Bình luận
Chelsea và Man City góp mặt trong trận chung kết Champions League 2020/21 tại sân Dragao (Bồ Đào Nha). Trong khi đó, PSG từng tham dự trận đấu cuối cùng của đấu trường danh giá nhất châu Âu vào mùa giải trước và dừng chân ở bán kết trong mùa giải này.
Chelsea, Man City và PSG đều có điểm chung. Họ được các ông chủ ngoại quốc đầu tư một khoản tiền lớn trong thời gian dài và đang tận hưởng những điều ngọt ngào nhất.
Chelsea vô địch Champions League 2020/21. Ảnh: Getty Images. |
Vững vàng giữa đại dịch Covid-19
Sự ra đời của Champions League vào năm 1992 bắt đầu một quá trình làm cho những đội bóng được xem là “gã nhà giàu” vào thời điểm ấy như Real Madrid, AC Milan..., ngày càng giàu hơn. Thành công đến với họ như một hệ quả tất yếu.
Song, mọi chuyện rẽ sang một hướng khác kể từ khi tỷ phú Roman Abramovich mua lại Chelsea vào năm 2003. Năm 2008, Sheikh Mansour, thành viên Hoàng gia Al Nahyan của tiểu vương quốc Abu Dhabi nắm quyền sở hữu Man City. Hơn 3 năm sau, đến lượt Nasser Al-Khelaifi, chủ sở hữu Qatar Sports Investment, tiếp quản PSG.
Cả 3 đội bóng này bỗng trở nên giàu có bởi nguồn ngân sách của họ không dựa vào thành tích có được trên sân cỏ mà chủ yếu có nguồn gốc từ tài nguyên dầu khí. Nhờ vậy, các CLB này liên tục khuynh đảo thị trường chuyển nhượng, chi những khoản tiền khổng lồ để chiêu mộ những cái tên mình mong muốn, dẫn đến tình trạng giá cầu thủ bị thổi phồng quá mức.
Luật Công bằng tài chính (Financial Fair Play, viết tắt là FFP) cũng ra đời vào năm 2010, để kìm hãm sức mua của những CLB nhà giàu. Sáng kiến này thành công một phần.
Tuy nhiên, những quy định này còn để lộ nhiều kẽ hở và nhiều đội bóng tìm cách lách luật. PSG từng bỏ ra hơn 400 triệu euro để chiêu mộ Neymar và Kylian Mbappe vào mùa hè năm 2017. Man City từng bị cấm thi đấu tại Champions League do có dấu hiệu vi phạm nhưng sau đó được Tòa án Trọng tài Thể Thao (CAS) minh oan vào năm ngoái.
Với nguồn ngân sách vững vàng, Chelsea, Man City và PSG không gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động ngay cả khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.
European Super League (ESL) được tuyên bố thành lập vào cuối tháng 4 nhằm giải quyết vấn đề tài chính dành cho những “gã nhà giàu truyền thống”. Theo đó, các CLB tham gia giải đấu này sẽ được nhận một khoản tiền đều đặn, không phụ thuộc vào thành tích trên sân.
Dịch Covid-19 làm doanh thu của nhiều “gã nhà giàu truyền thống” giảm sút trầm trọng. Các đội bóng ở Italy và Tây Ban Nha như Real Madrid, Barcelona, Juventus… đều đang lao đao.
Tại Premier League, Man United có những khoản nợ lớn, Liverpool siết chặt ngân sách chuyển nhượng, Arsenal và Tottenham đều phải gấp rút vay mượn bằng nhiều cách để cứu vãn tình hình. ESL được thành lập như một giải pháp giúp các CLB tồn tại giữa đại dịch toàn cầu.
Man City của HLV Guardiola sẽ tiếp tục chi đậm để hiện thực hóa giấc mơ vô địch Champions League. Ảnh: Getty Images. |
Kỷ nguyên thống trị bắt đầu
Đáng tiếc, dự án này nhanh chóng sụp đổ. Nhóm sáng lập ESL có 12 thành viên, trong đó có cả Man City và Chelsea. Tuy nhiên, sau ít ngày chứng kiến sự phản đối dữ dội từ dư luận, 2 đội bóng này tuyên bố rút khỏi dự án.
PSG không được mời tham gia dự án này. Tuy nhiên, ngay cả lời mời được gửi đến sân Parc des Princes, họ cũng không nhận lời.
PSG, Man City và Chelsea không gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Sự tồn tại của ESL giúp họ có thêm một khoản tiền lớn. Tuy vậy, ngay cả khi không tham gia giải đấu này, tài chính của họ không bị ảnh hưởng.
Bóng đá châu Âu ước tính sẽ thiệt hại ít nhất 5 tỷ USD vì đại dịch. Tuy nhiên, Man City vẫn chi 120 triệu USD trên thị trường chuyển nhượng và đẩy quỹ lương của họ lên mức xấp xỉ 500 triệu USD, con số kỷ lục tại Premier League.
Về phần Chelsea, sau án phạt cấm chuyển nhượng một năm, họ ngay lập tức chi 250 triệu USD để tăng cường lực lượng vào mùa hè năm ngoái. Cả hai đại diện của Premier League này vẫn hoạt động mạnh trên thị trường chuyển nhượng như chưa từng có đại dịch Covid-19.
Mục tiêu của PSG và Man City hướng đến là chức vô địch Champions League. Sau khi gặt hái nhiều thành công ở các giải đấu quốc nội, họ cần một danh hiệu ở đấu trường châu Âu để tạo nên tiếng vang, khẳng định sự thống trị.
Mùa giải này, Man City có lần đầu tiên lọt vào trận chung kết Champions League. Trong khi đó, PSG làm được điều tương tự ở mùa giải 2019/20 (để thua Bayern Munich trong trận chung kết).
Với những gì đang diễn ra, Man City, Chelsea và PSG sẽ còn thống trị đấu trường châu Âu trong một khoảng thời gian dài. Trong buổi tối tại Dragao (Bồ Đào Nha), Chelsea trở thành đội bóng thứ 4 của Premier League giành được ít nhất 2 danh hiệu Champions League. Còn PSG và Man City sẽ không từ bỏ tham vọng của mình.
Vào mùa hè, Chelsea tiếp tục chi đậm để bảo vệ thành quả và hướng đến thành công tiếp theo. Man City và PSG nhiều khả năng sẽ khuynh đảo thị trường chuyển nhượng thêm một lần nữa để mang về những tân binh chất lượng.
Khi ấy, những “gã nhà giàu truyền thống” sẽ cần phải dè chừng. Thực tế cho thấy Real Madrid, Juventus hay Barca khó kích hoạt phi vụ bom tấn nào đáng kể.
Tại Tây Ban Nha, Barca toàn phải tập trung chiêu mộ những bản hợp đồng tự do. Real Madrid của Chủ tịch Florentino Perez muốn có Kylian Mbappe.
Thế nhưng, "Los Blancos" vẫn còn nhiều vấn đề phải lo, như tìm HLV mới, gia hạn hợp đồng với nhiều trụ cột. Có lẽ, phải còn rất lâu người hâm mộ mới lại thấy sân Alfredo di Stefano được chào đón dàn sao trăm triệu USD xuất hiện.
Còn Juventus đang chật vật giải quyết bài toán kinh tế. Họ có Cristiano Ronaldo trong đội hình. Dù vậy, hợp đồng giữa siêu sao người Bồ Đào Nha và CLB chỉ còn hiệu lực 1 năm.
Để miêu tả cụ thể nhất cho Real Madrid, Barca hay Juventus, thì đó là những "công trường" cần được đại tu. Còn PSG, Chelsea và Man City đã giống như cấu trúc ổn định.