Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chiếc BlackBerry của Tổng thống Obama bảo mật ra sao?

Ngoài việc được cài một phần mềm mã hóa thông tin hoàn thiện nhất thế giới, chiếc BlackBerry của ông Obama còn sử dụng riêng một trạm thu phát sóng để tránh bị theo dõi.

Khoảng đầu tháng 1/2009, khi ông Obama nhậm chức Tổng thống Mỹ, giới truyền thông nước này dành sự quan tâm đặc biệt đến việc ông sẽ phải từ bỏ chiếc BlackBerry vì những vấn đề liên quan đến bảo mật.

Người tiền nhiệm của ông - George W.Bush - cũng từng sử dụng một chiếc BlackBerry trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2000, nhưng buộc phải từ bỏ sau khi trúng cử. Trước đó 3 ngày, ông Bush đã gửi e-mail tới 42 người bạn và thành viên trong gia đình mình thông báo về việc ông sẽ phải từ bỏ chiếc BlackBerry và các dịch vụ email bên ngoài.

Barack Obama sử dụng chiếc BlackBerry 8830 của ông trong chiến dịch tranh cử năm 2008. Ảnh: Getty Images.
Barack Obama sử dụng chiếc BlackBerry 8830 của ông trong chiến dịch tranh cử năm 2008. Ảnh: Getty Images.

8 năm sau, Barack Obama cũng bị buộc phải từ bỏ chiếc BlackBerry. Tuy nhiên, lần này ông Obama nhất định muốn giữ lại chiếc smartphone yêu thích của mình. Do đó, Mật vụ Mỹ, Nhà Trắng và cơ quan an ninh quốc gia (NSA) buộc phải tìm ra biện pháp.

Một giải pháp nhanh chóng được đưa ra, đó là Tổng thống Obama có thể giữ lại chiếc BlackBerry nhưng phải có thêm gói phần mềm mã hóa cuộc gọi, tin nhắn và email. Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ đã chọn ứng dụng SecurVoice, được phát triển bởi Genesis Key, phối hợp với các kỹ sư của BlackBerry (khi đó còn có tên gọi RIM).

Sau khi NSA thực hiện đầy đủ các công đoạn thử nghiệm và đảm bảo phần mềm này đạt tiêu chuẩn quốc gia, chiếc BlackBerry bảo mật tốt bậc nhất thế giới này được đưa trở lại cho Tổng thống vào tháng 5 hoặc tháng 6 năm 2009. Tổng thống cũng buộc phải từ bỏ địa chỉ email cũ, chuyển sang một email bí mật khác.

Trong nhiều lần xuất hiện trước báo giới, người ta thường gặp ông Obama mang theo 2 chiếc BlackBerry. Trong đó, chiếc màu bạc có vẻ là một chiếc 8830 mà ông vẫn dùng trong chiến dịch tranh cử, còn chiếc màu đen có thể là một chiếc 8900.

2 chiếc BlackBerry của ông Obama. Ảnh: Pete Souza.
2 chiếc BlackBerry của ông Obama. Ảnh: Pete Souza.

Không chỉ riêng ông Obama, một nhóm nhỏ những người thường xuyên liên lạc với ông cũng được trang bị những thiết bị bảo mật cao bởi vì các biện pháp bảo mật chỉ có tác dụng khi cả 2 bên dùng chung một công cụ mã hóa.

Số người có thể nhắn tin và gọi điện cho ông Obama chỉ giới hạn trong khoảng 10 – 12 người, trong đó bao gồm Phó tổng thống Biden, thư ký phụ trách quan hệ báo chí, một vài cố vấn cấp cao, phu nhân Michelle Obama và một vài thành viên khác trong gia đình.

Ứng dụng bảo mật có tên SecurVoice trên điện thoại của ông Obama được công bố vào tháng 12/2008, được xem là giải pháp bảo mật giọng nói và mã hóa dữ liệu hoàn chỉnh đầu tiên trên thế giới. Mặc dù vẫn có một số giải pháp bảo mật khác, SecurVoice là lựa chọn tối ưu nhất với khả năng bảo mật kết nối giọng nói bằng nhiều phương thức khác từ trạm thu phát sóng, vệ tinh, PBX, SDR, cuộc gọi VOIP hay hệ thống di động thông thường.

Với SecurVoice, mỗi chiếc điện thoại sẽ được trang bị 3 tầng bảo mật, mỗi tầng truy cập bằng một biểu tượng khác nhau, nhận biết bởi các loại nhạc chuông khác nhau. Có nguồn tin cho rằng, Tổng thống Obama phải đợi khoảng 50 phút để trả lời một email do hệ thống phải tiến hành quét thông tin để phòng chống virus hoặc trojan.

Cách thức bảo mật của SecurVoice. Ảnh: Genessis Key.

Đó mới chỉ là biện pháp bảo vệ bằng phần mềm. Mối nguy vẫn có thể đến từ phần cứng. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, chuyện hack chiếc BlackBerry của Tổng thống Obama không phải là bất khả thi. Trên thực tế, đã có những hacker thử làm điều này.

Thử giảm thiểu tối đa những mối nguy này, chiếc BlackBerry của ông Obama được cài đặt để không thể chuyển tiếp email. Ông cũng không thể nhận các file đính kèm. Địa chỉ email của ông Obama cũng được thay đổi thường xuyên.

Một mối nguy khác khi ông Obama sử dụng BlackBerry – cũng giống như những chiếc điện thoại thông thường khác – là kẻ xấu có thể theo dõi vị trí của ông theo thời gian thực, ngay cả khi GPS đã bị tắt. Mỗi chiếc điện thoại đều liên tục chuyển số IMEI của nó đến cột phát sóng gần nhất và nó có thể bị thu lại bằng nhiều thiết bị khác nhau.

Ông Obama sử dụng điện thoại bên trong chiếc limousine của mình. Ảnh: Pete Souza.
Ông Obama sử dụng điện thoại bên trong chiếc limousine của mình. Ảnh: Pete Souza.

Một số nguồn tin cho biết, chiếc BlackBerry của ông Obama chỉ có thể kết nối với một trạm thu, phát sóng duy nhất, đã được bảo mật. Nó có khả năng giấu số IMEI của thiết bị, qua đó ngăn được bị theo dõi. Điều này đồng nghĩa với việc, nhân viên Nhà Trắng sẽ phải mang theo trạm thu phát sóng này đến bất cứ nơi nào Tổng thống có mặt. Bên trong chiếc limousine ông dùng để di chuyển cũng có một trạm phát sóng như vậy. Các trạm phát sóng này được kết nối với một vệ tinh riêng, do Washington điều khiển.

Ông Obama hối hả quay lại vì quên điện thoại BlackBerry

Cánh phóng viên Mỹ bắt gặp cảnh người đàn ông quyền lực nhất nước Mỹ tất tả quay trở lại Nhà Trắng để lấy chiếc BlackBerry bỏ quên trước khi lên máy bay đi công cán.


 

Thành Duy

Bạn có thể quan tâm