Đội ngũ giải quyết khủng hoảng của Chelsea ra tay chủ động làm dịu bầu không khí. Kepa sau trận thừa nhận tất cả chỉ là hiểu lầm. Huấn luyện viên (HLV) Maurizio Sarri cũng nói rằng “đó là hiểu nhầm lớn”.
Như vậy có nghĩa là xong xuôi? Trận tới Kepa lại bắt chính, và HLV Sarri sắp bị sa thải? Dòng chảy lại tiếp diễn như thể chưa từng có scandal tại Wembley?
“Tới lúc phải có ai đó nói với các cầu thủ Chelsea rằng, họ là một trong những hình mẫu lệch lạc nhất của bóng đá”, cây bút Sami Mokbel của Daily Mail viết.
Hành động của Kepa dù dưới bất kỳ lý do nào, cũng không thể chấp nhận được. |
Căn nguyên của bóng đá là kỷ luật
Bóng đá xuất hiện vô số sự thay đổi trên mọi phương diện. Có không ít những “lần đầu tiên” đã xuất hiện, tạo nên ngã rẽ lịch sử cho môn thể thao vua. Tuy nhiên, cũng như trái bóng cả trăm năm qua luôn là hình tròn, có những giá trị tồn tại bất chấp yếu tố thời đại. Và một trong số đó là kỷ luật: HLV đưa ra mệnh lệnh, cầu thủ tuân thủ.
"Khi bạn nhìn thấy tên mình xuất hiện trên bảng điện tử yêu cầu thay người, việc bạn cần làm là rời khỏi sân. Đơn giản như vậy. Có thể quyết định đó đúng, có thể sai. HLV phải có toan tính của riêng mình khi đưa ra quyết định. Tất cả hành vi chống lại lệnh HLV dù bất kỳ lý do gì, cũng đều thể hiện sự thiếu tôn trọng”, cây bút Sami Mokbel viết trên Daily Mail.
Năm xưa, Carlos Tevez từ chối yêu cầu vào sân của HLV Roberto Mancini trong trận đấu với Bayern tại Champions League. Chẳng ai quan tâm tới lý do tại sao Tevez làm vậy. Họ đều chấp nhận thực tế Tevez biến mất khỏi đội hình Man xanh suốt 5 tháng sau đó vì hành vi thiếu tôn trọng này, nhưng như Tevez còn nhẹ nhàng.
Roy Keane là đội trưởng, linh hồn của Man United, nhưng chỉ cần trái ý Sir Alex Ferguson là nhận hậu quả phải trải qua 3 tháng đá bóng một mình ở garage nhà riêng. Ruud van Nistelrooy từng là cây săn bàn số 1 của "Quỷ đỏ" nhưng chỉ cần ngồi trên băng ghế dự bị buông ra vài lời tục tĩu, anh cũng nhanh chóng đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của mình.
Man United trở nên vĩ đại dưới thời Sir Alex một phần nhờ vào truyền thống tôn sư trọng đạo. Đó cũng là phần bất biến của bóng đá.
Cá tính, ngổ ngáo như Roy Keane vẫn phải vâng lời Sir Alex. |
HLV Sarri đâu phải người đầu tiên bị hỗn
Chúng ta từng thấy Carlos Puyol lao tới ngăn cản Gerard Pique hỗn láo với HLV đối thủ. Chúng ta cũng từng thấy Per Mertesacker giận dữ chạy tới mắng xối xả Mesut Oezil vì người đồng hương thiếu tôn trọng khán giả. Nhưng trong thời khắc Kepa biến ông thầy của mình thành trò hề giữa thánh đường Wembley, lại chẳng có cầu thủ Chelsea nào dạy cho anh bài học về cách ứng xử.
Phải chăng ở Chelsea những chuyện thế này chẳng có gì bất thường?
Cái nháy mắt dù có bất kỳ ẩn ý gì, cũng không phải là cách Kepa phản ứng sau khi xúc phạm HLV của mình trước đông đảo người hâm mộ. |
Trong vài năm qua, Chelsea bỗng dưng trở thành tập thể của quá nhiều điều bất thường về các hành vi ứng xử. "The Blues" trở thành đội bóng hiếm hoi mà các ngôi sao lại bị chính người hâm mộ đội nhà tố cáo là “những con chuột cống”.
Chúng ta vẫn chưa quên những tấm băng rôn xuất hiện trên khán đài, được giơ bởi chính CĐV Chelsea tố cáo Hazard, Fabregas và Costa là những “con chuột cống” đã cưa gãy chân ghế của HLV Jose Mourinho.
Thời Mourinho còn tại vị, ông từng phải giấu kỹ đội hình xuất phát vì dường như có ai đó trong tập thể "The Blues" tiết lộ đội hình của Jose Mourinho với truyền thông. Đó là hành vi thiếu đạo đức.
CĐV Chelsea thậm chí đã trực tiếp tố cáo những cầu thủ âm mưu lật đổ Jose Mourinho. |
Sau Mourinho, đến lượt Antonio Conte cũng phải hứng chịu sự đỏng đảnh của các cầu thủ Chelsea. Willian từng đăng tải bức ảnh cầu thủ Chelsea ăn mừng chức vô địch FA Cup. Vấn đề là Willian lại dùng miếng nhãn dán che luôn mặt của Conte. Diego Costa cũng từng chụp lại ảnh đội hình ra sân trong trận đấu giữa Chelsea và Barcelona ở vòng 1/8 Champions League, song lại xóa trắng dòng tên của Conte như sự "trả đũa" với người thầy cũ.
Andre Villas-Boas cũng mất ghế khi không thể làm chủ phòng thay đồ, Roberto Di Matteo thậm chí còn bị Jose Bosingwa chỉ đạo ngược lại trong trận chung kết Champions League. Bao năm qua, bao nhiêu HLV ở Chelsea được đội bóng thực sự trân trọng?
Còn ai dám tới với “hố chôn HLV” Stamford Bridge nữa đây? |
Vậy nên chuyện Kepa hỗn hào với HLV Maurizio Sarri được tin rằng xuất phát từ sự coi thường và dung túng của tập thể Chelsea, tuyệt nhiên không phải hiểu nhầm. Thói quen sa thải - bổ nhiệm HLV quá dễ dãi của ông chủ Roman Abramovich đã gián tiếp tạo nên những quyền lực ngầm trong phòng thay đồ chi phối vận mệnh của đội bóng. Sự tồn tại của hệ thống quyền lực này được dung túng và chấp thuận, lâu dần tạo nên tư duy lệch lạc trong đầu của nhiều cầu thủ.
Những hình mẫu như Chelsea đang làm biến chất bóng đá, làm vẩn đục truyền thống tôn sư trọng đạo của làng túc cầu. Và điều tồi tệ là nó sẽ còn tiếp diễn. Chelsea đang tự biến mình thành lỗ đen của làng bóng đá. Liệu còn HLV nào dám kết duyên với họ?