Chí Trung kể về đám cưới 'không cỗ bàn' của con gái
Nhiều người bất ngờ khi biết con gái danh hài xứ Bắc - Phạm Huyền Trang đã lập gia đình được hơn 3 năm.
- Mọi người vẫn đang tò mò việc một người bận rộn, tham công tiếc việc như Chí Trung lại vừa mới có 22 ngày du lịch bên đất Mỹ cùng gia đình?
- Rất nhiều người hỏi tôi câu đó và tôi đã giải trình trên mạng xã hội rồi. Điều này khởi nguồn từ ngày tận thế năm 2012. Số là tôi luôn tin có ngày tận thế, mà vợ cứ cãi làm gì có nên tôi nói luôn, nếu không có, anh sẽ chiều em tất cả những gì em muốn trong quãng đời còn lại. Vợ bảo muốn nghỉ ngơi, du lịch - lúc đó chưa tới ngày tận thế nên tôi đồng ý ngay.
Tôi có 2 tính nổi bật là tham công tiếc việc và "bần tiện", không chịu chi. Lý do tôi "bần tiện" đơn giản bởi trong 20 chục lần xuất ngoại toàn được mời, tối đi diễn, ngày đi chơi. Vì vậy, thói quen có người khác trả tiền hộ ngấm vào người. Do thế, nghĩ đến chuyện đi du lịch với vợ ở Mỹ là băn khoăn vô số kể. Thực ra, điều này cũng do hoàn cảnh xuất thân từ người tay trắng nên "bần tiện". Sau khi không có ngày tận thế, ngoài nhu cầu hứa yêu vợ suốt đời, tôi đành phải đáp ứng được nhu cầu đi chơi cùng gia đình sang đất Mỹ.
Gia đình nghệ sĩ Chí Trung. |
- "Hậu quả" kinh tế của 22 ngày du lịch Mỹ còn nan giải hơn chuyện hứa "yêu vợ suốt đời".
- Cũng có chút thuận lợi là ông bà thông gia, bố mẹ chồng của con gái tôi ở bên Mỹ. Thứ nữa, gia đình tôi có bác ruột, anh ruột cũng ở Mỹ.
Huyền Trang - con gái tôi lại đang làm cho một công ty lớn, hiện nay, công ty lại cử nó đi nối 215 nước ở khắp nơi trên thế giới để "bó vào" làm đồ chơi của họ. Đi nhiều, có khi con gái còn thuộc phố xá của Mỹ không kém gì ở phố Hà Nội. Nói chung là đủ các yếu tố để có một chuyến du lịch thú vị, hoàn hảo.
Thực ra, tôi là người ghét sự ham chơi, ghét tiêu tiền, nhưng sau chuyến đi này, tôi đã thích chơi. Đồng thời, rút ra được, giá trị của sự lao động không đơn thuần nằm ở sự tích lũy mà còn lại giải quyết nhu cầu sống chính đáng.
- Trong chuyến đi, anh nhiều lần khoe hình ảnh con rể, anh rất tự hào về chồng của con gái?
- Con gái tôi sinh năm 1986, lấy chồng được 3 năm. 2 đứa yêu nhau 9 năm mới cưới - từ khi 17 tuổi tới khi ra trường là kết hôn. Ông bà thông gia làm nhân viên lãnh sự ở Houston - Mỹ. Con rể hiện đang học ở Hà Nội, bố mẹ cậu ấy làm bên kia. Vài năm trước, gia đình tôi tổ chức đám cưới cho con gái lặng lẽ lắm, chỉ làm báo hỉ cho mọi người biết. Con gái cưới, tôi gửi 1.000 thiếp báo hỉ tới anh em, bạn bè. Chỉ một vài người bạn rất thân tổ chức tiệc nhỏ thôi. Rất nhiều người không biết con gái tôi đã cưới chồng. Theo suy nghĩ cá nhân, chuyện tổ chức đám cưới linh đình rất lãng phí và đau đầu. Người cưới không lợi, người được mời không lợi, lợi mỗi nhà hàng.
Người tổ chức cưới méo mặt lo một đám cưới to tát, người được mời méo mặt lo đi trả nợ và lầm bầm, còn lại số ít vui vẻ thực sự. Bản chất người cưới lỗ, người được mời lỗ, có mỗi nhà hàng lãi, nên văn hóa đó phải tính. Tôi thoải mái bảo con gái sẽ cho con 100 triệu đồng với điều kiện con gái không tổ chức linh đình.
- Con gái anh nói sao về quan điểm đó của bố?
- Chính con gái nói là thích làm báo hỉ. Cả bên ông bà thông gia cũng đồng ý. Sự báo hỉ chỉ tốt đẹp khi cả 2 bên hai họ đồng tình, ngược lại, chỉ có một bên là sự bần tiện. Đợt đó, Nhà hát và bạn bè cũng rất nể quyết định của gia đình tôi. Tôi rất sung sướng, thực ra ý tưởng là của các con, bố mẹ thực hiện.
Chí Trung và con gái. |
- Người ta nói Chí Trung có bí quyết dạy dỗ con cái rất thành công?
- Chẳng có gì ngoài sự chân tình và chân thành. Ngay từ hồi bé, con cái giao cho vợ, còn tôi là đầu tàu chạy không ngừng nghỉ. Tôi tạo cho con môi trường sống là sự thuận hòa vợ chồng, nhưng không tạo một sự ngặt nghèo, con phải thế này, phải thế nọ. Tôi không áp đặt kiểu "con không có phải" hay "cần phải", thay vào đó là bố nghĩ, theo bố thì…
Tôi nhớ ngày trước, khi con gái tôi tốt nghiệp Đại học Ngoại giao, xin đi học marketing 1 năm ở Úc, tôi sẵn sàng đồng ý cho đi học. Lúc học xong, tôi nói con cần giúp đỡ gì về xin việc không, cháu từ chối, nói có thể tự lo. Sau đó, biết chỗ anh Phạm Nhật Vượng tuyển trợ lý cho chủ tịch Hội đồng quản trị đã đăng ký và phỏng vấn. Cuối cùng, cháu đã lọt vào phòng và tiếp xúc với anh Vượng.
Anh ấy hỏi con gái tôi có phải là con anh Chí Trung không, sau đó nhận vào làm. Con gái về suy nghĩ một hôm rồi quyết định từ chối. Tôi cũng hơi bất ngờ vì làm trợ lý cho chủ tịch Vượng là một cơ hội không phải ai cũng có.
Nó bảo tôi, con còn trẻ, hay nhảy việc nên tốt nhất tránh ngay từ đầu cho tình cảm của bố với chú Vượng đỡ bị sứt mẻ. Tiếp đó, con tôi xin vào công ty ToSy, hiện giờ đang là trợ lý Tổng giám đốc. Liên quan đến con gái chỉ được phép trả lời như vậy. Hết nhé!
Còn con trai thứ 2 cũng đang theo đúng lộ trình của chị nó, học tiếng Anh rất giỏi ở một trường quốc tế. Anh này không hoang phí, đua đòi, không thuốc lá, nghiện ngập, la cà. Duy có một khiếm khuyết là cận lòi ra, về nhà hễ bỏ kính ra là… gắp vào mặt nhau.
- Còn nhớ anh từng bảo luôn răn dạy con bằng thần chú 7 chữ: khóc - hèn, rên - nhục, van - yếu đuối?
- Điều này ám chỉ về sự tự trọng trong cuộc sống. "Thần chú" 7 chữ này là do bố dạy cho tôi và tôi có truyền đạt lại cho con cái, không ép các cháu thực thi đúng như thế. Mỗi loại xe máy, ô tô đều có loại dầu riêng, chúng ta không thể đổ dầu của loại này vào loại kia được.
Theo TTVN