Trong 2 ngày 22 và 23/11, Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019 diễn ra tại Đà Nẵng với chủ đề chính là logistics hỗ trợ nâng cao giá trị nông sản.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới - World Bank về chỉ số hoạt động logistics (LPI) công bố tháng 7/2018 cho biết Việt Nam đứng thứ 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp thứ 3. Đây là kết quả tốt nhất của Việt Nam từ khi Word Bank xếp hạng chỉ số hoạt động logistics trong thập niên qua.
Dù có nhiều kết quả tích cực, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu.
Một số điểm tồn tại theo Bộ trưởng Công Thương là chi phí logistics cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu; quy mô, tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt còn yếu; tổ chức mạng lưới toàn cầu, hệ thống thông tin hạn chế. Nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics chưa được đào tạo bài bản và còn thiếu.
Báo Chính phủ dẫn lời Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về dẫn chứng chi phí để 1 kg tôm từ miền Nam tới tay người tiêu dùng miền Bắc còn cao hơn chi phí 1 kg tôm từ Ecuador (châu Mỹ) về Việt Nam.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì diễn dàn. Ảnh: moit.gov.vn. |
Phát biểu tại diễn đàn, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, ngành xác định logistics sẽ là ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế. Logistics có vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế, gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu, thương mại trong nước.
Phó thủ tướng cho rằng cần cấp thiết nghiên cứu, xây dựng một chiến lược tổng thể đi đôi với quy hoạch tổng thể phát triển ngành logistics của Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.
“Ngoài các ứng dụng công nghệ, các doanh nghiệp cần thay đổi mô hình, phương thức kinh doanh. rất quan trọng để tiết giảm tối đa chi phí, tối ưu hóa lợi ích. Logistics sẽ là thiên đường cho khởi nghiệp sáng tạo”, Phó thủ tướng nói.
Ông cho biết Thủ tướng đã phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ và Chính phủ sẽ đưa vào dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) cơ chế sandbox để cho phép thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới.