“Không có gì mọc được trên trảng đất trống. Tất thảy đều chết.” Nhưng Tracy lại nhìn thấy một người đàn ông đang gắng sức trồng cây trên cái trảng đất trống huơ trống hoác ấy. Giống như ai đang cố chuộc tội vậy.
Nhiều năm về trước, người ta đã treo cổ một người đàn ông vô tội lên gốc cây sồi già để toàn dân thị trấn có thể nhìn thấy. Người đàn ông ấy đã nguyền rủa cả tất cả mọi người và thề sẽ thiêu rụi thị trấn thành tro. Từ đó, cây sồi già chết đi, vùng đất ấy trở thành trảng đất trống, không có cây cối nào có thể sống sót nổi.
Nhiều năm về sau, xác một cô nữ sinh trung học người da Đỏ được tìm thấy dưới sông và cảnh sát đã đóng vụ án với kết luận tự tử. Không ai nhắc lại vụ án đó cho đến 40 năm sau. Cái chết của Kimi Kanasket để lại nhiều mối nghi ngờ đặc biệt trong lòng cảnh sát phụ trách khi ấy là Buzz Almond, và bây giờ là nữ điều tra viên có năng lực Tracy Crosswhite. Lần theo các đầu mối của Buzz để lại, Tracy quyết tìm ra sự thật để trả lại sự công bằng cho người đã khuất, đồng thời xóa bỏ đi tiếng xấu cho trảng đất trống.
40 năm là một khoảng thời gian rất dài. Nửa đời người đã trôi qua. Nhưng có những người như Kimi không bao giờ sống được đến khoảnh khắc qua nửa đời người. Chính sự trùng hợp đến kỳ lạ giữa cái chết của Kimi và Sarah - em gái Tracy - khiến cô không cam tâm chấp nhận sự thật bị che vùi. Tracy vẫn luôn tin rằng con người vẫn có lương tâm, chỉ cần họ vẫn còn cảm thấy day dứt vì tội lỗi, chắc chắn cô sẽ phá được vụ án này.
Tác phẩm Trảng đất trống của Robert Dugoni. |
Thông qua Trảng đất trống, Robert Dugoni đã làm nổi bật một trong động cơ gây án thường thấy nhất của con người, đó là niềm kiêu hãnh của cha mẹ về những đứa con. Họ chấp nhận trở thành người xấu chỉ để bảo vệ tương lai của con em. Nhưng những đứa trẻ luôn sống trong tình yêu thương của cha mẹ mình, bỗng một ngày khi trưởng thành, chúng nhận ra cha mẹ không hoàn hảo như chúng vẫn nghĩ. Và thế là chúng vỡ mộng, niềm tin của chúng đã bị vỡ vụn đến mức không thể hàn gắn được.
Đọc sách của Robert Dugoni giống như xem một tập phim CSI nhưng dài hơn, chi tiết hơn và bất ngờ hơn. Các tình tiết được tác giả xây dựng vô cùng khéo léo và hợp lý, dần dần dẫn dắt người đọc đến được với ánh sáng của sự thật. Là một người đứng ngoài sàn đấu, ông để các nhân vật tự vờn nhau, tự khám phá các điểm yếu của đối phương mà ra một cú móc trái hay thọc vào mạng sườn. Đến khi mệt lả vì trận đấu, họ đã nắm trong tay kha khá thông tin để có thể kết thúc mọi chuyện.
Trái ngược với lối miêu tả tâm lý thường thấy trong trinh thám Nhật Bản, Trảng đất trống của Robert Dugoni lại tập trung nhiều về điều tra hành động. Các nhân vật trong cuốn sách đều là những người dày dặn kinh nghiệm và có kiến thức chuyên môn sâu. Tất cả các quy trình thủ tục pháp lý đều được kể hết sức rõ ràng và chính xác, cho thấy khối kiến thức khổng lồ của Dugoni trong lĩnh vực này.
Đây là tập truyện thứ ba trong series về nữ cảnh sát Tracy Crosswhite của nhà văn người Mỹ Robert Dugoni, người được mệnh danh là “vị vua dòng trinh thám pháp lý” và được cho là “người kế vị ngai vàng văn học của John Grisham”. Ngoài Trảng đất trống, các tác phẩm khác trong series đã được xuất bản tại Việt Nam bao gồm Căn hầm tối và Hơi thở cuối cùng.