Chất lượng không khí ở Bangkok một ngày hồi tháng 2. Ảnh: Reuters. |
Tháng 12 hàng năm, bác sĩ Nitipatana Chierakul - chuyên gia về hô hấp - nhận thấy một điểm chung tại bệnh viện nơi ông làm ở Bangkok: Tình trạng bệnh nhân sẽ dần chuyển biến xấu. Một số người có biểu hiện đau ngực hoặc ho kéo dài.
“Hầu hết đều khó thở”, ông nói, cho biết thêm theo ước tính, trong ít nhất 3 tháng gần đây, những bệnh nhân có bệnh nền chiếm tới 80% số ca của khoa. Theo Guardian, nguyên nhân có thể bắt nguồn từ đám sương dày đặc bao phủ thủ đô và nhiều khu vực khác, trong những tháng có thời tiết lạnh hơn của Thái Lan.
Tình trạng ô nhiễm thậm chí còn nghiêm trọng hơn ở phía bắc Thái Lan. Hôm 27/3, Chiang Mai được xếp vào danh sách ô nhiễm không khí tồi tệ nhất thế giới, theo IQAir. Sương mù che khuất tầm nhìn ra núi Doi Suthep của Chiang Mai.
Tình hình nghiêm trọng tới mức trong tháng này, một bác sĩ cảnh báo trên mạng xã hội rằng du khách không nên đến thăm thành phố.
“Hãy cứu lấy Mae Sai”
Tại Mae Sai - phía bắc tỉnh Chiang Rai, ngày 27/3, phương tiện truyền thông địa phương đưa tin theo IQAir, bụi cát vàng dày đặc trong không khí khi nồng độ bụi mịn PM2.5 gấp 76,3 lần so với giá trị chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Cuối tuần qua, những tấm biển ghi “Hãy cứu lấy Mae Sai” đã được treo khắp những nơi công cộng.
Nhìn chung, ô nhiễm không khí ở Thái Lan tồi tệ nhất trong những tháng nhiệt độ xuống thấp, khi người dân đốt nông sản theo mùa, cộng thêm khói do giao thông và công nghiệp thải ra.
“Người dân mua khẩu trang N95, máy theo dõi chất lượng không khí, máy lọc không khí, đóng kín nhà cửa. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện mua những thứ này. Có sự bất bình đẳng rất lớn ở đây”, Weenarin Lulitanonda - đồng sáng lập Mạng lưới Không khí Sạch Thái Lan - cho biết.
Bộ Y tế Công cộng cho biết hơn 1,4 triệu người đã ngã bệnh ở Thái Lan kể từ đầu năm do ô nhiễm không khí, Bangkok Post đưa tin hôm 11/3. Chính quyền Bangkok đã thành lập “phòng theo dõi ô nhiễm” - với màn hình hiển thị các kiểu thời tiết và mức độ ô nhiễm - vào năm ngoái.
Ô nhiễm không khí ở Thái Lan tồi tệ nhất trong những tháng thời tiết lạnh hơn. Ảnh: Reuters. |
“Nếu mức độ bụi đạt đến cấp độ 3, nhân viên y tế tại Bangkok sẽ bắt đầu kiểm tra và cung cấp khẩu trang cho nhóm dễ bị tổn thương”, Wiruch Tanchanapradit - Giám đốc bộ phận quản lý tiếng ồn và chất lượng không khí tại chính quyền đô thị Bangkok - nói, đề cập đến hệ thống phân cấp giám sát ô nhiễm.
Vào những ngày Bangkok có chất lượng không khí tệ, chính quyền gửi các thông báo cảnh báo qua tin nhắn văn bản và trên mạng xã hội, khuyến cáo mọi người làm việc tại nhà. Tại các công viên, xuất hiện nhiều biển cảnh báo không tập thể dục ngoài trời. Các trường công treo những cờ màu, nhắc nhở không khí có an toàn để trẻ em ở ngoài trời hay không.
Lỗi thuộc về ai?
Tuy nhiên, các nhà vận động cho biết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Họ nói các công ty lớn có chuỗi cung ứng góp phần vào tình trạng ô nhiễm không khí tiếp tục trốn tránh trách nhiệm.
Thái Lan là nước sản xuất mía đường và lúa gạo lớn, nên cứ đến mùa là nông dân lại đốt trên đồng ruộng với nhiều mục đích khác nhau.
Saroj Dokmaisrichan - nông dân trồng mía ở tỉnh Suphan Buri - cho biết hoạt động này vẫn tiếp diễn bất chấp lệnh cấm, vì nhiều nông dân không có lựa chọn nào khác.
“Đốt mía thì không còn lá nữa. Nông dân sẽ dễ dàng cắt hơn”, ông nói. Điều này cũng dẫn đến chi phí lao động thấp hơn, trong khi nông dân dễ dàng đáp ứng thời hạn của nhà máy.
Ông Saroj - người sở hữu một trang trại lớn - đã vay một khoản tiền, rồi mua máy móc để không phải đốt nữa. Tuy nhiên, đây không phải lựa chọn khả thi cho những nông dân có điều kiện khó khăn hơn.
“Họ thậm chí không thể mua được một chiếc máy cũ”, ông nói thêm.
Nhà vận động xã hội cho rằng nông dân đang bị đổ lỗi bất công về nguồn cơn ô nhiễm không khí ở Thái Lan. Ảnh: Bangkok Post. |
Tiến sĩ Danny Marks - phó giáo sư về chính sách và chính trị môi trường tại Đại học Dublin City - cho biết những hộ nông dân nhỏ đã bị đổ lỗi một cách bất công về tình trạng ô nhiễm không khí của Thái Lan. Ông nói thêm hầu hết đều có hợp đồng với các doanh nghiệp nông nghiệp lớn của Thái Lan.
Giới nghiên cứu cho biết các nhà máy và doanh nghiệp công nghiệp cần phải được xem xét kỹ lưỡng hơn. Hiện không có cơ sở dữ liệu khí thải ghi lại hồ sơ phát thải của 140.000 nhà máy Thái Lan. Thay vào đó, luật quy định chất thải ra nguồn nước và không khí nới lỏng vào năm 2019, nên các nhà máy nhỏ hơn không cần phải báo cáo tình trạng ô nhiễm, ông Marks cho biết.
Bà Weenarin cho biết Thái Lan cần phải siết chặt thêm nữa hệ thống luật pháp. Một dự luật đã được đệ trình lên Quốc hội hơn một năm trước, nhưng không có tiến triển.
Tại Bệnh viện Siriraj, bác sĩ Nitipatana lo lắng số ca bệnh sẽ còn tăng lên nếu không có hành động cụ thể nào. Đối với các bệnh nhân của ông, sương có thể đồng nghĩa tiên lượng bệnh nặng hơn.
Tuy nhiên, không có đảng nào đặt vấn đề ô nhiễm không khí lên hàng đầu trong các chiến dịch vận động tranh cử trước thềm cuộc bầu cử vào tháng 5 tới. “Việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là không khí, nên là một trong những chương trình nghị sự họ cam kết với người dân”, ông nói.
Năm cuốn sách về khí hậu nên đọc
Mục Thế giới giới thiệu với độc giả 5 cuốn sách mà các chuyên gia khí hậu của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng nên đọc về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu.