Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chìa khóa giúp Đức, Anh vượt Mỹ trong chống biến chủng Delta

Nhu cầu xét nghiệm tăng cao khi thế giới đối mặt với làn sóng do biến chủng Delta gây ra. Thế nhưng, khả năng xét nghiệm nhanh tại Mỹ lại đang có nguy cơ tụt hậu so với nhiều nước.

Tuần trước, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết chi 2 tỷ USD để tăng cường sản xuất các bộ xét nghiệm nhanh, đồng thời phân phối chúng miễn phí tại một số cơ sở công cộng. Các nhà bán lẻ cũng sẽ giảm giá bán cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, cho đến nay, giá vẫn quá cao để người dân có thể tự xét nghiệm thường xuyên, theo Wall Street Journal.

Hiện bộ xét nghiệm tại các nhà bán lẻ ở Mỹ có giá ít nhất là 14 USD. Con số này cao gấp gần 3 lần so với một số quốc gia như Đức. Chính phủ Anh thậm chí còn phân phối những bộ xét nghiệm này miễn phí.

Không chỉ vậy, việc tìm mua cũng là một khó khăn. Ở một số quốc gia, các bộ xét nghiệm gần như phổ biến và có thể thấy ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, chúng trở nên cháy hàng tại nhiều nhà bán lẻ và trang web thương mại điện tử ở Mỹ khi làn sóng biến chủng Delta quét qua vào mùa hè này.

xet nghiem nhanh tai My anh 1

Biến chủng Delta đã đẩy số ca mắc Covid-19 ở Mỹ lên cao, làm tăng nhu cầu xét nghiệm nhanh. Ảnh: Reuters.

Thiếu đa dạng

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép người dân tự mua xét nghiệm kháng nguyên nhanh của 6 công ty mà không cần có đơn bác sĩ.

Bên cạnh đó, cơ quan này cũng cấp phép sử dụng xét nghiệm sinh học phân tử tại nhà. Xét nghiệm này sử dụng công nghệ tương tự xét nghiệm PCR.

Tuy nhiên, một số quốc gia khác thậm chí còn cung cấp cho người dân đa dạng lựa chọn hơn. Hàng chục bộ kit thử tại nhà được bán rộng rãi trên thị trường ở Đức. Các nhà nghiên cứu cho biết thêm có tới hơn 30 loại xét nghiệm đang được sử dụng ở châu Âu.

Giải thích cho sự thiếu hụt tại Mỹ, một quan chức FDA cho biết nhiều xét nghiệm được sử dụng ở các quốc gia khác nhưng chưa được gửi hồ sơ để xem xét cấp phép ở Mỹ.

“Vai trò của chúng tôi là đảm bảo người Mỹ có quyền tiếp cận các xét nghiệm Covid-19 chính xác và đáng tin cậy”, người phát ngôn của FDA Stephanie Caccomo cho biết. “Việc sử dụng các xét nghiệm không chính xác hoặc kém hiệu quả sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng và cản trở khả năng ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh”.

xet nghiem nhanh tai My anh 2

BinaxNOW của Phòng thí nghiệm Abbott là một trong những xét nghiệm nhanh được cơ quan Mỹ cấp phép. Ảnh: Wall Street Journal.

Nghi ngờ hiệu quả xét nghiệm

Một trong những lý do khác khiến Mỹ rơi vào tình trạng “chậm chân” trong chiến lược xét nghiệm như hiện nay là tâm lý đánh giá thấp xét nghiệm trước đó.

Trong giai đoạn đầu dịch bệnh, chính quyền Trump đã mua hơn 150 triệu bộ xét nghiệm nhanh và phân phối chúng đến các nơi như viện dưỡng lão và trường đại học. Một số tiểu bang và tổ chức cũng tự mua các bộ xét nghiệm.

"Tuy nhiên, xét nghiệm từng bị đánh giá thấp, không được phân bổ nguồn lực thích hợp", Mara G. Aspinall, giáo sư chẩn đoán y sinh, Đại học bang Arizona, cho biết.

Một số đã bị xếp xó trong kho lưu trữ của Bộ Y tế Mỹ hoặc tủ quần áo viện dưỡng lão. Nguyên nhân xuất phát từ sự lo ngại về độ chính xác cũng như những gánh nặng hậu cần trong việc sử dụng xét nghiệm, bao gồm đào tạo nhân viên quản lý và báo cáo kết quả.

Nhiều tranh cãi đã nổ ra giữa các bác sĩ và quan chức y tế công cộng trong việc có nên sử dụng xét nghiệm nhanh với những người không có triệu chứng hay không.

“Chúng tôi lo ngại về vấn đề chất lượng”, Scott Becker, giám đốc điều hành của Hiệp hội Phòng thí nghiệm Sức khỏe Cộng đồng, cho biết. Dẫu vậy, ông cũng nói thêm phần lớn đã chứng minh chúng vẫn hoạt động hiệu quả.

"Chúng tôi cần cả hai"

Các quốc gia bao gồm Anh và Đức đã khuyến khích người dân sử dụng xét nghiệm nhanh. Vào tháng 4, Anh cho biết người dân nước này sẽ được xét nghiệm nhanh Covid-19 miễn phí hai lần một tuần.

xet nghiem nhanh tai My anh 3

Các bộ xét nghiệm nhanh được phát miễn phí tới người dân tại Anh. Ảnh: Facundo Arrizabalaga.

Trái ngược lại, vào tháng 5, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết những người tiêm chủng không cần xét nghiệm và Phòng thí nghiệm Abbot quyết định thu hẹp quy mô sản xuất sản phẩm này.

Hậu quả là làn sóng dịch mới quét qua trong vài tháng gần đây đã dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng các ca mắc, đồng thời đẩy nguồn cung xét nghiệm vào tình trạng “căng thẳng".

“Chính phủ liên bang từng không dành nhiều quan tâm với việc xét nghiệm như vaccine", Cherie Lynn Ramirez, chuyên gia sức khỏe cộng đồng tại Đại học Simmons ở Boston, cho biết. “Nhưng giờ đây chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi cần phải làm cả hai”.

Và mặc dù không chính xác như các xét nghiệm PCR, xét nghiệm nhanh vẫn được xem là một lựa chọn trong bối cảnh ca nhiễm gia tăng và người dân không thể chờ đợi hơn một tuần để có kết quả từ các phòng thí nghiệm quá tải.

Nhiều cơ quan y tế đã báo trước rằng xét nghiệm kháng nguyên nhanh là lựa chọn thay thế quan trọng để hạn chế bùng phát và ngăn chặn sự lây nhiễm, đặc biệt là khi số ca bệnh tăng cao.

Loại xét nghiệm nhanh Covid-19 phổ biến nhất hiện nay là xét nghiệm nhanh kháng nguyên, có thể cung cấp kết quả trong khoảng 15 phút ở bất cứ nơi lấy mẫu nào.

Vào tuần trước, chính quyền Biden đã đưa ra các kế hoạch để nhanh chóng cứu vãn tình thế, tăng cường khả năng xét nghiệm.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho biết sẽ cần nhiều nỗ lực để tăng số lượng sản phẩm trên thị trường và hướng dẫn người dân sử dụng, trước khi Mỹ bước vào những tháng lạnh với nguy cao mắc các bệnh hô hấp cao hơn.

“Chúng ta không thể rơi vào tình trạng thiếu chuẩn bị một lần nữa", ông Becker nói.

Người đàn ông có siêu kháng thể, tự khỏi bệnh Covid-19 John Hollis được phát hiện có "siêu kháng thể" trong máu giúp miễn dịch với Covid-19. Ngay cả khi pha loãng đến 10.000 lần, máu của ông vẫn có thể tiêu diệt được 90% virus.

Mỹ sẽ mua thêm hàng trăm triệu liều vaccine Pfizer cho thế giới

Chính quyền Biden đang có kế hoạch mua thêm hàng trăm triệu liều vaccine Pfizer ngừa Covid-19 để chia sẻ với thế giới, Washington Post đưa tin hôm 17/9.

Ấn Độ chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất trước làn sóng Covid-19 thứ ba

Sau bài học cay đắng từ làn sóng Covid-19 thứ hai, bệnh viện ở Ấn Độ đang tăng giường điều trị, bổ sung nguồn oxy để đối phó với làn sóng lây nhiễm có thể xảy ra trong tháng 9-11.

Minh An

Bạn có thể quan tâm