Ông Brett Crozier đã viết lá thư cảnh báo lãnh đạo hải quân Mỹ cần có hành động kiên quyết để cứu mạng các thành viên thủy thủ đoàn, quyền Bộ trưởng Hải quân Mỹ Thomas Modly hôm 2/4 cho biết.
“Hôm nay, theo chỉ thị của tôi, sĩ quan chỉ huy của USS Theodore Roosevelt, Đại tá Brett Crozier, bị truất quyền chỉ huy nhóm tàu sân bay”, ông Modly nói trong cuộc họp báo của Lầu Năm Góc.
Quyền Bộ trưởng nói trước báo giới rằng Chỉ huy Crozier đã bị cho thôi việc vì hành động “cực kỳ thiếu sáng suốt” và "gây bão” vì thư cầu cứu của ông ấy được lan truyền rộng rãi. Bức thư được 20-30 bên sao chép lại, theo CNN.
Ông Modly nói rằng vị chỉ huy không bị đuổi việc vì bất kỳ bằng chứng nào cho thấy ông ấy đã rò rỉ bức thư với báo chí, nhưng thay vào đó “lại để sự khó khăn của Covid-19 lấn át hành động chuyên nghiệp của mình, điều cần thiết nhiều nhất vào thời điểm đó”.
“Tôi không có thông tin nào, cũng không cố đưa ra giả thuyết rằng ông ấy đã rò rỉ thông tin. Nó được đăng tải trên tờ San Francisco Chronicle. Việc đó đã gây ngạc nhiên lớn cho chúng tôi rằng thông tin đã xuất hiện trên báo. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy bức thư”, ông Modly nói thêm.
Chỉ huy tàu sân bay USS Theodore Roosevelt Brett Crozier. Ảnh: US Navy. |
Ông nói về thông tin trong bức thư do Chỉ huy Crozier viết hồi đầu tuần để gửi tới Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ.
Ông Modly gọi lời nhắn của ông Crozier là một “bom email làm chấn động những người mà ông biết”.
“Chúng ta không trong tình trạng chiến tranh. Các thủy thủ không cần phải chết. Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ thì sẽ thất bại trong việc chăm lo cho tài sản đáng tin cậy nhất của chúng ta - các Thủy thủ”, Đại tá Crozier viết trong bức thư dài 4 trang.
Ông Modly nói ông Crozier bị cách chức vì “vượt quyền” khi “gửi thư qua một hệ thống không bảo mật”, có thể dẫn tới bị rò rỉ.
Ngày 24/3, quyền Bộ trưởng Hải quân Mỹ Thomas Modly xác nhận 3 thủy thủ trên tàu USS Theodore Roosevelt, dương tính với virus corona. Đến ngày 31/3, nó được báo cáo có hơn 40 ca nhiễm trên tàu. Tới nay, một số quan chức cho biết số ca nhiễm đã vượt 100 trong khi 1.273 người trên tàu đã được xét nghiệm.
Tàu USS Theodore Roosevelt, có hơn 5.000 thủy thủ, đang ở Guam từ ngày 27/3 “theo lịch thăm tàu định trước, nơi có nguồn lực của hải quân Mỹ để có thể xét nghiệm, cách ly và điều trị cho thủy thủ”, theo thông cáo của Hải quân Mỹ.