kèn khác, trong đó có nhiều đội kèn nam nổi tiếng đã biểu diễn hàng chục năm qua.
Vang vọng với thời gian
Nơi dừng chân cuối cùng của tôi tại làng Báo Đáp, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tại gia đình thày giáo Nguyễn Văn Điềm, người đã dạy khoảng một trăm lớp học thổi kèn, ở nhiều làng quanh vùng. Khi tôi nói đến đội kèn nữ ở Hải Bắc, thì bà Quý vợ nhạc sĩ Điềm khoe Báo Đáp chúng tôi cũng có đội kèn nữ.
Rồi bà còn thông tin cho tôi, rằng “giáo sư” Điềm nhà bà đã từng nhịn đói nhịn khát chỉ vì mải mê luyện từng nốt nhạc cho các cô, các cháu. Còn dân làng Báo Đáp thì nhiều nhà đã từng bán ruộng vườn để sắm kèn cho con tập. Bà Hoan trong làng đã đầu tư 40 triệu để mua kèn và đàn cho con học.
Đến nay con trai bà đã trở thành giáo viên dạy nhạc tại trường làng. Có người còn kể về đội kèn Hợp Nhất, bên giáo xứ Phạm Pháo nhiều người chơi kèn đến nỗi, khi 500 cây kèn đồng loạt vang lên, đã làm cả đàn cá ở hồ gần đó đều quẫy vọt lên bờ vì sợ hãi. Chuyện đó là sự thật khi đội kèn mới được thành lập đã được coi là ngày trẩy hội trong niềm vui náo nức của bà con dân làng.
Đúng lúc này đội kèn nữ trong làng đang tập bất ngờ thổi vang bài ca “Chiến thắng Điện Biên”. Đây là tiết mục tham gia nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Những âm thành rộn ràng vang lên khắp thôn xóm của làng Báo Đáp.
Những con diều bay lên trong làn gió biển tháng 5, lồng lộng và tràn đầy niềm vui; nỗi khát khao của tuổi trẻ cũng đang bay cao với tiếng kèn Trompet vang lên chói chang