Lô viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine. Ảnh: Reuters. |
SIPRI cho biết chi tiêu quân sự trên thực tế của thế giới đã tăng 3,7%, đạt mức cao kỷ lục 2.240 tỷ USD vào năm 2022. Trong đó, chi tiêu quân sự của Ukraine đã tăng 640%, không bao gồm viện trợ tài chính và vũ khí do các quốc gia khác cung cấp, Bloomberg đưa tin.
Các quốc gia trên khắp châu Âu đang tăng ngân sách vũ khí, trong khi căng thẳng ở Đông Á đang thúc đẩy những quốc gia trong khu vực chi mạnh tay hơn cho quân sự.
“Sự gia tăng liên tục trong chi tiêu quân sự toàn cầu trong những năm gần đây là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng bất an”, nhà nghiên cứu cấp cao Nan Tian của SIPRI nhận định.
Theo ông, “các quốc gia đang củng cố sức mạnh quân sự để đối phó với môi trường an ninh xấu đi”.
Mức tăng chi tiêu quân sự hàng năm của các quốc gia trong năm 2022, tính theo tỷ lệ %. Nguồn: SIPRI. |
Bên cạnh đó, trong năm qua, chi tiêu quân sự ở các nước Trung và Tây Âu lần đầu vượt quá con số của năm 1989 - khoảng thời gian đang diễn ra Chiến tranh Lạnh. Trong đó, Phần Lan và Thụy Điển là một trong những quốc gia tăng chi tiêu quân sự nhiều nhất.
Việc Phần Lan - quốc gia mới gia nhập NATO hồi đầu tháng - mua những chiến đấu cơ F-35 đã dẫn đến mức tăng chi tiêu 36% ở quốc gia này.
Trong khi đó, ngân sách quốc phòng của các thành viên NATO hiện tại tăng 0,9% so với năm 2021, do chi tiêu giảm ở các quốc gia bao gồm Italy, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.
Ở Trung Đông, Saudi Arabia đã tăng chi tiêu ước tính khoảng 16% để trở thành quốc gia có khoản chi tiêu quân sự lớn thứ 5 trên toàn cầu. Qatar, quốc gia đã mở rộng lực lượng vũ trang và đang nâng cấp kho vũ khí của mình, đã tăng chi tiêu lên 27%.
Theo ước tính của SIPRI, Mỹ vẫn là quốc gia chi tiêu cho quân sự nhiều nhất thế giới. Ngân sách quân sự của nước này lớn hơn con số của tất cả quốc gia nằm trong danh sách 10 quốc gia mua vũ khí nhiều nhất cộng lại.
Châu Âu đã chi mạnh tay hơn cho quân đội của mình vào năm 2022, với mức tăng 13% so với năm trước, AFP đưa tin. Con số này không tính đến tỷ lệ lạm phát leo thang, đồng nghĩa chi tiêu thực tế thậm chí còn cao hơn, tổ chức này cho biết.
Sách hay về bức tranh năng lượng thế giới
Để cung cấp cho độc giả những góc nhìn hay về tình hình năng lượng thế giới trong quá khứ, hiện tại và tương lai, Zing giới thiệu một số cuốn sách về chủ đề này, bao gồm: “Dầu mỏ, tiền bạc và quyền lực”, “Tham nhũng dầu mỏ - Thế lực nhiễu loạn thế giới” và “Năng lượng: Lịch sử nhân loại từ than củi tới hạt nhân”.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.