Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Chết ở Venice' - tuyệt tác bi kịch về cái đẹp

Là một cuốn sách mỏng nhưng "Chết ở Venice" lại chứa đựng một câu chuyện ám ảnh mạnh mẽ với ngòi bút xuất sắc của Thomas Mann.

Chết ở Venice viết về Aschenbach, một nhà văn đang bước vào buổi hoàng hôn của đời người, khi đang ở đỉnh cao của danh vọng nhưng mọi thứ cảm giác với đời sống đã chuyển sang trạng thái chán ngán, bã bời. Một kỳ nghỉ ở Venice, hay là một cảnh huống cuối cùng trong đời người, được Thomas Mann thể hiện bằng ngòi bút tuyệt mỹ.

Venice là một “thành phố nước” đầy quyến rũ, có chút hoang dại, nhễ nhại, gợi tình, thường rất dễ khiến những người khách đến du lịch ở đây rơi và những “ham muốn lầm lạc”. Tại Venice, Aschenbach đã tình cờ nhìn thấy cậu thiếu niên xinh đẹp , và ngay lập tức rơi vào cơn si mê điên cuồng.

Nhà văn già không dám đến gần cậu thiếu niên ấy, nhưng luôn dõi mắt theo cậu ở bất kỳ đâu. Nơi nào có cậu, đều âm thầm bừng lên một thứ ánh sáng ma quái, khêu gợi và đầy kích thích đối với Aschenbach. Suốt những ngày hè ấy, việc đắm đuối trong vẻ đẹp của cậu thiếu niên, và rồi suy tưởng về giấc mộng miên viễn của cái đẹp là điều duy nhất mà Aschenbach đã làm. Nhưng cũng từ lúc ấy, Aschenbach đã dần khám phá ra những khả năng của cái đẹp, ấy là sự khơi nguồn sáng tạo, và nó vốn là điều đầu tiên của sáng tạo.

Vì rơi vào tình yêu ấy mà Aschenbach sau nhiều lần dằn vặt giữa việc đi và ở đã quyết định ở lại, mặc cho cả thành phố Venice đang nồng lên mùi dịch bệnh và chết chóc. Ấy là sự khuất phục sức mạnh của cám dỗ, mà nguyện trượt vào để đắm đuối trong vùng cám dỗ ấy. Nhân vật của Mann dễ khiến ta nhớ đến câu nói nổi tiếng của Oscar Wilde, một kẻ tôn sùng cái đẹp, “Cách duy nhất để thoát khỏi cám dỗ là khuất phục nó”.

Chet o Venice anh 1
Bản dịch tiếng Việt tác phẩm Chết ở Venice của Thomas Mann.

Chết ở Venice là một cuốn sách quyến rũ đến bệnh hoạn. Ánh mắt của kẻ si tình, đã trở thành cái gương soi chiếu tuyệt đối của cái đẹp. Chàng thiếu niên trẻ tuổi hiện lên qua đôi mắt mê mẩn của Aschenbach thì trở nên tuyệt mỹ, không gì có thể cưỡng lại được. Đó không phải là thứ ái tình đơn thuần, và Mann ngay từ đầu cũng không chỉ viết về một câu chuyện tình yêu đơn phương tuyệt vọng.

Mann đeo đuổi cậu bé niên thiếu xinh đẹp kia qua hết các đường phố ổ Venice, cũng để ngắm vẻ xinh đẹp như thiên thần của cậu. Từng chi tiết, đường nét trên khuôn mặt, thân thể cậu đều được nhìn ra bằng ánh mắt mê mụ kỳ lạ. Chỉ có cái tình của một nghệ sĩ đắm đuối cái đẹp mới có thể nhìn thấy và nâng niu từng chút từng chút đẹp đẽ đến như thế. Và đoạn cuối của cuộc hành trình, với cái chết lặng lẽ của Aschenbach, Chết ở Venice đã đạt đến sự tuyệt hảo của câu chuyện, lúc người nghệ sĩ hoàn toàn quy phục cái đẹp, bước vào của sự dấn thân vào mê đắm, con người không thể nào thoát ra được, chỉ có cái chết mới là tận cùng. Cái kết đỉnh cao này, dễ khiến người đọc liên tưởng đến cái chết của người đàn ông trong Tiếng cười trong bóng tối của Nabokov, khi đã đi đến tận cùng của si mê và cám dỗ.

Ở cuốn sách mỏng này, người đọc có thể dễ dàng nhận ra cái chất đặc biệt của Mann, ấy là sự suy nghiệm đậm chất triết lý, với những quan điểm rõ ràng về nghệ thuật bằng lòng tôn sùng cái đẹp. Mann coi cái đẹp là nguồn cơn của sáng tạo, và vì thế cả đời mải miết đi tìm cái cùng sâu bản nguyên của cái đẹp. Ở kiệt tác đầu tay, Gia đình Buddenbrooks, là cái đẹp của sự những hào quang tàn lụi. Tới Núi thần lại là cái đẹp tuyệt đỉnh cô quạnh của thiên nhiên xa vắng, và lòng người mênh mang. Còn với Chết ở Venice, bên cạnh thành phố Venice xinh đẹp như hư ảo, chính Mann đã tìm ra cái con đường để phá hủy của những vòng vây triết lý khô cứng, nguyên tắc, để khai phá tận cùng bản năng thấm nhuần cái đẹp của một tâm hồn nghệ sĩ.

Chết ở Venice được xuất bản lần đầu vào năm 1912, cùng thời gian đó, ông bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết đồ sộ Núi thần. Hai cuốn sách này có nhiều điểm khá tương đồng, dù xét về mặt ngôn ngữ, Núi thần đưa lại cảm giác tươi sáng dễ chịu hơn, và những suy niệm về tình yêu, lòng ham muốn nhục dục cũng như cái chết đều được miêu tả rõ ràng, chi tiết hơn, khác với sự dồn nén, ngột ngạt cực độ mà tác phẩm mang lại. Nếu nhà văn Aschenbach vì cuồng si cậu bé Tadzio mà ở lại Venice, thì chàng trai Hans Castorp cũng vì ham muốn một thiếu phụ người Nga mà ở lại núi thần. Đặc biệt, trong cả hai cuốn sách, Mann đều chọn những nơi có bối cảnh tuyệt đẹp để kể câu chuyện của mình, ấy cũng được xem là cái duy mỹ vô cùng của nhà văn. Núi thần hoàn thành sau Chết ở Venice hơn chục năm với nhiều lần sửa chữa, bỏ dở. Thomas Mann được trao giải Nobel năm 1929.


Phong Linh

Bạn có thể quan tâm