Sau một giờ cất cánh, máy bay liệng vòng qua lòng chảo Điện Biên Phủ. Trời ít mây và nắng gắt. Bóng chiếc ATR 72 in trên cánh đồng Mường Thanh đang mùa lúa chín vàng. Nếu vận chuyển bằng đường bộ, những hạt gạo này sẽ đến Hà Nội sau 11 tiếng.
Tất nhiên, không có nhiều gạo được mang xuống miền xuôi. Nguồn sống của cư dân nơi đây đều trông vào gạo từ cánh đồng Mường Thanh.
Cánh đồng Mường Thanh. |
“Xóa nghèo” cũng là một giấc mơ
51.214 hộ dân ở Điện Biên được xếp vào diện hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 48,14%). Kết quả điều tra chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020 còn chỉ ra số hộ cận nghèo là 9.135 (chiếm tỷ lệ 7,69%). Điện Biên có 10 đơn vị hành chính cấp huyện thì 5 trong số đó thuộc danh sách những huyện nghèo nhất nước.
Theo dự toán thu, chi, cân đối ngân sách năm 2019 do Quốc hội phê chuẩn, ngân sách trung ương sẽ trợ cấp thêm cho tỉnh Điện Biên gần 5.780 tỷ đồng. Con số này hơn gấp 5 lần tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh (1.114 tỷ đồng).
Nông nghiệp là ngành kinh tế chủ yếu ở Điện Biên. Tuy có diện tích gấp 3 lần thủ đô, nhưng cánh đồng Mường Thanh chính là nơi bằng phẳng nhất. Để có được mươi héc-ta đặt nhà máy công nghiệp hay sản xuất hàng hóa tập trung là chuyện không đơn giản giữa nơi rừng núi điệp trùng này.
Trong bối cảnh nông nghiệp và công nghiệp khó phát triển, du lịch - dịch vụ đã được cân nhắc. Có ít nhất ba dự án đang được UBND tỉnh giới thiệu đến các nhà đầu tư.
Hồ Pá Khoang – một trong ba địa điểm đang được mời gọi đầu tư để phát triển ngành du lịch - dịch vụ, giúp kinh tế tỉnh Điện Biên tăng tốc. |
Nhà đầu tư đến khi cung cách quản lý thay đổi
Bất kỳ nhà đầu tư nào cũng suy xét các yếu tố pháp lý và hạ tầng trước khi tính tới lợi ích kinh tế. Và, chính quyền tỉnh Điện Biên đã có chuẩn bị cho việc này. Các lãnh đạo tỉnh Điện Biên đều nhận định rằng, cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư phụ thuộc lớn vào sự thực thi của các cơ quan và cán bộ công chức trực tiếp làm việc với người dân, doanh nghiệp.
Từ tháng 8/2019, hệ thống Cổng dịch vụ công trực tuyến đã được vận hành chính thức. Quan hệ hành chính giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền được thực hiện trên không gian mạng, tránh việc tiếp xúc trực tiếp. Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên kỳ vọng, Cổng dịch vụ công trực tuyến sẽ góp phần quan trọng trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), hiện chỉ đạt 61,77/100 điểm, xếp thứ 47 cả nước.
“Đây là quan hệ giao dịch hành chính mới, có thể ngay lập tức chưa phổ cập được tới tất cả đối tượng thực hiện, nhưng tôi tin tưởng rằng tính ưu việt của nó sẽ nhanh chóng làm thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong đăng ký thực hiện thủ tục hành chính và cán bộ, công chức có trách nhiệm giải quyết thủ tục hành chính. Khi tất cả đã được công khai, minh bạch, được người dân giám sát thì các cơ quan hành chính phải có những thay đổi thực sự trong quản lý, điều hành” – ông Lê Văn Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.
Cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư phụ thuộc lớn vào sự thực thi của các cơ quan và cán bộ công chức trực tiếp làm việc với người dân, doanh nghiệp. Ảnh: Người dân đến giao dịch tại bộ phận một cửa UBND TX. Mường Lay. |
Cũng trong ngày khai trương Cổng dịch vụ công trực tuyến (18/9/2019), chính quyền tỉnh Điện Biên đã ký kết hợp tác ứng dụng Zalo nâng cao chất lượng Hệ thống cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến tại địa phương.
Theo đó, sau khi nộp hồ sơ tại Cổng dịch vụ công trực tuyến (http://dichvucong.dienbien.gov.vn), chủ hồ sơ sẽ nhận được tin nhắn thông báo. Người dân và doanh nghiệp có thể sử dụng điện thoại di động để tra cứu thông tin về tiến độ xử lý, các công đoạn giải quyết hồ sơ. Việc tra cứu được thực hiện bằng thao tác quét mã QR hoặc nhắn tin mã số hồ sơ trên ứng dụng Zalo.
“Chính phủ điện tử lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đối với chất lượng hoạt động của hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước. Được vận hành trên nền tảng công nghệ hiện đại, Chính phủ điện tử không những không “xa dân” mà phải thực sự “gần dân”” – ông Lê Văn Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.
Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến hoạt động sẽ góp phần quan trọng trong thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Ảnh: Nhập mã hồ sơ và nhận kết quả tra cứu tình trạng xử lý qua Internet. |
Song hành với thay đổi cung cách quản lý, điều hành để tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, chính quyền tỉnh Điện Biên cũng đang xúc tiến việc cải thiện hạ tầng giao thông và điện lực.
Về điện, đại diện tỉnh đã làm việc với Bộ Công Thương nhằm đầu tư thêm đường điện 110 kV về trung tâm tỉnh và một số huyện. Ngay trong ngày 14/9, đường dây 110 kV Mường Lay - Điện Biên đã được khởi công, nâng tổng chiều dài đường dây 110 kV từ 247 km lên 300 km. Nếu tính đúng, giá điện tại đây đắt gấp hơn hai lần ở miền xuôi, vì dân cư tản mát, đầu tư quá lớn, không có khả năng thu hồi vốn. Tuy nhiên, để cung ứng đủ nguồn điện cho hoạt động kinh tế trong tương lai, đường dây phải được đầu tư trước.
Tuyến đường cao tốc Hòa Bình – Điện Biên cũng đã nằm trong kế hoạch bàn thảo giữa chính quyền tỉnh với một số địa phương và trung ương. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu (Sơn La). Nếu toàn tuyến Hà Nội – Sơn La – Điện Biên hoàn thành, thời gian di chuyển sẽ rút ngắn một nửa.
Cảng hàng không Điện Biên Phủ. |
Đối với đường hàng không, chính quyền tỉnh đã đề xuất Chính phủ nâng cấp sân bay Điện Biên Phủ để loại máy bay A320 có thể cất hạ cánh trong mọi điều kiện thời tiết. Việc này sẽ giải quyết tình trạng máy bay đến Điện Biên Phủ phải vòng về nơi xuất phát vì thời tiết xấu, đồng thời tạo ra hạ tầng cho việc mở thêm nhiều đường bay đi và đến Điện Biên.
Trong tương lai gần, rất có thể cánh đồng Mường Thanh sẽ in bóng những chiếc máy bay hàng trăm hành khách chao liệng trên những mùa vàng.
Tất cả bắt đầu từ những thay đổi trong cung cách quản lý điều hành ngày hôm nay.