Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chìa khóa thay thế tàu sân bay Mỹ

Tàu ngầm hạt nhân là chìa khóa duy trì khả năng thống trị về hải quân của Mỹ trong bối cảnh các loại vũ khí mới đang ngày càng đe dọa ưu thế vượt trội của các tàu sân bay.

Tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia. (Ảnh: AFP),

Tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia. Ảnh: AFP.

Khi ngày càng nhiều vũ khí định hướng chính xác xuất hiện như tên lửa hành trình chống hạm, tên lửa đạn đạo chống hạm và hệ thống phòng không hiện đại, hệ thống tàu sân bay của Hải quân Mỹ cùng các phi đội máy bay trên tàu ngày càng dễ bị tổn thương trước thách thức mà Lầu Năm Góc gọi là chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD).

Thay vì tiếp cận gần bờ biển đối phương trong giai đoạn mở đầu chiến tranh, những sân bay nổi trị giá nhiều tỷ USD của Mỹ cùng hạm đội tàu chiến hộ tống có thể phải dàn đội hình cách bờ biển khoảng 1.850 km để tránh hỏa lực của đối phương. Thêm vào đó, phi đội máy bay trên tàu hiện tại của Mỹ không có khả năng xâm nhập lãnh thổ đối phương do vấp phải mạng lưới phòng không dày đặc. Ngay cả loại máy bay tiêm kích đa năng hiện đại nhất F-35C chuẩn bị được đưa vào biên chế cũng không thể giải quyết vấn đề này.

Trong khi loại máy bay tiêm kích tàng hình tầm xa kiểu mới có thể giúp nâng tầm với của các loại hỏa lực trên tàu sân bay, nhiều chuyên gia vẫn đánh giá tàu ngầm là loại vũ khí hiệu quả hơn nhiều trước mối đe dọa từ các loại vũ khí hiện đại của đối phương.

Mặc dù các đối thủ tiềm tàng như Trung Quốc có thể thách thức sức mạnh của Mỹ ở trên không, trên biển, đất liền và vũ trụ, quân đội Mỹ vẫn giữ ưu thế tuyệt đối dưới mặt biển. 

Tàu sân bay lớp Nimitz USS-Abraham Lincoln (CVN-72). Ảnh: Defenceindustrydaily.

Cựu đại tá Hải quân Mỹ Jerry Hendrix cho rằng những tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio đã được hoán cải từ mang 24 tên lửa đạn đạo Trident II D5 sang 154 tên lửa hành trình Tomahawk. Đây là một trong những vũ khí hiệu quả nhất giúp chống lại mối đe dọa từ chiến lược A2/AD.

Minh họa cho khả năng của tàu ngầm, ông Hendrix lấy ví dụ về chiến dịch Bình minh Odyssey quân đội Mỹ thực hiện chống lại chế độ của Muammar Gaddafi ở Libya năm 2011. Với khoảng 90 tên lửa hành trình Tomahawk, tàu ngầm hạt nhân USS Florida (SSGN-728) gần như một mình tiêu diệt toàn bộ hệ thống phòng không của Libya.

Theo ông, Mỹ nên dừng việc đóng mới các tàu sân bay hạt nhân lớp Ford. Thay vào đó, Hải quân Mỹ có thể đóng nhiều tàu ngầm hạt nhân vì một tàu sân bay lớp Ford mới có giá thành lên tới gần 13 tỷ USD, không kể phi đội máy bay trên tàu. 

Không giống hàng không mẫu hạm, tàu ngầm hạt nhân có khả năng tiếp cận bờ biển đối phương trước khi phóng tên lửa tấn công vào các mục tiêu như hệ thống phòng không, hệ thống chỉ huy và cơ sở hạ tầng ở sâu trong đất liền tới 2.220 km. 

Chuyên gia hải quân này đánh giá tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa dẫn đường không chỉ hiệu quả nhờ kho tên lửa trên tàu mà còn có thể chuyển đổi khi cần thiết để mang các loại máy bay không người lái hay tàu ngầm mini không người lái (UUV).

Ngoài ra, các tàu ngầm này còn có thể mang theo vệ tinh để phóng vào quỹ đạo tầm thấp nhằm hỗ trợ hệ thống vệ tinh vũ trụ của Mỹ trong trường hợp chúng bị tấn công hay phá hủy trong một cuộc chiến tranh toàn diện.

Bryan Clark, cựu sĩ quan tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Mỹ, hiện là nhà phân tích tại Trung tâm đánh giá chiến lược và ngân sách, có cùng quan điểm rằng tàu ngầm có thể là lựa chọn tối ưu trong hoạt động tác chiến công nghệ cao.

Tuy vậy, tàu ngầm cũng có những hạn chế riêng. Nó có khả năng phát hiện các tình huống nguy hiểm hạn chế, tốc độ di chuyển chậm và thiếu năng lực phòng thủ. Bên cạnh đó, đây là những tài sản quan trọng của quốc gia. Vì vậy, các chỉ huy sẽ lựa chọn việc rút lui và quay về hơn là ở lại và chiến đấu khi tàu ngầm bị phát hiện, tấn công.

Ông Hendrix thừa nhận do chủ yếu hoạt động bí mật dưới lòng biển sâu, nhiều đồng minh của Mỹ lo ngại các tàu ngầm hạt nhân không đem lại sự đảm bảo mang tính hiện hữu giống các tàu nổi. Do đó, bên cạnh việc phát triển lực lượng tàu ngầm hạt nhân, Hải quân Mỹ cũng nên xây dựng hệ thống tàu các loại như khu trục hạm, tàu hộ vệ để duy trì sự hiện diện.

Tuệ Nhi

Bạn có thể quan tâm