Đúng với nhận định của các chuyên gia tài chính trong nước, giá vàng miếng SJC đang ngày càng đi lệch khỏi diễn biến của giá vàng thế giới trong bối cảnh cung - cầu 2 thị trường khác nhau.
Trong khi giá vàng thế giới phiên sớm đầu tuần này vẫn giao dịch quanh vùng 1.780 USD/ounce, giá vàng miếng tại hầu hết doanh nghiệp đã được đẩy trở lại mốc 61,5 triệu đồng/lượng. Điều này khiến chênh lệch giá giữa 2 thị trường lên cao kỷ lục.
Cụ thể, giá vàng giao ngay trên sàn Kitco hiện phổ biến giao dịch quanh mức 1.784 USD/ounce, không thay đổi nhiều so với cuối tuần trước và tương đương 49,2 triệu đồng/lượng quy đổi ra tiền Việt.
Trong khi đó, giá vàng miếng tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) sáng nay đã được đẩy lên mức 60,8 triệu/lượng (mua) và 61,5 triệu/lượng (bán), cao hơn 400.000 đồng so với cuối tuần trước. Đây đã là phiên tăng thứ 4 liên tiếp của vàng miếng SJC kéo dài từ giữa tuần trước đến nay.
So với một tuần trước, giá vàng miếng tại đây đã tăng xấp xỉ 1 triệu đồng.
Cùng với vàng miếng, giá vàng nhẫn SJC 99,99 cũng được công ty này tăng 350.000 đồng trong sáng nay, hiện phổ biến giao dịch ở mức 51,65 - 52,35 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Cũng trong sáng nay, Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) có phiên thứ 5 liên tiếp tăng giá vàng miếng sau chuỗi ngày suy giảm nửa cuối tháng 11. Hiện PNJ chấp nhận mua vào ở mức 60,7 triệu/lượng và bán ra ở 61,4 triệu đồng, cao hơn lần lượt 500.000 đồng chiều mua và 400.000 đồng chiều bán so với cuối tuần trước.
Đây cũng là mức giá cao nhất mà PNJ niêm yết với vàng miếng 2 tuần trở lại đây.
Tương tự SJC, PNJ cũng điều chỉnh tăng giá mua - bán vàng nhẫn 24K do doanh nghiệp tự chế tác, hiện phổ biến ở 51,6 - 52,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), cao hơn 200.000 đồng so với phiên liền trước.
Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI sáng nay chấp nhận mua vào vàng miếng ở mức 60,7 triệu/lượng, cao hơn 200.000 đồng so với cuối tuần trước. Giá bán ra tại đây hiện phổ biến ở 61,4 triệu đồng.
Với việc giá vàng miếng tăng trở lại vùng 61,5 triệu đồng/lượng, trong khi vàng thế giới vẫn đi ngang vùng 1.780 USD/ounce, chênh lệch giá giữa 2 thị trường này đã lên mức kỷ lục 12,3 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước sẽ còn đắt hơn vàng thế giới quy đổi trong thời gian tới. Ảnh: Chí Hùng. |
Chênh lệch này đồng nghĩa với việc người mua vàng trong nước đang phải trả mức giá đắt hơn tới 25% để sở hữu cùng một lượng vàng trên thị trường thế giới. Nếu so với giá vàng nhẫn, mức chênh lệch này cũng là hơn 3 triệu đồng, tương đương 6,4%.
Trong tuần này, các chuyên gia cho rằng chênh lệch giá vàng miếng trong nước và thế giới sẽ tiếp tục được nới rộng.
Nguyên nhân đến từ việc giá vàng thế giới được dự báo đang bước vào trạng thái tiêu cực, trong khi vàng miếng không còn phụ thuộc vào diễn biến thế giới.
Cuộc khảo sát với 14 chuyên gia phân tích phố Wall của Kitco cho biết chỉ 4 người (28%) cho rằng giá vàng sẽ tăng trở lại tuần này, tỷ lệ thấp nhất nhiều tháng gần đây. Ngược lại, số chuyên gia đưa quan điểm trung lập và tiêu cực với giá vàng là 5 người cho mỗi bên (36%).
Tương tự, tâm lý tăng giá vàng của các nhà đầu tư cá nhân cũng đã giảm mạnh tuần này.
Theo đó, chỉ còn 501/984 nhà đầu tư cho rằng giá vàng sẽ tăng tuần này, tương đương 51% số người tham gia khảo sát. Trong khi đó, cũng có 319 người (32%) tin rằng giá vàng sẽ giảm và 164 người còn lại (17%) đưa quan điểm trung lập.