Công ty cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương - Ocean Hospitality (OCH) vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý 2 và 6 tháng đầu năm 2013. Điểm đáng lưu ý nhất chính là nhiều công ty được ghi nhận trở thành công ty con của OCH, trong khi không hề có tên công ty cổ phần kem Tràng Tiền. Các báo cáo tài chính trước đây đều nêu rõ, Ocean Hospitality đã chi 500 tỷ đồng để “thâu tóm” kem Tràng Tiền. Tuy nhiên, sau nhiều năm, số tiền 500 tỷ mà Ocean Hospitality chi ra mua 99,17% cổ phần của Tràng Tiền vẫn “treo” tại khoản “Phải thu dài hạn khác” dưới tên ông Hà Trọng Nam.
Khoản phải thu này được Ocean Hospitality xác định là các khoản tiền đã chi ra để công ty thực hiện các dự án kinh doanh bất động sản. Như vậy, tính đến hết quý 2/2013, công ty vẫn chưa sở hữu số cổ phần nào của kem Tràng Tiền. Và Ocean Hospitality không đưa ra bất cứ lý giải nào về khoản tiền “treo” 500 tỷ đồng, cũng như các vấn đề liên quan tới kem Tràng Tiền. Số tiền 500 tỷ này chiếm 14,63% tổng tài sản của Ocean Hospitality.
Kem Tràng Tiền vẫn chưa được ghi nhận là công ty con của Ocean Hospitality. |
Thương vụ kem Tràng Tiền bị thâu tóm đã từng gây xôn xao dư luận một thời, vì kem Tràng Tiền bị bán với giá quá “bèo”. Năm 2000, khi cổ phần, giá trị doanh nghiệp của Tràng Tiền được xác định chỉ vỏn vẹn 3,2 tỷ đồng. Với giá quá rẻ như vậy, kem Tràng Tiền nhanh chóng bị thâu tóm khi “thế lực thâu tóm” đã chi gấp 10 lần mệnh giá, tức chỉ mất hơn 30 tỷ đồng để kiểm soát công ty. “Thế lực thâu tóm” được dư luận đồn đoán là tập đoàn Đại Dương, trong đó nhân vật quan trọng nhất chính là ông Hà Trọng Nam, anh trai ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch tập đoàn Đại Dương. Tin đồn này càng có cơ sở khi Ocean Hospitality chính thức công bố mua cổ phần tại kem Tràng Tiền. Nhiều người cho rằng, Kem Tràng Tiền bị thâu tóm không hẳn do thương hiệu, mà do công ty sở hữu mảnh đất vàng rộng 1.500m2, trị giá hàng ngàn tỷ đồng trên con phố đắc địa.
Vốn ngàn tỷ, lãi chục tỷ
Ocean Hospitality là một trong các công ty được chú ý trên sàn Hà Nội trong 6 tháng đầu năm nay, khi bất ngờ tăng vốn gấp đôi. Cụ thể, ngày 7/5/2013, trong phiên họp bất thường của Hội đồng quản trị, Ocean Hospitality đưa ra quyết định tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng bằng việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1.
Năm 2013, Ocean Hospitality chủ trương mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực M&A, một lĩnh vực vẫn đang được coi là "con gà đẻ trứng vàng" trong điều kiện hiện nay, nhằm tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, mang lại lợi ích cho cổ đông công ty. Với số vốn lên tới ngàn tỷ đồng, Ocean Hospitality có nhiều cơ hội đẩy mạnh M&A. Trong quý 2, vào ngày 1/4/2013, Ocean Hospitality đã đầu tư 247,27 tỷ đồng cùng 246,83 tỷ đồng vào công ty cổ phần bất động sản Việt Bắc và công ty cổ phần cổ phần Viptour togi.
Vì tập trung vào M&A nên Ocean Hospitality không có lợi nhuận khả quan. Lợi nhuận sau thuế quý 2 của Ocean Hospitality chỉ đạt 77,34 tỷ đồng, giảm 22,99 tỷ đồng, tương ứng 22,91%; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 81,96 tỷ đồng, giảm 18,44 tỷ đồng, tương ứng 18,37% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Ocean Hospitality, trong kỳ, công ty giảm lợi thế thương mại do thanh lý công ty cổ phần Sài Gòn - Givral.