Đến giờ vẫn còn nhiều giai thoại về việc Roman Abramovich quyết định mua Chelsea như thế nào. Có nguồn kể lại vào ngày đẹp trời, tỷ phú người Nga bay trực thăng tới London và thấy một SVĐ cỡ nhỏ. Ông hỏi đây là gì và hứng chí mua luôn CLB sở hữu, chính là Chelsea.
Đến giờ, không ai biết thực sự khoảnh khắc khiến Abramovich bỏ ra 140 triệu bảng vào năm 2003 để mua Chelsea là gì. Song tất cả đều nhớ trong ngày ra mắt, tỷ phú người Nga khiến báo chí ngày đó chia rẽ nặng nề.
"Đây không phải là công việc kinh doanh", Abramovich nói với BBC. "Tôi có nhiều cách kiếm ra tiền ít mạo hiểm hơn là đầu tư vào bóng đá. Tôi không muốn ném tiền qua cửa sổ, nhưng công việc này mang lại niềm vui từ thành công và những danh hiệu mà Chelsea có được. Ước mơ của tôi là được sở hữu CLB hàng đầu, dù cho ai đó có thể nghi ngờ động cơ hoặc cho là tôi điên".
Abramovich là ông trùm kinh doanh dầu mỏ, mua hẳn một CLB, và nói mình làm tất cả “vì niềm vui”. Báo chí xứ sở sương mù ngày đó lao vào bới móc Abramovich.
Abramovich trở thành ông chủ của Chelsea vào tháng 7/2003 sau khi chi 140 triệu bảng mua lại từ Ken Bates. Ảnh: Getty. |
Bao nhiêu tiền là đủ?
Trong mùa hè 2003, Abramovich hứa cấp cho Chelsea “khoảng 30 triệu bảng” để mua cầu thủ. Con số thực tế nhiều gấp 5 lần. Hernan Crespo, Juan Veron, Damien Duff, Joe Cole, Makelele, Mutu là những cái tên gia nhập ồ ạt tới Stamford Bridge.
Nhiều người sẽ nhớ tới công lao Jose Mourinho thay đổi và đưa Chelsea trở thành thế lực. Song chính mùa đầu tiên của Abramovich tại Chelsea đã trực tiếp khẳng định tiềm lực của "The Blues". Họ về đích thứ nhì tại Premier League, chỉ sau Arsenal bất bại và vào tới bán kết Champions League (thua AS Monaco) dù thải loại tổng cộng 20 cầu thủ và mang tới 22 gương mặt mới về.
Hàng trăm triệu bảng tiếp tục được Abramovich vung ra trong những kỳ chuyển nhượng tiếp theo. Khi Jose Mourinho ngồi vào ghế nóng, Chelsea vụt biến trở thành đội quân đầy thiện chiến. Họ thống trị Premier League trong 2 mùa giải và gặt hái thành công lớn ở cả khía cạnh chuyên môn lẫn thương mại.
Hứa chi 30 triệu bảng trong kỳ chuyển nhượng đầu tiên, Abramovich đổi ý, cấp hẳn 150 triệu cho Chelsea mua sắm. Ảnh: Getty. |
Thương hiệu Chelsea dần trở nên phổ biến. Hiếm ai theo dõi bóng đá thế giới ngày ấy không nhìn nhận Chelsea như một thế lực mới thực sự, bên cạnh những quyền lực cũ như MU hay Arsenal. Năm 2012, Brandfinance xác nhận thương hiệu Chelsea ở mức AA, cao thứ nhì trên bình diện thế giới (sau mức AA+ của những tên tuổi như Real Madrid, MU).
Không chỉ vung tiền chiêu mộ cầu thủ để nâng cấp đội hình hay xây khu huấn luyện cho đội bóng. Abramovich còn làm điều hiếm ông chủ nào dám thực hiện ngày ấy: Trả nợ.
Chelsea chìm sâu trong nợ nần trước khi Abramovich tới. Chủ cũ của đội bóng này Ken Bates không làm cách nào thoát khỏi vũng lầy nợ nần dù Premier League khi ấy là mỏ vàng về thương mại và bản quyền truyền hình. Abramovich giải quyết tất cả.
Vào thời điểm Abramovich tới Chelsea, "The Blues" đang nợ 140 triệu bảng. Abramovich trả ngay lập tức khoản nợ này. Tỷ phú người Nga còn tính cách lách luật khi cho Chelsea “vay” tới 709 triệu bảng để đầu tư đội hình, xây sân tập, nâng cấp SVĐ và sắm sửa các trang thiết bị.
Trong thương trường, hiếm ai cho không ai cái gì. Song Chelsea và Abramovich chính là trường hợp như vậy. Trong 9 năm đầu sở hữu Chelsea, Abramovich chỉ có lỗ. Sau 5 năm đầu, khoản lỗ lũy kế của Chelsea lên tới 447 triệu bảng. Chelsea tiếp tục lỗ trong giai đoạn từ năm 2009-2013 với số tiền 231 triệu bảng.
Phải đợi đến năm 2013, Chelsea mới bắt đầu làm ăn có lãi. Tuy nhiên, khoản lãi chỉ vỏn vẹn 1,4 triệu bảng. Và bất chấp những khoản lợi nhuận kinh khủng được báo cáo mỗi năm sau đó, Chelsea thực tế lãi rất ít.
Tính đến lúc này, số tiền Abramovich đầu tư vào Chelsea lên tới hơn 2,5 tỷ bảng. Chưa một lần tỷ phú người Nga lên tiếng than lỗ. Ngay cả những tin đồn về việc bán Chelsea (nhằm thu hồi vốn) cũng chỉ là tin đồn. Abramovich vẫn là ông chủ của Chelsea và không có bất kỳ điều gì cho thấy "The Blues" sẽ chia tay với tỷ phú người Nga.
Lịch sử
Lịch sử từng là yếu tố khiến Chelsea bị dè bỉu trong quãng đầu Roman Abramovich tới. Khi ấy, "The Blues" mới 1 lần vô địch Anh, và đó cũng là câu chuyện của 50 năm trước. Ở Anh, kịch bản ông chủ giàu có đến đổi đời một đội bóng tầm khá là điều không dễ chấp nhận.
Những định kiến quăng tới tấp vào Chelsea. Họ cho rằng Chelsea chỉ là gã nhà giàu ăn xổi và chỉ khi Abramovich “hết hứng”, Chelsea sẽ quay trở lại thực tại là đội bóng chỉ cạnh tranh suất trong top 6 và thỉnh thoảng tạo ra bất ngờ.
Mặc kệ những hoài nghi, Chelsea bắt tay nhanh vào việc tự viết nên lịch sử cho chính mình. Những nỗ lực của Abramovich trong giai đoạn này rất đáng ghi nhận. Khi ông tới Chelsea, huyền thoại Gianfranco Zola quyết định rời CLB để trở về Italy khoác áo Cagliari trong năm cuối cùng sự nghiệp.
Mourinho giúp Abramovich biến Chelsea thành thế lực thực sự. Ảnh: Getty. |
Abramovich muốn giữ lại Zola để phục vụ cho giai đoạn chuyển tiếp. Ông ra sức thuyết phục cầu thủ người Italy nhưng chỉ nhận lại cái lắc đầu. Tỷ phú người Nga thậm chí định mua luôn CLB Cagliari để đưa Zola trở lại. Phải đến khi Zola xác nhận mình chỉ muốn chơi cho Cagliari, Abramovich mới thôi.
Dẫu vậy, hành trình tự viết nên trang sử hoàn toàn mới của Chelsea nhanh chóng được thiết lập với Mourinho trên ghế huấn luyện, John Terry ở hàng phòng ngự, Lampard đá tuyến hai và Didier Drogba ở tuyến đầu.
Chelsea khi ấy nhanh chóng xác lập lối đá thiên về cơ bắp cùng sự chắc chắn ở hàng phòng ngự. Họ vô địch Premier League 2004/05 với 15 bàn thua, một kỷ lục vẫn tồn tại tới ngày nay và xô đổ hàng loạt tượng đài vĩnh cửu của bóng đá Anh ngày đó như MU hay Arsenal.
Đặc tính phòng ngự với cơ bắp ấy kéo dài và phủ bóng lên Chelsea suốt thời gian sau này ngay cả khi Mourinho ra đi. Với lượng lớn người hâm mộ, khi nhắc tới Chelsea, phản xạ về đội bóng sở hữu lối chơi như khối thép nguội ngay lập tức hiện ra.
Năm 2012, Chelsea vô địch Champions League và chính thức rũ bỏ hoàn toàn hình ảnh của gã nhà giàu mới nổi. Họ tiến bước thành ông lớn thực sự của bóng đá Anh và vươn mình thành biểu tượng toàn cầu cả về thương mại lẫn bóng đá.
Chức vô địch Champions League 2012 là chiến quả lớn nhất của Chelsea dưới thời Abramovich. Ảnh: Getty. |
17 năm sau ngày Abramovich tiếp quản Chelsea, không ai có thể nói "The Blues" giờ là CLB thiếu truyền thống nữa. Quãng thời gian gần 2 thập kỷ đã qua chính là lịch sử vẻ vang nhất của Chelsea. Ở đó, Abramovich là vua, những công thần là Terry, Lampard hay Drogba.
Trước Abramovich, Premier League chưa từng chứng kiến bất kỳ hình mẫu ông chủ ngoại quốc thôn tính CLB và thành công. Sau Abramovich, Man City xuất hiện, đi đúng con đường Chelsea đã đi. Newcastle của ngày hôm nay cũng có thể đang bước vào mô hình ấy.
Roman Abramovich đã viết nên lịch sử mới cho Chelsea.