Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Chỉ số trên đồng hồ khiến tôi nhận ra mình đã bỏ bê sức khỏe bản thân

Những vấn đề đã ở đó từ lâu, nhưng chỉ số từ đồng hồ thông minh khiến tôi khó có thể “trốn tránh” sự thật và phải quan tâm đến sức khỏe của mình hơn.

Đầu năm nay, khi suy nghĩ để viết những mục tiêu đặt ra cho năm mới, tôi đặt lên hàng đầu dòng “ngủ đủ giấc”.

Tôi vốn vẫn biết mình đang ngủ ít. Do công việc thường phải thức khuya và dậy sớm, lại sử dụng điện thoại rất nhiều nên thời gian ngủ hàng ngày của tôi thường xuyên ở mức dưới 6 giờ mỗi ngày và đã kéo dài nhiều năm.

Dù biết ngủ như vậy là thiếu, nhưng một phần tôi vẫn “đối phó” với suy nghĩ chỉ cần chơi thể thao đều vài lần mỗi tuần là đủ để giữ sức khỏe không tệ đi quá nhiều. Suy nghĩ đó chỉ thực sự thay đổi vào giai đoạn đầu năm nay, khi tôi thường xuyên phải ngủ ít hơn, cũng như hiểu hơn về dữ liệu trên smartwatch của mình.

Chỉ số không biết “nịnh”

Vào giữa tháng 3, tôi có một chuyến đi chơi kéo dài một tuần. Hoạt động thể chất cả ngày, tối ngủ sớm, tôi cảm thấy cơ thể mình như được làm mới. Nhưng đến đêm thứ tư, tôi phải thức đến gần 2h sáng để hoàn thành một công việc quan trọng, và quen lịch, sáng hôm sau vẫn thức dậy lúc 6h.

Dù cảm thấy cơ thể không quá mệt, tôi nhận ra một thứ hơi “bất thường” trên màn hình chào mừng buổi sáng của chiếc Garmin epix Pro (Gen2). Chỉ số sẵn sàng tập luyện (Training Readiness) hôm đó chỉ là 25, thấp hơn nhiều so với mức 50-60 trung bình nhiều ngày trước đó.

“Dành thời gian để thư giãn”, chiếc đồng hồ này “nhắn gửi” phía dưới chỉ số.

Tình trạng tương tự xảy ra hơn một tuần sau. Lại với lý do “có việc”, tôi có 2 đêm liền chỉ ngủ khoảng hơn 4 giờ. Đến buổi sáng thứ hai, khi thức dậy tôi phải nhìn vào con số 1 trên đồng hồ, dù không cảm thấy quá tệ. Con số thấp nhất có thể đập vào mắt khiến tôi hiểu rằng mình đã ngủ quá ít và cần phải thay đổi.

Đây không phải chiếc smartwatch đầu tiên tôi dùng có tính năng theo dõi giấc ngủ. Các mẫu đồng hồ từ Apple, Huawei đều có thể theo dõi được tổng thời gian ngủ, cũng như các giai đoạn trong một giấc ngủ để phân tích chất lượng giấc ngủ. Dù vậy, cách đưa thông số đập vào mắt, ngay khi người dùng thức dậy ở màn hình “báo cáo sáng sớm” (morning report) của Garmin có vẻ hiệu quả hơn trong việc thu hút sự chú ý.

Training Readiness là chỉ số mới được tích hợp vào các thiết bị Garmin cao cấp từ năm 2022. Theo mô tả của hãng này, chỉ số được tính toán dựa trên các dữ liệu liên quan đến giấc ngủ, thời gian khôi phục sau bài tập, sự biến đổi nhịp tim (Heart Rate Variability hay HRV).

Trong số đó, các chỉ số liên quan đến giấc ngủ được đặt lên hàng đầu. Bằng cách đo các thông số liên quan đến chuyển động, nhịp tim, nhịp hô hấp… chiếc đồng hồ cung cấp một bảng tóm tắt các giai đoạn giấc ngủ khá trực quan, sau đó tổng hợp lại thành một chỉ số chung để đánh giá chất lượng giấc ngủ.

Sau khi liên tục nhận chỉ số giấc ngủ ở mức trung bình, tôi mới tìm hiểu rõ khái niệm “nợ ngủ” (sleep debt), chỉ sự chênh lệch giữa thời gian ngủ nên có của một người và thời lượng thực tế. Không giống như nợ tiền, “nợ giấc ngủ” không dễ trả.

Nếu bạn cần ngủ 8 giờ mỗi ngày và thực tế chỉ ngủ 6 giờ/ngày, dù có “ngủ bù” thêm 5 giờ/ngày vào cuối tuần cũng chỉ phần nào giảm bớt tác hại tới sức khỏe, chứ không thể bằng ngủ đủ vào ban đầu. Đó là chưa kể việc ngủ quá nhiều vào cuối tuần còn ảnh hưởng tới lịch sinh hoạt, ngủ trong tuần. Theo nghiên cứu của Shingo Kitamura và đồng sự, đăng tải năm 2016 trên Thư viện Y văn Quốc gia Mỹ, phải mất khoảng 4 ngày để cơ thể hồi phục lại trạng thái tối ưu nếu nợ ngủ một giờ.

Thiết bị giúp người dùng “chủ động” hơn

Tất nhiên chiếc đồng hồ chỉ đóng vai trò là thiết bị cảnh báo, giúp tôi nhận biết rõ hơn về tình trạng khá tệ của mình để thay đổi, còn việc có thay đổi hay không vẫn phụ thuộc vào người dùng. Sau quá trình sử dụng nhiều loại smartwatch, tôi thấy rằng các hãng đều có cách khéo léo để người dùng hiểu rõ hơn vấn đề của mình, dù đó là thiếu ngủ, không chịu luyện tập hay vận động quá ít.

Việc “giật mình” về giấc ngủ từ khi đeo đồng hồ của Garmin khiến tôi nhớ tới cảm giác thời kỳ đầu sử dụng Apple Watch. Apple rất tinh tế khi thiết kế tính năng 3 vòng tròn sức khỏe (đo thời gian đứng, thời gian tập luyện và mức năng lượng tiêu thụ). Trong ngày, chiếc đồng hồ thường xuyên “nhắc nhở” tôi hãy đứng lên đi, cố gắng tập luyện và đạt chỉ tiêu vận động.

Những lời nhắc liên tục, cùng sự khuyến khích mỗi khi “đóng” đủ 3 vòng tròn phần nào trở thành động lực khiến tôi vận động, đứng nhiều hơn mỗi ngày. Đến nay, Apple vẫn đang rất thành công khi liên tục mở ra những tính năng mới cho sức khỏe, gần nhất là nhắc nhở người dùng kiểm tra trạng thái hiện tại của mình (mindfulness).

danh gia garmin Epix pro2 anh 5

Thiết kế của đồng hồ gọn và bắt mắt, phù hợp sử dụng cả khi tập luyện, đi chơi hay đi làm. Ảnh: VA.

Một điểm vượt trội của chiếc Garmin epix Pro so với Apple Watch là pin. Mẫu smartwatch có màn hình OLED này thường xuyên đạt thời lượng pin khoảng 5-7 ngày trong quá trình sử dụng của tôi, vượt trội so với thời lượng khoảng gần 2 ngày của chiếc Apple Watch Ultra. Khi không phải bỏ ra sạc hàng đêm, tôi sẽ không bị quên đeo đồng hồ đi ngủ.

Về mặt thiết kế, chiếc epix Pro cũng đủ nhỏ và nhẹ để đeo đi ngủ. Ngoại hình của mẫu đồng hồ này bắt mắt và không quá hầm hố như nhiều sản phẩm cùng hãng, có thể đeo đi chơi, đi làm.

Garmin vẫn được biết đến với các tính năng theo dõi bài tập thể thao, nhưng tôi mới chỉ có cơ hội thử nghiệm chiếc đồng hồ ở bộ môn tennis chứ chưa tận dụng được nhiều. Garmin có bộ sưu tầm bài tập rất đồ sộ, và tôi dự định sử dụng tính năng Garmin Coach để tự tập luyện cho cự ly 10 km chạy bộ trong một giải chạy diễn ra 2 tháng nữa.

danh gia garmin Epix pro2 anh 6

Thời lượng pin dài cũng giúp chiếc đồng hồ hữu dụng hơn trong những chuyến leo núi kéo dài 3-4 ngày, tôi không phải cân nhắc việc mang dây sạc như với Apple Watch. Ảnh: VA.

Trong gần 2 tháng sử dụng mẫu epix Pro (Gen2), tôi nhận thấy điểm trừ là đồng hồ mất kết nối thường xuyên hơn với iPhone. Chỉ cần để ở 2 phòng cách xa nhau trong căn hộ, chiếc iPhone thỉnh thoảng không thể tìm thấy đồng hồ.

Khi sử dụng, tôi cũng thường phải bật lại ứng dụng Garmin Connect để đồng hồ và điện thoại nhìn thấy nhau, đồng bộ thông tin. Về mặt trải nghiệm, sự bất tiện tuy nhỏ nhưng vẫn đáng kể so với cách dùng liền mạch của Apple Watch.

Cuộc chiến không hồi kết giữa fan Apple Watch và fan đồng hồ cơ

Cuộc tranh cãi giữa các tín đồ đồng hồ cơ và người dùng smart watch thu hút sự chú ý trên mạng xã hội. Giới mộ điệu chia thành 2 phe trong "cuộc chiến" này.

Nhật Minh

Bạn có thể quan tâm