Trong không khí sôi nổi của đời sống nước Việt Nam mới, Văn Cao và Lưu Hữu Phước đã trở thành hai ngôi sao nổi bật bậc nhất trên truyền thông văn hóa. Truyền thông đã bồi đắp danh tiếng của họ. Một tác giả là Tử Phác đã dẫn ra những bài hát thanh niên - lịch sử của Lưu Hữu Phước và Văn Cao đặt bên cạnh những sáng tác lãng mạn của họ để làm ví dụ cho sự phát triển của tân nhạc. Bài báo gợi lại những hoạt động của Tổng hội Sinh viên của thời kỳ trước đó.
Từ khi anh em sinh viên bỏ cái tục mở hội hàng năm với những cuộc thi xe hoa và nhảy đầm, mà gây nên một phong trào thanh niên khỏe và yêu nước, âm nhạc Việt Nam cũng theo đó mà tới được một kỷ nguyên mới. [...]
Nhạc sĩ Văn Cao năm 1947. Ảnh: Trần Văn Lưu. |
Những bài ca lịch sử của Lưu Hữu Phước cũng ra đời, được thanh niên nam nữ hát khắp mọi nơi. Từ Nam chí Bắc, ở thành thị cũng như ở thôn quê, chỗ nào cũng thấy hát những bài: Tiếng gọi thanh niên, Bạch Đằng giang, Phụ nữ Việt Nam, vân vân... Những bài ca thanh niên và lịch sử được sản xuất nhiều và được phổ thông vào các tầng lớp nhân dân.
Những bài hát Đống Đa, Trên sông Bạch Đằng đã tỏ ra rằng lòng ái quốc đã phát triển trong đám thanh niên Việt Nam, tuy vẫn còn bị bàn tay sắt của đế quốc bóp chặt. Phong trào lãng mạn của âm nhạc lúc đó tuy có bớt đi, nhưng chỉ bớt đi phần nào mà thôi. [...] Lưu Hữu Phước và Văn Cao, tác giả của những bản đàn thanh niên và lịch sử, đã trút cái lãng mạn của mình vào những bài Thăng Long, Tục lụy và Con thỏ ngọc.
Cách mạng Tháng tám bùng nổ... Những bài ca Cách mạng đã giác ngộ đến cả những người u mê nhất. Dân chúng, trong lời hát hiên ngang, đã thấy trở lại với mình cái quyền làm người, cái quyền sống tự do. Tôi không muốn nói đến bài Tiến quân ca vì cái giá trị lịch sử của nó. Được công nhận làm quốc ca, nó đã thoát ra ngoài phạm vi của sự phê bình. [...]
Tôi muốn nói đến bài Tiến quân ca là để dùng nó làm cái mốc cho cả một loạt bài ca cách mạng đã mở một kỷ nguyên mới cho nền âm nhạc Việt Nam, dù Tiến quân ca chẳng phải là bài ca cách mạng đầu tiên.
Người Việt Nam qua các bài ca cách mạng đã hiểu rõ cuộc tranh đấu âm thầm của các chiến sĩ (Bài ca Chiến sĩ Việt Nam), đã hiểu rõ tội ác của bầy lũ phát xít (Diệt phát xít). Người Việt Nam đã ca tụng “Việt Nam minh châu trời đông”, đã trông thấy cảnh “Rạng đông” của nước nhà, đã gia nhập các đoàn “Dân quân Việt Nam”, đã quyết tâm không để ngừng “Tiếng súng Nam Bộ” nếu chưa giành được độc lập hoàn toàn. Đã có nhiều bài ca cách mạng đạt tới chỗ: Không phải là sản phẩm của một cá nhân nữa, mà là âm thanh do tấm lòng rung động của toàn khối dân Việt phát ra. (1)
Dường như truyền thông đem lại một ấn tượng có phần siêu việt về vai trò của những tác giả tân nhạc như Văn Cao, khi mới chỉ trước đó một năm còn gần như vô danh và phải vật lộn với cái đói. Cắt nghĩa về cuộc lột xác vị thế này, Tạ Tỵ nhắc đến ảnh hưởng chính trị của bài Tiến quân ca trong trường hợp Văn Cao: “Những nhạc phẩm của Văn Cao được xưng tụng rầm rộ sau ngày cách mạng ôm trọn nước Việt Nam - một phần cũng vì tác giả đã làm ra bài Tiến quân ca, bài ca chính thức của cách mạng”. (2) […]
Còn Vũ Bằng, trong hồi ức đã khắc họa một chân dung Văn Cao như đại diện một thế hệ tác giả nổi lên từ cao trào giải phóng dân tộc:
... Ngay sau đó vài ngày, ai cũng nói Văn Cao là người đã bắn chết Phin. Về cái chết của Phin, ngay hồi đó có hai giả thuyết như vậy về Văn Cao. Tuy nhiên, dù L. bắn hay Văn Cao bắn, ai cũng yên trí là Văn Cao đã thủ vai chính trong vụ này. Cái tên Văn Cao nổi bật lên từ hồi đó...
Sau ngày 19/8, tiếng của Văn Cao nổi như cồn. Đúng như thế. Một số anh em lấy làm hãnh diện về điểm đó không phải vì Văn Cao tham gia phong trào Diệt phát xít, chống Pháp thực dân (vì bọn văn nghệ sĩ, nhất là nhóm Tiểu Thuyết Thứ Bảy hoạt động bí mật, tham gia phong trào rất đông và điều đó không có gì lạ hết) nhưng chính là vì lúc ấy anh em chưa mấy người thạo bắn mà có anh bắn hay như thế, ít ra cũng làm đẹp mày đẹp mặt cho bọn văn nghệ sĩ (lúc ấy vẫn còn mang lấy cái tiếng là nghiện hút, trói con gà không chặt!).
Sau đó, im bặt, không ai nói đến Văn Cao nữa. Kẻ trước người sau, các văn nghệ sĩ đi dần dần ra chiến khu chiến đấu gian khổ cho đến “19/8 là ngày khởi nghĩa” cả nước vùng lên mở hội, từ thôn quê đến thành thị, từ ngõ hẻm đến hang cùng, cuồn cuộn những làn sóng gớm ghê, đâu đâu cũng vang âm những tiếng hát Tiến quân ca và Diệt phát xít.
Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi được hoan nghinh vào bực nhì, chớ đến bài Tiến quân ca của Văn Cao thì có thể nói là... vô địch. Suốt ngày, suốt đêm, từ ông già đến đứa trẻ tập giọng biết nói, hết thảy đều hát “Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc”. Chỉ trong một ngày, danh tiếng của Văn Cao nổi lên như cồn. Nhà thi sĩ bé nhỏ ấy, từng bắn chết Việt gian Đỗ Đức Phin, bây giờ lại thành ra một nhạc sĩ chỉ mới đưa ra sơ sơ có một bản nhạc thôi mà đã làm cho cả Âu Á đều biết tiếng.
Thực ra, bản quốc ca Tiến quân ca của Văn Cao không phải là bản nhạc đầu tiên của anh. Trước đó, anh từng soạn nhiều bản nhạc lúc còn làm anh thi sĩ lang thang trên vỉa hè ở thành phố Hải Phòng. Nhân bài Tiến quân ca, những nhạc phẩm ấy cũng “lên” theo: trai gái trẻ già đâu đâu cũng hát Trương Chi, Thiên thai, Suối mơ, Bến xuân, lời đã nên thơ mà nét nhạc lại mềm mại, uyển chuyển, đúng với tinh thần chuộng đẹp của người Việt Nam muôn thuở. Đài phát thanh lúc ấy hát các bản nhạc của Văn Cao suốt ngày, nghe cách mấy cũng không chán. Ở ngoài đường, ở trong nhà, ai cũng hát những bản nhạc “thần diệu của Văn Cao”. (3)
Không chỉ xây dựng một hình ảnh nghệ sĩ đa tài, Vũ Bằng cũng như nhiều tác giả có lẽ ký thác ở Văn Cao khát vọng về một thế hệ dấn thân, một ca nhân hội tụ cả lãng mạn và sự dũng cảm. Câu chuyện Văn Cao tham gia ám sát Đỗ Đức Phin cũng mộc mạc giản dị đã khai phá trong những bài hát chủ đề công nông, thơ Văn Cao vẫn giữ nét hoa mỹ kiểu cách:
Ta đi trong nhà đổ
Nghe thời gian đã nhạt khúc ân tình
Tuy phòng the chiếc áo sơ sinh
Còn xiêm hài dành hương phấn cũ
(“Ngoại ô mùa đông 1946”, Văn nghệ số 2, tháng 4-5 /948)
----------------
1. Tử Phác, “Âm nhạc Việt Nam xưa và nay”, Cứu Quốc 400, 9-11-1946.
2. Tạ Tỵ, “Văn Cao - một tinh cầu riêng biệt” (1971), Văn Cao, cuộc đời và tác phẩm, Nxb. Văn học, 1996: 190.
3. Vũ Bằng, “Văn Cao, một nghệ sĩ tài hoa”, trong Văn Cao, cuộc đời và tác phẩm. Nxb. Văn học, 1996: 179-180. Bài viết gốc đăng trên tạp chí Văn Học số 114, 1-11-1970.